Ngày 27/10/2021, Ban VHXH HĐND tỉnh Quảng Trị có buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về kết quả thực hiện Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hoá tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2013-2020. Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uỷ, Trưởng Ban VHXH HĐND tỉnh Hồ Thị Thu Hằng chủ trì buổi làm việc.
Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND về việc đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hoá tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2013-2020 đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tính đến năm 2020, 100% di tích cấp tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng bia, biển; 100% di tích cấp quốc gia đã được phân cấp cho các huyện, thị xã, thành phố quản lý, khai thác sử dụng và một số di tích cấp tỉnh tiêu biểu được đầu tư phục dựng, tôn tạo. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, đầu tư, tôn tạo các hạng mục còn lại của các di tích quan trọng như: Thành Cổ Quảng Trị, Nhà đày Lao Bảo, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Địa đạo Vịnh Mốc, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, căn cứ Dốc miếu và Hàng rào điện tử Mc.Namara cũng được triển khai, thực hiện với tổng số vốn đầu tư trên 75 tỉ đồng.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, nêu nhiều ý kiến và chỉ ra một số tồn tại, hạn chế về kết quả thực hiện Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND. Đó là công tác cắm mốc chỉ giới khoanh vùng bảo vệ và cấp giấy chứng nhận sử dụng đất di tích chưa được triển khai thực hiện theo đúng lộ trình; việc xây dựng cơ chế chính sách và quản lý đầu tư hiện chưa có quy định, định mức cụ thể; công tác quy hoạch, xây dựng hồ sơ cũng như công tác đầu tư, tôn tạo di tích còn nhiều khó khăn, bất cập do điều kiện nguồn lực còn hạn chế; hoạt động đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích từ tỉnh đến huyện, xã tuy đã có những thành tựu bước đầu nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; hầu như chưa xây dựng lộ trình, đề án, kế hoạch bài bản để nâng cấp tu bổ theo từng năm, từng giai đoạn.
Các đại biểu cũng đề nghị, ngành văn hóa cần lựa chọn đầu tư tôn tạo, nâng cấp di tích không nên dàn trải mà phải gắn với khả năng phát triển du lịch, tạo được nguồn thu, di tích phải phát huy được hiệu quả thực tiễn; tăng cường công tác xã hội hóa đầu tư tôn tạo, nâng cấp, chống xuống cấp các di tích… Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng kiến nghị, đề xuất HĐND tỉnh xem xét thông qua Đề án “Đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030” để ngành có cơ sở đề xuất phân bổ ngân sách nhà nước hàng năm, giao các địa phương chủ động huy động thêm nguồn xã hội hóa và lập phương án thực hiện nhiệm vụ trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban VHXH HĐND tỉnh Hồ Thị Thu Hằng đánh giá cao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thực hiện Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Đồng thời đề nghị trong thời gian tới, sở cần quan tâm tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể như: Cần đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan trong hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá; phải rà soát lại hệ thống di tích, cắm biển di tích và tăng cường công tác quản lý nhà nước, hướng dẫn các địa phương quản lý, bảo vệ di tích; nâng cao hiệu quả công tác tham mưu. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch cũng cần được thực hiện chặt chẽ, phù hợp để hỗ trợ tốt cho việc đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá sau này; tăng cường tuyên truyền để phát huy vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân trong việc bảo vệ, chống xuống cấp, tu bổ các di tích trên địa bàn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)