Tổ chức Lễ Giỗ tổ Hùng Vương ở Đền Hùng và các làng xã một cách trang nghiêm, thành kính... để tri ân tổ tiên, gắn kết các cộng đồng.
Năm nay, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương có ý nghĩa đặc biệt, bởi tròn 10 năm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Khu di tích lịch sử đền Hùng đã hoàn tất công tác sửa chữa, cải tạo, bổ sung các phương án an toàn, phòng chống dịch bệnh, phòng cháy chữa cháy… từ nhiều ngày trước.
Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam do cộng đồng coi ông là ông tổ khai sinh của dân tộc - đất nước và trở thành vị thần ban linh khí cho đất đai, vạn vật, con người sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu.
Tín ngưỡng thờ cúng vùa Hùng diễn ra thường xuyên trong cả năm, nhưng tập trung nhất vào mùa Xuân, trong đó, nghi lễ lớn nhất là Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 Âm lịch tại đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, Phú Thọ. Tại Phú Thọ có gần 300 đình, đền, miếu tại các làng xã thờ cúng Hùng Vương, sau khi được UNESCO đưa vào Danh sách đại diện, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lan tỏa ra cả nước.
Vào dịp lễ hội, hàng chục triệu đồng bào cùng tham gia thực hành tín ngưỡng ở các đình, đền, miếu trong cả nước, riêng ngày chính hội ở lễ hội Đền Hùng hàng đã thu hút hàng triệu người tham gia. Nghi thức thờ cúng, lễ vật, diễn xướng và các hoạt động văn hóa theo truyền thống được cộng đồng duy trì, bảo tồn, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ
Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng bao gồm lễ, cúng, hành hương và các trò diễn ở hơn một trăm làng ở tỉnh Phú Thọ và các nơi khác trong cả nước; thực hành này mang lại sự tôn kính đối với tổ tiên từ đó nâng cao ý thức về sự tự hào và gắn kết xã hội. Là sợi dây tình cảm, tinh thần gắn kết gia đình, dòng họ, làng xóm, quốc gia, dân tộc; kết nối giữa quá khứ và hiện tại và sự đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc, trở thành đạo lý "uống nước nhớ nguồn" ở mọi miền đất nước".
Việc UNESCO ghi danh tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng vào danh sách đại diện góp phần ghi nhận tầm quan trọng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở nhiều quốc gia khác, do đó khuyến khích cộng đồng nhận ra những điểm chung đồng thời thúc đẩy sự tôn trọng đa dạng văn hóa.
Theo lãnh đạo Khu di tích lịch sử đền Hùng, phương án chuẩn bị đón khách, kể cả khi lượng khách tăng cao đột biến trong dịp lễ năm nay đã được chuẩn bị rất kỹ.
Theo đó, khung giờ từ 7- 9 giờ sáng ngày 10/3 Âm lịch là thời điểm lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện nghi lễ dâng hương. Trong thời gian này, người dân có thể dâng hương tại Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ để tránh tình trạng đông đúc, chen lấn xô đẩy.
(Nguồn: Phụ nữ mới)