Trăng Cồn Cỏ thủa ấy, nắng Cồn Cỏ bây chừ

XUÂN ĐỨC |

Cồn Cỏ sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch gì để có thể thu hút được khách đến? Sau 15 năm trở thành đơn vị hành chính cấp huyện và với rất nhiều công trình xây dựng đã diễn ra, hiện tại ở ngoài đó đã có được những gì? Liệu những sự đầu tư đó đã đủ để trở thành sản phẩm và điều kiện cho tham vọng phát triển du lịch?

Mồng 6 tết Kỷ Hợi.

Chuyến tàu đầu tiên của năm mới rời cảng Cửa Việt trong mờ mịt sương giăng. Đây là con tàu mà Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang tặng riêng cho Cồn Cỏ. Còn nghe nói tàu của một Công ty du lịch đảm nhận việc chở khách ra tham quan đảo thì phải chờ tới mùa du lịch (tầm tháng 3) mới chính thức khởi hành. Anh em trên đảo nói với tôi, tàu của đảo nhỏ hơn tàu du lịch nhưng lại có tốc độ cao hơn. Từ Cửa Việt ra đảo, tàu này chạy đúng một tiếng, còn tàu du lịch phải mất gần 1 tiếng 20 phút.

Mồng 6 tết hàng năm là ngày toàn thể Quân - Dân - Chính - Đảng của đảo Cồn Cỏ lấy làm ngày khởi hành một năm mới với cuộc gặp mặt, giao lưu văn nghệ mừng xuân. Bốn năm liền trở lại đây, Đoàn Nghệ thuật Quảng Trị là khách mời thường xuyên cho những cuộc giao lưu đó. Năm Kỷ Hợi này, tôi may mắn cũng trở thành khách mời “xông đất” năm mới của đảo.

Đây là lần thứ tư tôi ra hòn đảo nhỏ này, nhưng là lần đầu tiên kể từ ngày Cồn Cỏ được mang danh huyện đảo. Vào giai đoạn cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt nhất trên Cồn Cỏ, tôi may mắn được có mặt chỉ đúng một ngày một đêm. Sau đó, năm 1970, mặc dù trên cả nước chiến tranh vẫn còn nhưng riêng Cồn Cỏ đã hết bom đạn, tôi lại được trở ra đảo lần hai. Lần này tôi ở lại đảo dài hơn, gần một tuần lễ. Có lẽ nhờ anh linh của những liệt sĩ Cồn Cỏ, lần đi đó tôi đã viết được bài thơ dài Trăng Cồn Cỏ. Thật lạ là bài thơ dài tới 332 câu, tôi chỉ viết liên tục trong một ngày một đêm. Viết xong gửi gấp ra cho báo Quân đội nhân dân. Cũng chỉ mấy ngày sau, bài thơ được đăng tràn hết cả trang 3 của báo. Lại chỉ thời gian ngắn sau đó, tôi nhận được lời khen của một nhân vật mà lúc đó lớp viết trẻ chúng tôi coi như bậc thánh văn chương: Nhà thơ Chế Lan Viên! (sau này nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng đã nhiều lần nhắc lại sự kiện ấy).

Hai chục năm sau kể từ lần thứ hai ra đảo, tôi rời quân ngũ chuyển ngành về tham gia công tác ở tỉnh. Tuy nhiên, do yêu cầu công việc, tôi cứ lần lữa mãi mà chưa thể bố trí được một chuyến ra thăm lại đảo. Cho tới khi có quyết định thành lập huyện đảo và tỉnh Quảng Trị đã có những bước khởi động rất quyết liệt như thành lập đơn vị Thanh niên xung phong, vận động những đoàn viên di dân ra lập thân, lập nghiệp trên đảo. Vào dịp đó, trong thành phần của đoàn cán bộ tỉnh, tôi được ra thăm Cồn Cỏ lần thứ ba. Những năm tiếp theo, tôi biết tỉnh Quảng Trị có nhiều cuộc vận động, thuyết phục các cấp ở Trung ương để đồng thuận và chấp nhận cho ý tưởng của tỉnh biến hòn đảo tiền tiêu về quân sự này thành đảo du lịch. Sau đó, rất nhiều dự án rầm rộ triển khai trên đảo. Ngồi ở nhà mình tại thị trấn Cửa Việt, tôi thường xuyên nghe dội lên từ phía cảng tiếng động cơ nặng trịch của những chiếc xe tải lớn hối hả đổ xuống tàu hàng trăm tấn đá hộc cùng những vật liệu xây dựng khác để chuyển ra đảo. Tôi mường tượng hình dung ra cái hòn Cỏ xinh xẻo nơi trùng khơi kia mấy năm nay chắc chắn đang phơi trần ra trong một đại công trình với cuộc tự lột xác để chuyển đổi từ đảo quân sự qua đảo du lịch. Những lúc như thế, có ít nhất hai câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu tôi mỗi khi có nguyên cớ nhớ về Cồn Cỏ.

Một là, làm thế nào để Cồn Cỏ trở thành đảo du lịch mà vẫn giữ được vị trí quân sự đặc biệt quan trọng, là điểm chốt phía nam Vịnh Bắc Bộ trong điều kiện đang có những thế lực mang dã tâm muốn lấn chiếm Biển Đông?

Hai là, Cồn Cỏ sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch gì để có thể thu hút được khách đến? Sau 15 năm trở thành đơn vị hành chính cấp huyện và với rất nhiều công trình xây dựng đã diễn ra, hiện tại ở ngoài đó đã có được những gì? Liệu những sự đầu tư đó đã đủ để trở thành sản phẩm và điều kiện cho tham vọng phát triển du lịch?

Nhiều đoàn du lịch đã chọn Cồn Cỏ làm điểm đến để khám phá, nghỉ dưỡng (Ảnh: YMS)
Nhiều đoàn du lịch đã chọn Cồn Cỏ làm điểm đến để khám phá, nghỉ dưỡng (Ảnh: YMS)
Và sáng hôm nay, một ngày đầu năm đầy sương mù, tôi xuống con tàu nhỏ, mang theo trong người những câu hỏi đó háo hức trở lại Cồn Cỏ lần thứ tư.

***

Con tàu cập vào âu sau đúng một giờ hành trình. Trong lúc nhân viên, diễn viên Đoàn Nghệ thuật đang loay hoay khuân vác loa máy, đạo cụ chuyển lên bờ thì tôi nhảy vội lên trước, đi bộ nhanh qua khỏi cổng chào rồi đảo mắt nhìn khắp mọi phía. Tôi rất sốt ruột muốn giải đáp ngay mấy câu hỏi đang lăn tăn trong đầu. Một chiếc xe điện chạy xuống bến đón diễn viên. Tôi nghĩ ngay tới việc phải nhờ chiếc xe điện đó chở chạy một vòng khắp đảo để có thể có cái nhìn tổng quát về quy hoạch. Và thật may, chỉ sau đó chừng 30 phút, khi Đoàn Nghệ thuật đã về được chỗ nghỉ thì một cậu diễn viên tình nguyện lái xe điện đưa tôi chạy vòng khắp đảo.

Với một người vốn là lính và cũng từng đến với Cồn Cỏ lúc còn mặc sắc phục lính trong những ngày cuộc chiến đấu đang diễn ra khốc liệt nhất, tôi đã rất dễ “đọc được” ý đồ của những người làm quy hoạch xây dựng Cồn Cỏ theo cái “đề bài” rất khó là, làm thế nào để Cồn Cỏ thành khu du lịch nhưng vẫn phải giữ vững vị trí tiền tiêu quân sự?.

Người ta đã chia hòn đảo nhỏ này thành hai phần rất rõ ràng. Một nửa đảo là khu thị trấn mới, có thể nói là khá hoành tráng với những ngôi nhà công sở của các ban ngành huyện đảo, doanh trại các lực lượng vũ trang được xây dựng khá khang trang, hệ thống đường rải nhựa lớn có dãy đèn cao áp hiện đại; rồi công viên, Nhà văn hóa Thanh niên, Nhà thi đấu thể thao, nhà nghỉ có tiện nghi gần như khách sạn, khu nhà ở của dân cùng với quán xá, dịch vụ... Ngoài ra còn có những công trình văn hóa mang tính biểu tượng như cổng chào, cột cờ lớn, đài tưởng niệm liệt sĩ, v.v… Một nửa đảo còn lại là khu vực được cắm biển “Khu quân sự cấm vào”. Như vậy rõ ràng, Cồn Cỏ có thể thoải mái mở cửa đón khách tham quan nhưng vẫn giữ nguyên những bí mật về phòng thủ. Chỉ có một điểm đáng lưu ý là, hướng phòng thủ được xác định có khác so với ngày trước. Hồi chiến đấu với máy bay, tàu chiến Mỹ và cả nhiệm vụ đánh bộ nếu kẻ thù dám liều lĩnh tràn lên chiếm đảo, thì lúc đó những bến bãi, những cao điểm có vị trí then chốt nhất được xác định là bến Nghè, bãi Đông, bãi Tranh, cao điểm Hải Phòng… Nay vùng đất ấy lại được quy hoạch thành khu dân sự và đón khách du lịch. Còn “Khu quân sự cấm vào” hiện tại trên đảo được chuyển dịch ra hướng khác. Bằng con mắt người lính tôi thầm hiểu, những nhà quân sự đã xác định lại mục tiêu và hướng xâm nhập của địch nếu có sự xâm lăng xảy ra. (Vì sự nhạy cảm chính trị và cả yếu tố bí mật quân sự nữa, nên tôi xin không nói rõ sự thay đổi hướng quy hoạch ấy trong bài viết này).

Như thế là, câu hỏi thứ nhất gần như tôi đã tìm thấy lời giải ngay từ buổi sáng đầu tiên đặt chân lên đảo.

***

Giờ thì tôi có thể bình tâm và thong thả tìm câu giải đáp về du lịch.

Tôi đi thơ thẩn một mình, cố hình dung ra những địa chỉ ngày trước như bến Nghè, Hi Rông... nhưng rất khó nhận ra trong cái không gian quá hiện đại với nhiều nhà xây, nhiều tuyến đường rải nhựa dọc ngang…

Nắng lên tự lúc nào? Mới lúc nãy thôi sương mù còn dày đặc. Khi con tàu đã cách bờ chừng dăm cây số nhưng Cồn Cỏ vẫn chỉ hiện ra lờ mờ. Vậy mà giờ bất ngờ nắng lên. Biển xanh trong xa tắp. Đảo cũng rạng rỡ tươi hớn dưới sắc nắng vàng. Chợt lại nghe vẳng lên câu thơ trong bài thơ cũ “Trăng Cồn Cỏ”:

…Biển động rồi yên
Trăng lại về cùng Cồn Cỏ
Dịu dàng hơn mọi trăng xưa…
Vơi ngọn gió, dịu cơn mưa
Nắng phơi mình trên sóng…

Chúng tôi dùng cơm trưa tại một quán ăn ở xóm dân cư. Họ nói với tôi, những hàng quán trên đảo cùng với chủ nhân của nó đã về đất liền đón tết giờ vẫn chưa trở ra. Đây là quán duy nhất ở lại đảo phục vụ những người trực tết trên đảo. Sau đó, chúng tôi được mời về nghỉ ngơi ở Nhà khách Ban Chỉ huy quân sự huyện đảo. Nhà khách rất lớn, rất rộng, nhiều phòng. Tuy nhiên hầu như không thấy bóng người phục vụ. Chúng tôi tự dàn xếp, tự tìm lấy phòng ngủ. Tôi chỉ nằm khép mắt lại chừng 10 phút là bật người dậy. Không có ai để hỏi chuyện, tôi đành lặng lẽ rời khỏi phòng tản bộ ra đường. Giữa buổi trưa đầy nắng và gió nhưng khung cảnh toàn đảo yên ắng và vắng vẻ không khác gì đêm khuya. Tôi bước đi thật chậm rãi, thật thong thả, thật thong dong. Vẫn không gặp bất cứ ai. Chỉ mình tôi với sắc nắng vàng nhạt, với những làn gió biển nồng nàn, với màu xanh mơ xa xăm cùng tiếng sóng rì rào ngân lên khắp cả bốn phía… Chỉ mình tôi với những hồi ức xa xưa của một Cồn Cỏ bịt bùng cây cối, xác xơ trong khói và lửa, một hòn đảo loang lổ vết bom, khét lẹt mùi cây cháy. Tôi phải tìm cái gì, ở đâu, để có thể bắt gặp được Cồn Cỏ của một thời xa xưa ấy?

Phải rồi. Địa chỉ đầu tiên tôi muốn tìm lại là bến Nghè.

Bến Nghè cùng với bãi Đông, bãi Tranh là những cái tên đầu tiên tôi được nghe nói tới lúc tôi chưa biết chút gì về hòn đảo này. Đó là mùa đông năm 1966. Khi ấy, tôi đang là chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 47. Tôi được Bộ Tư lệnh Vĩnh Linh điều lên đội Tuyên Văn. Khi tôi lên tới vị trí tập trung thì thấy Đội đã đông người. Họ đang tập một màn ca cảnh dân ca kể chuyện cụ già Vĩnh Quang tiễn chân một cụ bạn già khác chuẩn bị lên thuyền ra tiếp tế cho Cồn Cỏ. Cụ hát một câu vè giãi bày nỗi nhớ khôn nguôi của mình đối với hòn Cỏ. Câu hát như sau: Tôi nhớ lắm cụ ạ! Tôi nhớ, thuyền ta đậu bãi Đông, bãi Tranh khi trời thanh biển đẹp / Thuyền ta dựa bãi Nghè khi gió táp, sóng lùa / Củi cồn đốt giữa đêm mưa / Chuối rừng nấu với canh cua ấm lòng. Tác giả vở ca cảnh này là anh Duyến, một ngư dân đang sống ở Vĩnh Quang và từng rất nhiều lần đi đánh cá tới Cồn Cỏ. Nghĩa là tác giả biết khá tường tận về hòn đảo này. Những gì anh ấy viết về Cồn Cỏ hẳn phải chuẩn xác. Lúc đấy tôi mường tượng hình dung ra một Cồn Cỏ có những bến đỗ của thuyền được mang tên bãi Đông, bãi Tranh và bãi Nghè, trong đó bãi Đông, bãi Tranh chỉ có thể cặp thuyền những khi gió yên biển lặng, còn bãi Nghè chắc chắn phải kín đáo, tránh được mưa bão nên thuyền ta dựa bãi Nghè khi gió táp sóng lùa?

Năm 1970, trong chuyến được ra Cồn Cỏ lần hai, lúc ấy không còn chiến sự, tôi có đầy đủ thời gian để đi khắp các vị trí trên đảo. Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là vị trí của những địa danh mà câu vè kia đã nhắc đến. Bãi Đông, bãi Tranh nằm hướng nam và tây của đảo, còn bến Nghè lại nằm hướng đông. Hướng đông là hướng luôn luôn hứng chịu những luồng gió đông quanh năm thổi mạnh. Nếu có bão đổ bộ, thì bến Nghè cũng là phía chịu trận trước tiên. Tại sao ngư dân Vĩnh Quang lại có thể thốt lên câu hát như thế? Tôi ngắm kĩ bến Nghè. Quả thật, nếu so với những vị trí bến thuyền khác, bến Nghè có một vẻ rất cổ xưa. Ở đây cây cối rất rậm rạp, có những cây phong ba dáng cổ thụ, cành lá xòa ra tạo nên những vòm xanh hiếm hoi trên cả một hòn đảo lúc đó đã xác xơ, trơ trụi vì bom đạn. Mà hình như ở đây rất ít hố bom, hố pháo? Tôi hỏi một đồng chí trong Ban chỉ huy đảo. Anh ta có vẻ cũng bị bất ngờ trước nhận xét đó. Tuy nhiên, chỉ một lúc, anh ta nói, có lẽ hướng này là hướng tàu chiến Mỹ bắn pháo vào. Đạn pháo thường vượt quá vào bên trong nên ở ngoài mép đảo ít bị trúng đạn? Đương nhiên tôi không thỏa mãn với câu giải thích ấy. Tôi lại mang câu hát của dân Vĩnh Quang ra hỏi, vì sao thuyền ta dựa bến Nghè khi gió táp sóng lùa thì anh ta chịu, không trả lời được. Sau đợt công tác năm ngày này, vừa đặt chân vào đất liền tôi lập tức chạy về Vĩnh Quang. Không gặp được anh Duyến, tác giả vở dân ca, nhưng lại gặp một cụ già khác. Khi nghe câu hỏi của tôi, cụ bất ngờ lim dim mắt rồi thủng thẳng nói, chú nhận xét đúng đó. Hướng bến Nghè là hướng gió bão. Nhưng vì chỗ đó có miếu Ông Nghè rất thiêng, Ngài thường phù hộ cho bà con miềng. Tôi nói, cháu có thấy miếu gì đâu, cháu cũng hỏi các chiến sĩ trên đảo nhưng không nghe ai nhắc tới? Cụ lại nói, chắc bữa ni bom đạn thằng Mỹ nó san phẳng hết rồi. Mà anh em lính trẻ, lại là người ở nhiều địa phương khác tới, họ biết răng được. Miếu ấy có từ xa xưa, cũng chẳng biết là lúc nào. Khi tui còn thanh niên đi biển ra đó đã thấy có miếu. Ngư dân dù là ai khi cập thuyền vô đảo, đều thắp hương xin ngài phù hộ. Thời đó hòn Cỏ còn hoang sơ lắm, âm u dễ sợ lắm, không một bóng người, chỉ có chim cu...

Thế là tôi đã giải đáp được những thắc mắc trong lòng. Những người đi biển vào trú ở đảo phải dựa bến Nghè không phải vì bến đó khuất gió. Họ dựa là dựa vào sự phù hộ của thần linh! “Thời đó hòn Cỏ còn hoang sơ lắm, âm u dễ sợ lắm, không một bóng người, chỉ có chim cu”, tôi ấn tượng mãi với những lời kể và cả cái dáng đăm chiêu mơ hồ của cụ già Vĩnh Quang khi kể về hòn Cỏ thời xa xưa. Trong bài thơ “Trăng Cồn Cỏ”, tôi viết : …Ở đây anh nghe sóng kể / Rằng ngày xưa đảo nổi / Miếu Nghè hương khói chơi vơi / Khoang thuyền lộng, cánh buồm khơi / Ghé vào như chim đỗ tạm / Hèn chi buổi đầu anh ra / Chim cu thấy người không vỗ cánh / Chuột rừng lạ bí chẳng dám ăn / Đá ngờ ngợ dấu chân / Rừng xì xào bóng lạ?...

Dạo ấy - năm 1970 - tôi chỉ mới biết chừng đó về bến Nghè. Mấy chục năm sau, khi đã trở thành người quản lý công tác văn hóa Quảng Trị, tôi còn biết thêm những điều rất bất ngờ ở cái địa chỉ này. Sở Văn hóa chúng tôi cùng với đoàn khảo cổ của Giáo sư Trần Quốc Vượng đã tìm thấy nhiều dấu tích của con người thời kì đồ đá, còn có dấu tích của những cư dân Chăm đã từng trú ngụ tại chỗ này… (Còn có thêm lời kể rằng, ngư dân từng phát hiện ở dưới lòng một giếng khô thấy hài cốt của một người có xích xiềng ở chân, nghi là phạm nhân bị đày ra đây). Bến Nghè thực sự là một cõi trập trùng những huyền tích.

Bến Nghè hôm nay không còn vẻ âm u hoang lạnh thủa nào. Tất cả đã bê tông hóa và hiện đại hóa! Người ta xây một vòng kè chắn sóng dưới mép nước, còn trên bờ là con đường rải nhựa uốn lượn như đường dạo công viên. Mà đúng là công viên thật. Hình như người ta còn đặt tên là Công viên Thanh niên? Cái còn lại duy nhất có thể gợi nhớ tới không gian bến Nghè thâm nghiêm ngày nào chính là vài cây phong ba cổ thụ còn sót lại với dáng dấp vặn vẹo, sù sì như những cây cảnh khổng lồ. Những gốc phong ba này không biết đã mấy chục, hay mấy trăm tuổi mà nay vẫn còn trơ gan cùng tuế nguyệt. Trong khoanh đất bé nhỏ dưới chân mấy gốc cổ thụ đó, người ta đặt vài ghế đá. Kể ra, cứ chiều đến, ngồi trên ghế đá nhìn ra biển khơi đón cơn nồm ùa vào cũng thật thú vị. Nhưng lẽ nào đó là tư duy sản phẩm du lịch trên Cồn Cỏ?

Bãi Đông bây giờ là âu tàu lớn đã được đầu tư xây dựng rất kiên cố để đón tàu thuyền cập đảo. Bãi Tranh - ngày ấy là cả một bãi đất được coi là bằng phẳng nhất trên đảo và cũng là khu đất duy nhất không có cây lớn mà chỉ toàn cỏ tranh - nay được quy hoạch thành điểm nhấn Quảng trường trung tâm với cột cờ cao lớn, lá cờ phần phật tung bay hướng về phía đất liền. Tôi hỏi một cán bộ trẻ của Ủy ban huyện đảo, vị trí ngày trước được đặt tên Hà Nội giờ là chỗ nào? Anh ta hơi ngớ ra một lúc rồi chỉ tay lên một mỏm cao trung tâm đảo. Nơi đó có ngọn Hải đăng. Có lẽ anh ta đoán, Hà Nội phải là trung tâm đảo? Thế còn Hải Phòng? Anh ta liền chỉ tay vu vơ, nói, bên kia, phía sau điểm cao đó. Ủa, sao lại thế? Lại hỏi, thế cái nơi có di tích chòi Thái Văn A? Anh ta kêu to lên, thì đó đó, trên cái chỗ có trạm Hải đăng đó. Rõ ràng anh cán bộ trẻ này đã không biết rõ quá khứ. Khu đồi có chòi Thái Văn A ngày ấy được gọi tên Hải Phòng chứ không phải Hà Nội. Hải Phòng là đồi đất có bình độ cao nhất đảo. Vì thế người ta đã đặt chòi quan sát ở đó. Chòi là một chiếc thang bắc vào một thân cây cao. Một sự tích anh hùng đã xẩy ra. Một chiến sĩ quan trắc khi đang đứng trên ngọn cây để quan sát máy bay bổ nhào thì bom ném xuống ngay dưới chân. Đất đá cùng mảnh bom bay lên vèo vèo. Nhưng chiến sĩ ấy vẫn hiên ngang đứng vững. Đó chính là Anh hùng Thái Văn A. Kể từ đó, chòi quan sát được bộ đội trên đảo đặt tên chòi Thái Văn A. Trong “Trăng Cồn Cỏ” ngày đó tôi viết: …Rồi em lên với Hải Phòng / Có chòi Thái Văn A sừng sững / Chuyện anh đẹp hơn cơn mộng / Đạn nổ dưới chân nâng tầm đứng thêm cao…

Tôi lại hỏi anh cán bộ trẻ, bãi Hi Rông ngày đó giờ là chỗ nào? Anh ta tròn mắt lên cãi, làm chi có tên bãi Hi Rông? Tôi liền đọc cho anh ta nghe mấy câu nữa trong bài thơ cũ: …Ước chi em ra cùng đảo / Anh dẫn em về thăm bãi Hi Rông / Nghìn ngày đêm khói lửa mịt mùng / Trọn nghĩa thủy chung bạn Cu Ba đồng chí!...

Anh bạn trẻ đồng hương cứ lẩm bẩm mãi, rứa à, rứa à. Có cả bãi Hi Rông thiệt ư? Tôi khẽ thở dài và mỉm cười. Không thể trách các bạn trẻ hiện giờ trên đảo về những chi tiết ấy. Những gì của Cồn Cỏ ngày ấy còn lại trên đảo quá ít ỏi, nhiều cái đã mất hết dấu tích. Quan trọng hơn là trong ý thức của những người có trách nhiệm và cả của những bạn trẻ tình nguyện ra lập nghiệp ở Huyện đảo, điều làm họ suy nghĩ nhiều nhất là làm gì và làm như thế nào để có thể ổn định được cuộc sống lâu dài ở đây, và làm cách nào để phát triển du lịch ở một hòn đảo không lớn lại nằm cách xa đất liền gần 30 km. Với quá khứ lịch sử của Cồn Cỏ, nhiều lắm là các bạn trẻ ấy cũng chỉ biết, đấy là hòn đảo được hai lần tuyên dương Anh hùng, được Bác Hồ ba lần gửi thư khen. Thế thôi. Tôi đã tới gian phòng được gọi là Phòng truyền thống của đảo. Thực ra, đây là cái gian sảnh trên gác hai của Nhà văn hóa Thanh niên. Tư liệu trưng bày trong phòng chủ yếu là những tấm ảnh. Mà ảnh quá khứ cũng rất ít, nhiều hơn chính là ảnh một số hoạt động xây dựng đảo hiện nay cùng với chân dung của nhiều thế hệ lãnh đạo, chỉ huy đảo. Bất giác tôi nhớ tới lá thư của chị Lệ, một cô gái Quảng Bình, vợ anh Trần Đăng Khoa thời đó là Chính trị viên phó của đảo. Trong lá thư gửi chồng có một đoạn đại ý: “Anh đừng nhớ em… chỉ để riêng em nhớ anh thôi, anh phải tập trung mà bắn máy bay Mỹ…”. Bây giờ mà đọc mấy câu như thế chắc nhiều người sẽ thốt lên “sến” quá. Nhưng thời đó, đấy là những câu hết sức chân thực, đọc lên không cầm được nước mắt. Trong “Trăng Cồn Cỏ”, tôi đã kể về lá thư ấy: …Năm ngoái thư em có lời cặn kẽ / Anh để riêng em nhớ / Anh hãy tạm quên / chỉ nhớ mần răng mà bắn cho tinh / Em dặn thế, thực lòng anh cũng thế / Bận bắn máy bay thời gian đâu mà nghĩ / Đêm nay một phút đảo yên / Xốn xang bến động nhớ thuyền / Giận lá thư nhà không cánh...

Tôi biết ông Trần Đăng Khoa hiện vẫn đang sống ở Huế. Tôi cũng tin chắc chắn lá thư kia vẫn còn. Giá như ở cái Phòng truyền thống này có những hiện vật kiểu như lá thư đó.

Không thể trách các bạn trẻ. Chính bản thân tôi hồi đó cũng không biết nguyên cớ vì sao trên đảo Cồn Cỏ lại có những địa danh như Hà Nội, Hải Phòng, Hà Đông… Mãi tới lúc vào đất liền, gặp ông cụ Vĩnh Quang, nghe cụ kể về cái thời hoang sơ của hòn Cỏ, tôi mới ngộ ra. Thuở xa xưa ấy, đảo này chỉ được gọi là một hòn, hòn Cỏ (cũng có người còn gọi là hòn Cọp, hòn Mệ). Khi những người lính đầu tiên đặt chân lên đảo thì hòn Cỏ chỉ có mấy tên gọi được ngư dân đặt cho các bến thuyền. Đấy là bãi Đông vì nó nằm phía đông, bãi Tranh bởi cả khu đất ấy chỉ có cỏ tranh, và bãi Nghè vì có miếu Ông Nghè… Còn lại, tất cả chỉ là một vùng rừng âm u, rậm rịt. Để triển khai trận địa chiến đấu thì nhất thiết phải có tên gọi các vị trí, các điểm cao trên đảo. Thế là những địa danh mới xuất hiện. Vấn đề là, tại sao bộ đội lại đặt những địa danh trên đảo là Hà Nội, Hải Phòng, Hà Đông? Ai đã từng sống những tháng ngày khốc liệt trên hòn đảo này đều có thể dễ nhận ra, việc đặt tên các vị trí trên đảo không phải chỉ để có tên gọi, mà còn có một ý nghĩa tinh thần rất lớn. Giữa hòn đảo nhỏ nhoi, chơi vơi suốt năm bị địch vây hãm, sự sống cái chết tính từng phút, từng giây, sự cô đơn lại càng là thử thách khốc liệt với lính trẻ, thì những tên gọi đó khiến chiến sĩ ta có cảm giác như đang được sống trong lòng đất liền Tổ quốc, được ôm ấp, chở che của cả nước. Tôi đã ứa nước mắt khi nhận ra điều đó. Và tôi đã viết: …Ở đây có Hà Đông, Hà Nội / Anh gọi vang trên đảo thân yêu / Để mỗi sớm, mỗi chiều / Đảo xa ngọt ngào tình đất nước! / Ôi những tên thân thuộc / Nghe sao yêu như một tiếng em! / Mưa có mòn dấu chân / Nắng dù phai màu áo / Ngày dài chiến đấu / Tên đất liền như lệnh xung phong / Yêu lắm em ơi Hà Nội Hà Đông!...

***

Trong bữa cơm chia tay tối cuối cùng trên đảo, tôi hỏi mấy cán bộ lãnh đạo cao nhất Huyện đảo rằng, khi có đoàn khách du lịch tới đảo thì ai là người hướng dẫn và giới thiệu. Lê Minh Tuấn - Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo trả lời, người hướng dẫn và giới thiệu là nhân viên của Công ty du lịch. Ở Ủy ban huyện thì cán bộ phòng kinh tế cũng góp phần thuyết minh giới thiệu nếu du khách có nhu cầu. Tôi lại hỏi, những người ấy họ sẽ giới thiệu những gì về Cồn Cỏ? Phải chăng cũng sẽ chỉ tóm tắt mấy câu, rằng đây là một hòn đảo anh hùng, rất anh hùng, đã chiến đấu khốc liệt gần hai ngàn ngày đêm, bắn hạ được 48 máy bay Mỹ, trong đó 29 chiếc rơi tại chỗ, bắn cháy 17 tàu chiến và 2 thuyền của địch, đã hai lần được phong danh hiệu Anh hùng, ba lần được Bác Hồ gửi thư khen. Giỏi hơn nữa là đọc thuộc được câu thơ khen của Bác: Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận / đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ. Những điều đó đương nhiên là rất quý, nhưng hầu như ai cũng biết, nếu chưa biết thì chỉ cần gõ vào “Gu-gồ”, cần gì phải lặn lội tới tận đây? Cả Tuấn cùng mấy lãnh đạo khác của Huyện đều cười trừ. Tôi đã nói với những cán bộ trẻ ấy rằng, những gì mà nhà nước đã đầu tư cho Cồn Cỏ tới giờ là rất tốt, rất đúng và trúng. Đó là cơ sở hết sức quan trọng để có thể hướng tới cho sự phát triển kinh tế du lịch. Nhưng, nói theo cách người ta hay nói hiện nay là, những gì đã có là cần nhưng chưa đủ. Có thể nói là rất rất chưa đủ. Những người đến với Cồn Cỏ hôm nay và nhiều năm sau nữa không phải chỉ để hứng gió biển, tắm biển. (Những nhu cầu đó, nhiều nơi khác trên đất nước này sẽ phong phú và thuận lợi hơn nhiều). Họ đến về cơ bản là muốn được tận mắt nhìn thấy một hòn đảo mà tên gọi của nó, sự tích của nó đã từng cồn cào, khắc khoải trong hàng chục triệu trái tim ngày nào. Và nếu có thể, du khách sẽ được biết thêm nhiều nhiều nữa, những gì đang ẩn chứa trong những khoảng rừng nguyên sinh, trong từng lá cây, ngọn cỏ, trong những con sóng dãi dầu đã vỗ suốt hàng ngàn năm quanh hòn Cỏ này…

- Vậy, theo ý bác - Bí thư Tuấn hỏi tôi - bọn cháu cần phải làm gì?

- Không phải chỉ các cậu làm, mà tất cả, từ cấp tỉnh, các ban ngành liên quan ngoài Trung ương, đến các thế hệ cán bộ chiến sĩ của Cồn Cỏ, cả bản thân mình nữa, cần phải làm cái gì đó… Tuy nhiên, cụ thể là những gì thì nhất thời mình chưa nghĩ được thật thấu đáo. Hãy để mình bình tâm lại, nghĩ ngợi thêm rồi sẽ góp ý.

*

Sáng hôm sau, con tàu đã đưa chúng tôi trở về đất liền trong cái nắng sớm rực rỡ và bát ngát. Quả thật thời tiết khác hẳn so với ngày qua. Nắng mai này mới đúng là nắng phơi mình trên sóng. Và trong tôi bất chợt cũng ngời lên một ý tưởng. Phải chăng là “đề bài” cho một dự án? Có thể gọi là dự án của một tâm hồn đa cảm, ưa hoài niệm. Dự án của Trăng Cồn Cỏ thủa ấy và Nắng Cồn Cỏ bây chừ!

Nên chăng, hãy lấy bến Nghè làm trung tâm để giới thiệu với du khách về Cồn Cỏ. Bến Nghè - cũng là bãi Nghè - như đã kể ở trên, vừa là cái rốn của đảo, là nơi đang tàng ẩn trong lòng nó những trầm tích xa xưa nhất của hòn Cỏ, lại vừa là vị trí đẹp nhất, nên thơ nhất hiện tại. Khu bến Nghè tiếp giáp và chuyển nối giữa khu du lịch và khu quân sự. Phía trên bờ bến Nghè hiện tại có một khoảng đất trống, rất bằng phẳng đang được dùng làm sân đá bóng. Đấy chính là địa điểm thích hợp nhất để có thể tái hiện toàn cảnh Cồn Cỏ năm xưa.

Cần tái hiện hòn Cỏ xa xưa và Cồn Cỏ của những năm tháng oai hùng bằng một “Đại mô hình Cồn Cỏ” được đắp nổi trên khoảnh đất trống này. Có thể gọi là một Cồn Cỏ nhỏ quá khứ nằm trong lòng Cồn Cỏ lớn hiện tại. Trên Cồn Cỏ nhỏ đó, tái hiện tất cả những gì của hòn đảo năm xưa mà nay vì quy hoạch xây dựng Huyện đảo đã để mất dấu vết. Ví dụ, có một bến Nghè rậm rạp với ngôi miếu thâm nghiêm u tịch, có bãi Đông, bãi Tranh, có điểm cao Hải Phòng với lửa bom cây cháy, có Hà Nội, Hà Đông hay bãi Hi Rông... Có chòi quan sát, trận địa phòng không, hệ thống công sự, hầm hào v.v… Những huyền thoại, giai thoại, những câu chuyện và hiện vật rất đặc trưng của Cồn Cỏ như con cua đá chẳng hạn (đang có nguy cơ mất dấu ở đảo, nên chăng cho ướp và bảo quản lâu dài một số vỏ cua đá để trưng bày), như đàn gà được sinh sôi từ cặp gà trống mái đầu tiên của một người vợ gửi ra cho chồng là cán bộ chỉ huy đảo để sau đó sinh sôi ra hàng trăm, hàng ngàn con bất chấp bom lửa hủy diệt của giặc Mỹ, cả những hiện vật khảo cổ từ thời đồ đá ở vị trí bến Nghè nữa và v.v… sẽ được giới thiệu tại đây. Trong tương lai, khi điều kiện cho phép có thể sử dụng công nghệ 3D để tái hiện tất thảy những gì có thể cho du khách hiểu sâu hơn, nhiều xúc cảm hơn về hòn đảo này…

Không biết tôi có lãng mạn quá không? Có viễn vông quá không? Nhưng như tôi đã từng nói và viết nhiều lần về hướng phát triển du lịch hoài niệm và tâm linh trên mảnh đất Quảng Trị, rằng, trên đất này những dấu tích theo thời gian rồi sẽ dần mất dấu, còn lại sẽ là những câu chuyện như là sự tích. Cần phải biến những sự tích thành huyền tích, từ huyền tích thành huyền thoại... Đó là con đường đi thẳng vào tâm khảm con người để lưu giữ cho muôn thế hệ mai sau về lịch sử hôm nay.