Về cù lao nghe tiếng cá quẫy

Dương Xuân |

Cách thành phố Đông Hà chỉ hơn mười cây số, cù lao Bắc Phước (xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong) là một nơi hấp dẫn bởi vẻ đẹp tự nhiên, gần gũi, nếp sống bình dị.

Cù lao nằm lọt giữa hai con sông lớn của tỉnh Quảng Trị là sông Hiếu và sông Thạch Hãn, lại ở rất gần và có thể nhìn thấy biển Cửa Việt. Ngày xưa không có cầu, mỗi lần đi đường bộ theo hướng từ thị tứ Bồ Bản qua phải “lụy đò”.

 
 Chợ Bắc Phước

Đò ngang ở bến Cồn Nông từ làng An Cư có vài chuyến mỗi ngày. Ai đi trễ phải ngồi đợi đò đủ khách mới có thể sang. Còn muốn đi đường thủy dài hơn, có thể đón đò dọc từ bến đò chợ Đông Hà, ngồi ngắm sông nước Hiếu Giang chừng 45 phút đến một giờ đồng hồ là tới bến Dương Xuân. Đi đường thủy có thể thưởng ngoạn cảnh sắc hai bên sông, trải nghiệm sóng nước dập dềnh rất nên thơ. Từ khi có cầu, bến đò ngang ở Cồn Nông và đò dọc về Bắc Phước xóa sổ.

Cù lao Bắc Phước (bên trái sông) như một ốc đảo hiền hòa - Ảnh: Thanh Thọ
Cù lao Bắc Phước (bên trái sông) như một ốc đảo hiền hòa - Ảnh: Thanh Thọ

Thôn Bắc Phước là tên gọi mới sau khi sáp nhập 3 thôn Xuân Phiên Hà (Dương Xuân, Duy Phiên và Hà La) thành một. Nơi đây nổi tiếng với nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng. Với hệ thống nước ngọt, lợ, mặn luân chuyển theo mùa nên nơi đây trở thành địa bàn cung ứng các loại thủy, hải sản cho tỉnh Quảng Trị, thậm chí đi sang tận Lào.

 

Món ngon của đất cù lao phải kể đến cháo cá me, cá bống thệ nấu canh dưa chua, món rong câu, súp xào bò. Lý giải vì sao những món này ngon nổi tiếng, người dân vùng này bảo vì cá tươi rói, mới bắt từ sông lên đang còn vùng vẫy rồi chế biến liền nên ngon. Ngoài ra, nước lấy từ các giếng ở cù lao có vị rất khác. Nước này làm dưa chua, kho cá và xáo thịt bò thì không ở đâu bằng. Bởi thế, ở cù lao có đội dịch vụ ẩm thực, dù đi nấu tận Huế hay Lao Bảo cũng phải mang nước cù lao đi theo để kho cá, nấu canh nó mới hợp gu!

Cù lao là làng quê yên bình theo đúng nghĩa của nó. Bao quanh là nước bốn bề, chỉ có chiếc cầu bê tông nhỏ kết nối với bờ bên kia nên rất ít xe cộ. Thi thoảng chỉ có vài chiếc ô tô cũng con em ở xa về làng hay những chiếc xe tải chở vật liệu về xây dựng, tịnh như không gian của một xứ sở bình yên cô lập.

Về cù lao bạn có thể mượn xe đạp chạy một vòng quanh ốc đảo, với chu vi tính theo đường đê quốc gia tầm 7 cây số. Cù lao có diện tích hơn 4 cây số vuông, dân cư thưa thớt, chủ yếu là ruộng, hồ tôm và đầm phá. Đi dọc đê quốc gia, bạn có thể thưởng ngoạn cảnh sắc của những khu rừng bần được trồng để giữ đê, chắn sóng. Dưới bần chua là cá cua sống bán tự nhiên, trên trời chim cò về trú ngụ. Một không gian trong lành, bình yên rất phù hợp để “reset - thiết lập lại” tinh thần.

Nếu có thời gian, có thể leo lên chiếc thuyền câu lênh đênh quanh ốc đảo để trải nghiệm cùng ngư dân đánh bắt cá. Ở mạn sát cầu Cửa Việt, từ trên ghe có thể nhìn thấy từng đàn cá kình bơi tung tăng. Chỉ cần buông câu (không lưỡi) cá kình cắn vào là giật lên thuyền. Cá kình sống vùng nước lợ con tầm 3 ngón tay nhưng béo ngậy. Với 5 đến 7 con cá kình, một nắm cà chua gạo hoặc miếng thơm có thể làm một tô canh ngon ngọt.

Những tay sành nhậu thường thích trải chiếu ngồi dọc bờ đê. Địa điểm yên tĩnh nhất là đoạn nhìn đối diện sang làng Mai Xá (huyện Gio Linh) bên kia sông. Từ đê có thể nhìn qua thị tứ bên kia sông với ánh đèn sáng chói nhưng không gian yên tĩnh đến nỗi nghe tiếng ếch nhái, tiếng dế râm ran, tiếng cá quẫy dưới nước. Chỉ cần một cuộc điện thoại là cá, tôm đưa tới tận nơi. Nhưng nếu muốn trải nghiệm làm ngư dân, chỉ cần cởi quần, bước xuống chân đê là có thể bắt những chú đam, cua từ kẽ hở của bờ kè đá bò ra; có thể cầm đèn pin đi bắt cá, tôm đang tung tăng dưới gốc những cây bần chua. Trên tấm chiếu lác, bạn có thể ngả lưng nhìn bầu trời, ngắm đếm sao và nghỉ ngơi hoặc nghĩ ngợi. Những giây phút được hòa mình vào thiên như vậy đã khiến cho những ai đến cù lao đều có ấn tượng khó phai và muốn đặt lịch tìm về lần nữa.

Cù lao chỉ còn chút xô bồ vào sáng sớm, khi chợ cá bắt đầu họp, thuyền ghe từ phía Cửa Việt tập trung xả hàng để cá tôm “leo lên xe” đi lên phía núi. Chợ chỉ họp đến 8 giờ sáng là vãn, khi cá tôm giải phóng hết là chợ tan. Ở đây bạn có thể mua những món dân dã như khoai khô, khoai xéo, bánh sắn, bánh lọc, bánh xèo, bánh gai với giá rất bình dân. Bạn cũng có thể thưởng thức một tô bún Huế đậm đà và uống ly trà sữa thời thượng ở chợ này.

Phiên chợ sớm, thuyền ghe các nơi tụ về chợ Bắc Phước bán cá tôm sau một đêm đánh bắt - Ảnh: D.X
Phiên chợ sớm, thuyền ghe các nơi tụ về chợ Bắc Phước bán cá tôm sau một đêm đánh bắt - Ảnh: D.X

Những người con của làng đi xa, mỗi lần về cù lao, ngoài việc tìm bình yên giữa xô bồ của đời sống hiện đại, họ cũng tìm chút an trú của tâm hồn khi thắp một nén hương, cầu nguyện ở đàn âm hồn. Đàn âm hồn do người làng Dương Xuân xây dựng vào năm Mậu Tuất - 1958 để nơi thờ cúng, tế lễ những người đã khuất không nơi nương tựa, không nhà cửa. Khi xây dựng, đàn cũng nằm ở thế sơn thủy hữu tình, khu vực gần sát mép sông. Trải qua bao cơn vần vũ của đất trời, ngày nay sông ăn vào tận mép đàn. Đàn âm hồn nổi tiếng linh thiêng, là nơi được dân làng bảo vệ, tôn tạo và tế lễ hàng năm. Đàn âm hồn trên đất làng Dương Xuân, do làng Dương Xuân xây dựng để cúng tế việc làng nhưng sau khi hình thành, nơi này nổi tiếng linh thiêng, cầu được ước thấy khiến người dân trong vùng đến đây cầu nguyện. Những ngư dân quanh vùng trước khi ra khơi đi biển đều đến đây chiêm bái, cầu nguyện bình an, bội thu.

 

Theo người dân ở làng, những năm chiến tranh, cù lao cũng nằm trong vùng đánh phá ác liệt, nhiều công trình và nhà dân bị bom tàn phá nhưng đàn âm hồn vẫn không hề hấn gì. Trong dân gian hiện vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện về sự linh thiêng của đàn âm hồn này. Trong ký ức những người từng chăn trâu cắt cỏ ở làng Dương, mỗi lần sơ ý để trâu đi lạc ăn cỏ hoặc vô phá trong đàn âm hồn thì hôm đó con trâu sẽ gặp sự cố, như què chân, ngày sau lười ăn, đau ốm. Người dân bảo chắc chắn bị “quở”.

Ngày nay, vào những mùa thi, con em sống ở quê hay xa quê, trước khi lên đường bước vào phòng thi đều đến đây cầu nguyện. Đàn âm hồn trở thành nơi gửi gắm niềm tin, ước vọng và trở thành nơi an trú tinh thần đầy linh thiêng cho người dân trong vùng.

Về cù lao Bắc Phước, ăn cá tôm tươi, ngắm cảnh đẹp của bốn bề sông nước và nghe người làng quê kể chuyện tâm linh, huyền bí cũng là cách sống thêm một đời sống khác.

Hành trình qua những miền di sản Việt Bắc. Bài 3: Liên kết để phát triển bền vững

Thu Hằng - Thanh Thủy |

Với những nét tương đồng về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, những năm qua, 6 tỉnh Việt Bắc đã tích cực hợp tác, liên kết, phát triển du lịch nhằm khai thác giá trị cảnh quan thiên nhiên và các giá trị di sản văn hóa của các tỉnh trong vùng để giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế.

Hành trình qua những miền di sản Việt Bắc. Bài 2: Miền di sản Việt Bắc – Tinh hoa và bản sắc

Thu Hằng - Thanh Thúy |

Không chỉ là vùng đất thiêng lưu giữ những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống quý báu, Việt Bắc còn được thiên nhiên ban tặng cảnh quan hùng vĩ, những giá trị văn hóa truyền thống được nhân dân các dân tộc Việt Bắc luôn gìn giữ và phát huy. Để giờ đây, “Hành trình qua những miền di sản Việt Bắc” đã tạo nên thương hiệu du lịch riêng có 6 địa phương – 1 điểm đến.

Hành trình qua những miền di sản Việt Bắc. Bài 1: Linh thiêng dòng lịch sử

Thu Hằng - Thanh Thủy |

Việt Bắc - tự hào là quê hương cách mạng gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang. Ngoài những địa danh lịch sử gắn với truyền thống hào hùng của dân tộc, Việt Bắc còn có hàng nghìn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Kế thừa cội nguồn lịch sử, phát huy những giá trị tương lai, Việt Bắc đang ngày càng phát triển hơn, lớn mạnh hơn...

Hiện thực hóa gợi mở của lãnh tụ Cuba Fidel Castro về kiến thiết cuộc sống mới

Nguyên Lý |

Đến thăm Vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Trị cách đây tròn 50 năm (9/1973 - 9/2023), cùng với mục đích thắt chặt quan hệ và tiếp tục tái khẳng định Cuba là người bạn chiến đấu của nhân dân Việt Nam, Lãnh tụ Cuba Fidel Castro còn gợi mở về kiến thiết cuộc sống sau chiến tranh và đặt trọn niềm tin vào thắng lợi và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.