Những bàn tay thơm mãi

Nguyễn Thị Bội Nhiên |

Ngành y tế ở huyện miền núi dồn tổng lực vào chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn.

Làn sóng Covid-19 thứ tư với biến thể Delta mang tới những cảnh tượng tàn khốc ở nhiều nơi trên thế giới thúc đẩy các quốc gia tăng tốc tiếp cận và sử dụng vaccine để chống lại đại dịch Covid-19. Thông qua các nguồn khác nhau như Cơ chế COVAX và khẩn trương đẩy mạnh Chiến lược Vaccine kết hợp Ngoại giao Vaccine, Việt Nam quyết tâm đạt mục tiêu có đủ 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 phục vụ chiến dịch tiêm chủng trên cả nước với tất cả mọi người trong độ tuổi tiêm chủng vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Tại tỉnh Quảng Trị, việc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 được thực hiện an toàn, hiệu quả, đúng đối tượng và mục tiêu theo yêu cầu của Bộ Y tế với những nỗ lực không ngừng của các đơn vị y tế và sự tận tâm, tận lực của đội ngũ thầy thuốc trên tuyến đầu chống dịch. Trong chiến dịch tiêm chủng lớn chưa từng có nhằm mục tiêu tăng tốc độ và diện bao phủ tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng trước SARS-CoV-2, đội ngũ thầy thuốc của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Hướng Hóa đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, kể cả lo sợ nhiễm Covid-19 khi mang vaccine phòng Covid-19 vào tận các bản, làng giữa đại ngàn Trường Sơn để không người nào không được tiêm phòng Covid-19…

Cán bộ, nhân viên y tế của Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 trên xe tiêm chủng lưu động tại Nhà Văn hóa cộng đồng dân tộc Vân Kiều-Pa Cô ở xã Lìa vào sáng ngày 29/9/2021. Ảnh: hưng Thơ-Nhật Minh
Cán bộ, nhân viên y tế của Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 trên xe tiêm chủng lưu động tại Nhà Văn hóa cộng đồng dân tộc Vân Kiều-Pa Cô ở xã Lìa vào sáng ngày 29/9/2021. Ảnh: Hưng Thơ-Nhật Minh
Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa tổ chức triển khai tiêm chủng lưu động vaccine phòng Covid-19 tại Trung tâm Thương mại Lao Bảo. Ảnh: hưng Thơ-Nhật Minh
Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa tổ chức triển khai tiêm chủng lưu động vaccine phòng Covid-19 tại Trung tâm Thương mại Lao Bảo. Ảnh: Hưng Thơ-Nhật Minh

Ngành y tế ở huyện miền núi dồn tổng lực vào chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn

Ngày 28/9/2021. Trên chiếc ô tô chuyên dụng phục vụ tiêm chủng lưu động phòng chống dịch Covid-19 đỗ ngay ngắn ở tiền sảnh Trung tâm Thương mại Lao Bảo, 4 bàn tiêm chủng được bố trí đảm bảo khoảng cách theo quy định chống dịch. Từ rất sớm, lãnh đạo TTYT huyện Hướng Hóa đã có mặt để hội ý và đi đến thống nhất về các vị trí. Tiêm chủng lưu động nhưng điểm tiêm chủng vẫn đúng theo nguyên tắc một chiều với bàn đón tiếp và khai báo y tế, đo dấu hiệu sinh tồn, bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng, bàn thực hiện tiêm, khu vực nhập phiếu, khu vực theo dõi và xử trí sau tiêm.

Ngoài ra, đội cấp cứu nhanh thường trực sẵn sàng hỗ trợ nếu xảy ra sự cố phản ứng sau tiêm vaccine. Với sự bố trí một cách khoa học về nhân lực và vị trí công việc, mọi việc được triển khai thực hiện trong sự tập trung cao độ, làm việc cật lực, theo đúng quy trình tiêm chủng.

Y sĩ Nguyễn Đăng Thông ghi danh sách người được tiêm chủng lên bảng để tiện theo dõi. Điều dưỡng viên Dương Thị Bích Ngọc kiểm tra kỹ thông tin của người làm thủ tục tiêm chủng theo danh sách ưu tiên tiêm phòng Covid-19. Bên bàn tiêm, trong lúc điều dưỡng viên Phan Thị Mỹ Chung đang pha vaccine thì nữ hộ sinh Đào Thị Lệ Hằng thực hiện các mũi tiêm vaccine. Không chút chậm trễ, các chị Nguyễn Thị Mỹ Nhung, Hoàng Thị Phương Nhi, Nguyễn Thị Nhi, Nguyễn Thị Diệu nhập thông tin từ các phiếu tiêm chủng vừa hoàn thành vào phần mềm của hệ thống tiêm chủng.
Sau mỗi 30 phút, lãnh đạo TTYT ký giấy xác nhận đã tiêm vaccine phòng Covid-19 để trả phiếu xác nhận tiêm chủng với từng người vừa hoàn thành mũi tiêm. Trong suốt quá trình đó, các thành viên của đội hậu cần, dù là người của phòng Kế hoạch-nghiệp vụ hay khoa Kiểm soát bệnh tật, khoa An toàn thực phẩm, khoa Y tế công cộng, khoa Hồi sức cấp cứu, phòng Tổ chức hành chính, khoa Ngoại-liên chuyên khoa, phòng Dân số, Trạm Y tế xã đều rất hào hứng khi gọi tên người đến lượt tiêm, lịch sự khi nhắc mọi người giữ trật tự và sắp xếp lại hàng người chờ trước tiêm hoặc sau tiêm, vui vẻ tiếp thêm từ giấy A4 đến nước lọc và bánh mì, nối thêm dây điện khi đội tiêm cần.

Y sĩ Nguyễn Đăng Thông ghi danh sách người được tiêm chủng lên bảng. Ảnh: hưng Thơ-Nhật Minh
Y sĩ Nguyễn Đăng Thông ghi danh sách người được tiêm chủng lên bảng. Ảnh: hưng Thơ-Nhật Minh

Cũng trong thời gian triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 7, lần 1 từ ngày 28/9/2021 đến ngày 3/10/2021 trên địa bàn huyện Hướng Hóa, song song với tổ chức điểm tiêm tại khối nhà dự phòng ở trụ sở TTYT huyện là tiêm chủng lưu động tại xã và cụm xã Lìa, Tân Thành, Tân Long, Hướng Phùng nên đây là đợt tiêm chủng huy động tổng lực lớn chưa từng có trước đó của ngành y tế. Chỉ riêng tại Trung tâm Thương mại Lao Bảo, đã có 1.100 mũi vaccine được tiêm trong ngày 28/9 mà theo bác sỹ Lâm Chí Đức- Giám đốc TTYT huyện Hướng Hóa thì: “Tại khu vực biên giới của địa phương có trung tâm thương mại với việc giao lưu buôn bán khá sôi động, đặc biệt là hàng ngày có nhiều lái xe ngoại tỉnh vận chuyển hàng hóa đến và lưu trú nên nguy cơ Covid-19 khá cao. Do đó, đối tượng được tiêm ở đây phần lớn là tiểu thương, lái xe và việc triển khai chủng ngừa ngay tại chỗ tạo thuận lợi với người dân và các đối tượng nguy cơ cũng như phát huy hiệu quả các nguồn lực tài trợ tiêm phòng Covid-19".

Phần lớn người được tiêm chủng tại Trung tâm Thương mại Lao Bảo trong ngày 28/9/2021 là tiểu thương, tái xế lái xe dịch vụ, người lái xe ôm, công nhân công ty điện gió, công nhân công ty thủy điện, công nhân cơ khí và xây lắp, công nhân xây dựng thủy lợi, nhân viên công ty thương mại tư nhân, học sinh, người tham gia chống dịch trên địa bàn thị trấn Lao Bảo và bởi đi tiêm vaccine ngừa Covid-19 nên người nào cũng nói chuyện về Covid-19 mặc dù khoảng cách 2m giữa người này và người kia luôn được tuân thủ.

Đó là tin thành phố Đông Hà chuẩn bị kết thúc đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Chính phủ, việc ông tài xế là H.V.H. 47 tuổi ở phố cổ Hội An của tỉnh Quảng Nam lái xe chở hàng từ cảng Tiên Sa của Đà Nẵng đến Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo vào ngày 15/9/2021 và lưu trú tại khách sạn Sê Pôn đã có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với SAR-CoV-2 vào ngày 21/9/2021 làm khách sạn bị phong tỏa, là người này tiêm vaccine Covid-19 không có phản ứng gì nhưng người kia thì vừa mệt vừa đau và sốt mấy ngày liền, về loại vaccine nào “hiền” vaccine nào “hành” nhưng vẫn tin “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất” nên rất mừng khi được gọi đi tiêm, không còn băn khoăn về mỗi loại vaccine AstraZeneca, Vero Cell, Moderna, Abdala, Pfizer…

Thỉnh thoảng ngẩng nhìn quang cảnh tiêm chủng cùng lúc tập trung đông người nhưng rất trật tự, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Diệu là người phụ trách công tác tiêm chủng của Trạm Y tế thị trấn Lao Bảo cảm thấy rất vui vì vaccine phòng Covid-19 đã được đưa đến với người dân ở miền biên viễn và người dân tộc Kinh, dân tộc Pa Cô, dân tộc Vân Kiều ở các khu phố trong thị trấn hôm nay đã được tiêm phòng Covid-19 đảm bảo an toàn theo hình thức thuận tiện nhất.

“Thời điểm này, trên địa bàn thị trấn Lao Bảo đang ghi nhận liên tiếp nhiều người có tiếp xúc gần với trường hợp nghi nhiễm Covid-19 nên tâm lý chung của người dân là vô cùng lo lắng. Vì vậy mà chính quyền địa phương và Ban Quản lý Trung tâm Thương mại rất phấn khích, vui mừng khi TTYT huyện Hướng Hóa tổ chức tiêm vacine phòng Covid-19 cho người dân ngay trên xe tiêm chủng lưu động đồng thời việc người dân nhanh chóng đăng ký danh sách, khai báo thông tin cá nhân trước tiêm, kiên nhẫn xếp hàng đợi tiêm và ở lại 30 phút sau tiêm để theo dõi phản ứng tiêm cũng như nhận giấy chứng nhận trong điều kiện thời tiết nắng rất nóng... cùng toát lên mong muốn vượt qua đại dịch, đẩy lùi Covid-19. Nhân viên y tế chúng tôi tham gia tiêm chủng phòng chống Covid-19 với trách nhiệm và nhiệt huyết nghề y, thấy vui vì người dân được tiêm vaccine phòng Covid-19 ngay tại địa phương nhưng vẫn lo lắng vì thị trấn Lao Bảo có số dân đông và có 9 km biên giới Việt Nam-Lào, trong đó có một đoạn là sông Sê Pôn, số người qua lại biên giới nhiều”, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Diệu nói. Với tinh thần ấy và phương thức ấy, ngày tiêm chủng lưu động ở thị trấn Lao Bảo kết thúc trong sự hân hoan, vui mừng của người dân và chính quyền địa phương nên dù xong việc muộn hơn dự kiến nhưng các thành viên của đội tiêm quên cả mệt và đói.

Các chị Nguyễn Thị Mỹ Nhung, Hoàng Thị Phương Nhi, Nguyễn Thị Nhi, Nguyễn Thị Diệu nhập thông tin từ các phiếu tiêm chủng vừa hoàn thành vào phần mềm của hệ thống tiêm chủng. Ảnh: hưng Thơ-Nhật Minh
Các chị Nguyễn Thị Mỹ Nhung, Hoàng Thị Phương Nhi, Nguyễn Thị Nhi, Nguyễn Thị Diệu nhập thông tin từ các phiếu tiêm chủng vừa hoàn thành vào phần mềm của hệ thống tiêm chủng. Ảnh: Hưng Thơ-Nhật Minh

Đến khu vực vành đai biên giới Việt-Lào, các y, bác sỹ của TTYT huyện Hướng Hóa đã tiến hành tiêm vaccine phòng Covid-19 với đối tượng được ưu tiên là lái xe, học sinh, người cao tuổi, cán bộ hành chính các xã Lìa, A Dơi, Xy và người buôn bán ở các chợ dọc biên giới trên xe tiêm chủng lưu động đỗ tại Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Vân Kiều-Pa Cô.

Trong ngày 29/9/2021, có hơn 500 liều vaccine phòng Covid-19 đã được đội tiêm chủng lưu động của TTYT huyện Hướng Hóa tiêm với phần lớn đối tượng ưu tiên là đồng bào dân tộc Vân Kiều và dân tộc Pa Cô. Tham gia tiêm chủng lưu động tại các xã trong vành đai biên giới, bác sỹ Nguyễn Đình Hưng- Trưởng Trạm Y tế xã Ba Tầng nói: “Tiêm chủng lưu động bằng xe ô tô chuyên dụng giúp người cao tuổi, người đi lại khó khăn ở vùng xa Trung tâm Y tế huyện được tiêm vaccine phòng Covid-19 mà hạn chế di chuyển, tiết kiệm thời gian và có thể tổ chức tiêm tại các vị trí thông thoáng.

Các đợt tiêm chủng lưu động của TTYT huyện Hướng Hóa góp phần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn nên các đội tiêm luôn sẵn sàng lên đường, kể cả vào thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, có hôm tiêm đến 20 giờ mới xong với mong muốn tăng độ bao phủ tiêm chủng để sớm đạt miễn dịch cộng đồng trước sự nguy hiểm và khó lường của đại dịch”.

Bác sỹ Nguyễn Đình Hưng khám sàng lọc trước tiêm vaccine Covid-19 với người dân trên khu vực biên giới Việt-Lào ở huyện Hướng Hóa. Ảnh: hưng Thơ-Nhật Minh
Bác sỹ Nguyễn Đình Hưng khám sàng lọc trước tiêm vaccine Covid-19 với người dân trên khu vực biên giới Việt-Lào ở huyện Hướng Hóa. Ảnh: Hưng Thơ-Nhật Minh

Vượt hàng chục cây số trên tuyến đường sạt lở vào bản, làng tiêm phòng Covid-19

Tiếp tục thực hiện phương châm Tiêm vaccine là để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, TTYT huyện Hướng Hóa triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 7, lần 2 tại các xã dọc đường 9 và các xã ở khu vực Bắc là Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Sơn, Hướng Phùng.

Nhận sự điều động tham gia tiêm chủng lưu động, nữ hộ sinh Hoàng Thị Mỹ Hạnh của Trạm Y tế xã Thanh lần lượt cùng đồng nghiệp thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 ở thị trấn Lao Bảo đến tối mịt và càng muộn thì người đến tiêm càng đông sau một ngày bận rộn kinh doanh, buôn bán mà dù đã tối đã mệt nhưng nhìn người dân cứ xếp hàng đợi tiêm là không thể dừng tiêm. Ở địa phương miền núi tiếp giáp Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với phần lớn dân cư là dân tộc ít người việc đi lại trên nhiều xã vùng sâu, vùng xa còn khó khăn thì việc các đội tiêm chủng lưu động về tận thôn, bản là cách giúp người dân được tiêm vaccine phòng Covid-19 thuận lợi nhất.
Có ngày đội tiêm phải di chuyển đến 3 điểm tiêm “như chạy show” để tiêm vaccine Covid-19 liên tục từ sáng sớm, tiêm xuyên trưa và khi đến điểm thứ 3 thì trời đã nhá nhem tối trước sự vui mừng của hàng trăm người dân kiên trì ngồi đợi.

Những buổi tiêm tổ chức ở các xã xa nhất huyện là Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Sơn cách trung tâm huyện hơn 60 km, các đội tiêm chủng lưu động phải xuất phát trong đêm hôm trước để kịp triển khai tiêm sớm vào sáng hôm sau, hết xã này sang xã khác trong 3 ngày 2 đêm. Đến điểm tiêm thấy chính quyền địa phương đã dựng rạp che cơn mưa rừng tầm tã vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 để bà con đến tiêm có chỗ ngồi khô ráo, an toàn và biết là có người đi bộ từ rất xa, vượt đèo lội suối mới đến được điểm tiêm thì các thành viên đội tiêm chủng lưu động quên hết nguy nan, vất vả.

“Cảm động nhất là ở xã Hướng Lập, khi vừa được tiêm vaccine xong thì một mẹ lớn tuổi đã nói cảm ơn cán bộ y tế rất nhiều vì đã vượt hàng chục cây số về đây tiêm chủng và chúc cán bộ y tế luôn khỏe để phục vụ nhân dân nhiều hơn. Lúc đó, tôi rất cảm động và rất tự hào vì mình là cán bộ y tế”, nữ hộ sinh Hoàng Thị Mỹ Hạnh nói.

Người mẹ Vân Kiều ấy cảm ơn cán bộ y tế vì bà biết rằng, để vào được Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Sơn thì thành viên của đội tiêm chủng lưu động phải xuống xe, xắn quần lội qua khe qua suối vì tuyến đường bị đợt lũ kinh hoàng năm 2020 làm sạt lở núi, xé toang, cuốn phăng vẫn chưa được sửa chữa không ngoài mục đích không người nào trong cộng đồng bà con dân tộc Vân Kiều ở thôn Nguồn Rào, thôn Hồ, thôn Mới quanh chân núi Tà Bang, xã Hướng Sơn và thôn Cợp, bản Tà Puồng, xã Hướng Lập cũng như thôn Xa Ðưng, thôn Tà Rùng, thôn Ka Tiêng, thôn Trăng Tà Puồng tựa lưng vào dãy núi Ka Lóc của xã Hướng Việt,… bị bỏ lại phía sau trong chiến dịch tiêm chủng phòng Covid-19.

Nữ hộ sinh Hoàng Thị Mỹ Hạnh cho biết thêm: “Chồng là bác sỹ đã mất vì đột quỵ 5 năm rồi và hai con nhỏ đang học lớp 1, lớp 5 nhưng khi có sự điều động của TTYT huyện thì tôi đã gửi con nhờ ông bà chăm sóc để tham gia chiến dịch chủng ngừa Covid-19 và đi chống dịch khi trên địa bàn huyện Hướng Hóa có các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đêm ở lại xã Hướng Việt, mưa gió tầm tã khiến mọi người rất lo sợ khi nghĩ đến trận lũ lụt lịch sử năm 2020 tàn phá, chia cắt, cô lập xã Hướng Việt nhưng tất cả đã động viên nhau vượt qua nỗi sợ, trấn an nhau cùng yên tâm bước tiếp vào một ngày mới thực hiện công việc thầm lặng tại các thôn, bản trên dãy Trường Sơn là tiêm vaccine để bảo vệ sức khỏe của nhân dân mình, đồng bào mình trước các biến thể của chủng virus gây ra đại dịch Covid-19 tàn khốc, khó lường”.

Điều dưỡng viên Phan Thị Mỹ Chung pha vaccine và nữ hộ sinh Đào Thị Lệ Hằng thực hiện mũi tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: hưng Thơ-Nhật Minh
Điều dưỡng viên Phan Thị Mỹ Chung pha vaccine và nữ hộ sinh Đào Thị Lệ Hằng thực hiện mũi tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Hưng Thơ-Nhật Minh

 ***

Không mùi, không vị nhưng vaccine là công cụ quan trọng để con người ngăn chặn dịch bệnh và những bàn tay tiêm vaccine phòng bệnh tỏa hương ý nghĩa, giá trị công việc.

Do sức tàn phá kinh hoàng của đại dịch Covid-19, tiêm vaccine giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm biến thể của SARS-CoV-2 cũng như giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng hoặc tử vong khi mắc bệnh.

Trong chiến dịch tiêm chủng được triển khai với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong lịch sử trên khắp Việt Nam, các đội tiêm chủng lưu động của TTYT huyện Hướng Hóa ở tỉnh Quảng Trị đã làm việc không quản ngày đêm, khó nhọc để người dân miền núi, đồng bào vùng cao, cư dân biên giới được bảo vệ khỏi SARS-CoV-2, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường một cách an toàn, khỏe mạnh.

Sau nhiều buổi rồi nhiều ngày miệt mài tiêm chủng, đôi bàn tay mềm mại của các nhân viên tiêm chủng nhức mỏi và tê cứng nhưng “sau chiếc áo blouse là con tim ấm lời thề Hippocrates/ những chuyến lên đường vì bình yên đất nước”, họ tiếp tục xông pha và quên cả hiểm nguy trên tuyến đầu chống dịch với niềm tin “sẽ có ngày hân hoan nụ cười nước mắt/ đất nước yên bình thơm mãi những bàn tay” (Trường ca Những ngọn khói về trời. Bùi Phan Thảo. Nhà Xuất bản Đà Nẵng. Tháng 8/2022).

Đến lượt mình, tôi gọi đôi bàn tay của những cán bộ và nhân viên y tế xung kích tiêm chủng lưu động trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là những bàn tay thơm mãi.

Trong đợt 7 của chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 được triển khai vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm 2021, huyện Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị được phân bổ 8.200 liều vaccine Astrazeneca và 820 liều vaccine Pfizer. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã có 12.871 người được tiêm mũi 1, 6.257 người được tiêm mũi 2 vaccine phòng Covid-19.

Mặc dù tiêm chủng lưu động gặp nhiều khó khăn khi các đội tiêm phải mang theo nhiều thiết bị, máy móc nhưng để kịp thời bao phủ vaccine Covid-19 thì Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa đã lên kế hoạch triển khai các đợt tiêm chủng lưu động tiếp theo với tinh thần sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cộng đồng của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong bối cảnh Covid-19 đã và đang gây ra thảm họa chưa từng có trên hoàn cầu.

TAGS

Kiến nghị công bố hết dịch, ngừng nghiên cứu vaccine COVID-19

PV |

Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao những kết quả của công tác phòng, chống dịch COVID-19 và đề xuất cần có những thay đổi về chính sách để thích ứng với tình hình mới.

Phú Quốc đón tàu du lịch quốc tế đầu tiên sau dịch COVID-19

PV |

Ngày 21/5, tàu du lịch quốc tế mang tên COSTA SERENA quốc tịch Italy đã cập bến Dương Đông, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, sau khi xuất phát từ Thái Lan. Đây là chuyến tàu du lịch quốc tế đầu tiên quay lại thành phố Phú Quốc sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Việt Nam xem xét công bố hết dịch COVID-19

Thanh Mai |

Văn phòng Chính phủ ngày 18/5 đã có công văn số 3575 gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Cần có chiến lược ứng phó phù hợp khi COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp

PV |

Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới đã công bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp của COVID-19, tuy nhiên các chuyên gia y tế cho rằng, vẫn phải có chính sách ứng phó phù hợp nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng của COVID-19 lên sức khỏe con người. Ghi nhận ý kiến của các chuyên gia y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.