Báo cáo đồ án quy hoạch các di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và Cảng Quân sự Đông Hà

Thanh Hải |

Ngày 8/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương liên quan để nghe Sở VH,TT&DL báo cáo đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và Cảng Quân sự Đông Hà.

Đồ án quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải do Công ty Cổ phần Kiến trúc xanh là đơn vị tư vấn, đã lấy ý kiến cộng đồng trong phạm vi nghiên cứu 130 ha của 3 xã Hiền Thành, Vĩnh Sơn, Trung Hải thuộc hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh.

Bên cạnh đó, để phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, đơn vị tư vấn còn nghiên cứu khảo sát các bến đò dọc sông Bến Hải, từ bến đò Tùng Luật lên đến cầu treo Bến Tắt, tạo thành chuỗi di tích phục vụ khai thác du lịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp - Ảnh: N.T.H
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp - Ảnh: N.T.H

Vị trí quy hoạch của đồ án có điểm đầu thôn Hiền Lương xã Hiền Thành, đến vùng lõi bờ Bắc và bờ Nam, một phần thôn Xuân Hòa xã Trung Hải và một phần thôn Huỳnh Hạ xã Vĩnh Sơn ở phía Tây, gồm 18 vị trí di tích. Về mối liên hệ liên quan phát triển du lịch và giao thông có bán kính tour tuyến 5 km.

Dọc tuyến có hơn 310 hộ dân, trong đó có 23 hộ dân trong vùng lõi di tích ở bờ Bắc và 6 hộ dân vùng lõi di tích ở bờ Nam cần thực hiện tái định cư. Cơ cấu sử dụng đất quy hoạch di tích qua nghiên cứu cần 104,96 ha.

Ý tưởng kiến trúc cảnh quan lấy vũng lõi di tích ở bờ Bắc và bờ Nam diện tích khoảng 20 ha, thêm các cụm công trình và vùng phát triển bến bãi, đón tiếp, phục vụ du lịch nghỉ dưỡng, đa dạng sinh học phục vụ du lịch sinh thái rừng ngập mặn. Làng Hiền Lương sát vùng lõi di tích ở bờ Bắc được quy hoạch để cho người dân tham gia phát huy giá trị di tích và có các quy chế về xây dựng, diện tích đất ở phù hợp.

Vùng rừng cây ngập mặn ở thôn Xuân Hòa quy hoạch resort cao cấp và homestay theo định hướng xã hội hóa. Khu vực công viên khát vọng hòa bình ở thôn Huỳnh Hạ chủ yếu dành cho cắm trại, quảng trường, điêu khắc, phim trường...

Về phân kỳ đầu tư, vùng phía Bắc và phía Tây có thể làm trước trong tương lai gần; còn vùng phía Nam kêu gọi xã hội hóa. Tổng chiều dài đường giao thông cần xây dựng theo đồ án khoảng 10 km.

Đồ án quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt Cảng Quân sự Đông Hà do Công ty Cổ phần tư vấn Xây dựng tỉnh Quảng Trị lập quy hoạch trên diện tích 15.360 m2. Hiện trên đất di tích quy hoạch có 3 di tích gốc là bến nghiêng, bến đứng và lô cốt; khu vực nhà kho và hai trụ sở kiến nghị di dời.

Theo quy hoạch sử dụng có công viên mở kết nối các di tích gốc và bến neo đậu tàu thuyền, điểm bán vé các tour du lịch đường sông. Giao thông tiếp cận bằng đường bộ. Phần trung tâm di tích ở đoạn bến nghiêng đề xuất cuộc thi thiết kế bia đài xây dựng lên để tạo điểm nhấn của di tích cho TP. Đông Hà nhìn từ phía sông Hiếu.

Sau khi nghe các đơn vị tư vấn báo cáo đồ án quy hoạch bảo tồn, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Cảng Quân sự Đông Hà và ý kiến góp ý, tham gia của các sở, ngành, địa phương liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đề nghị, đối với di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, đồ án quy hoạch cần xác định các hạng mục trong vùng lõi để đầu tư công, quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500; còn các vùng khác quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000, kêu gọi xã hội hóa.

Về quy hoạch bên bờ sông dành cho du lịch, dịch vụ  thì chỉ quy hoạch phân khu dành quỹ đất cho nhà đầu tư, không quy hoạch chi tiết. Về khu công viên hòa bình ở phía Tây vùng lõi di tích, trước mắt quy hoạch tạo điểm đến cắm trại và thi chọn biểu tượng tượng đài khát vọng hòa bình.

Bổ sung thêm bản đồ kết nối các điểm di tích và khu vực dự trữ quỹ đất cho quy hoạch các hạng mục dự án trong tương lai. Xác định các nhóm dự án để phân kỳ đầu tư, dự án nào đầu tư công và dự án dự kiến xã hội hóa. Tiến độ phải hoàn tất trước tháng 5/2023 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyêt.

 Đối với di tích quốc gia đặc biệt Cảng Quân sự Đông Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu quy hoạch đảm bảo diện tích 1,523 ha theo nhiệm vụ Thủ tướng giao. Trong đó, xác định xây dựng công viên kết nối với 3 điểm di tích gốc là bến nghiêng, bến đứng, lô cốt và xây dựng thêm nơi neo đậu tàu thuyền phục vụ du lịch.

Đầu tư công trung hạn của tỉnh đã phân bổ xong nên các đồ án quy hoạch cho các di tích chủ yếu sẽ đầu tư giai đoạn 2026-2030. Riêng di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải có nguồn vốn của Bộ VH,TT&DT phân bổ thực hiện đến năm 2025 nhưng cần tính toán tổ chức thi và lập kinh phí để xây dựng một tượng đài về biểu tượng khát vọng hòa bình thống nhất tạo điểm nhấn cho di tích.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Gio Linh chú trọng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa

Hoài An |

Những năm qua, huyện Gio Linh (Quảng Trị) luôn chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đơn vị liên quan và Nhân dân, công tác đầu tư, tôn tạo các di tích được thực hiện hiệu quả, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá, nâng cao đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, trở thành những điểm đến hấp dẫn về du lịch đối với du khách trong nước, quốc tế.

Làng cổ có ba di tích

Phạm Xuân Dũng |

Làng cổ Kim Đâu, Cam Lộ (Quảng Trị) thật đặc biệt khi có đến ba di tích được Nhà nước công nhận, gồm tháp Chăm Kim Đâu, giếng đá Kim Đâu và đền thờ bà Chúa Ngọc được dân gian đồng hóa thành Huyền Trân Công Chúa, chưa kể chùa làng Kim Sơn đang được đề nghị xem xét công nhận là di tích. Có thể nói làng quê có cả một gia sản văn hóa tinh thần là quần thể di tích như vậy thật đáng ngưỡng vọng.

Lần đầu tiên, bia tiến sỹ tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám được giải mã

PV |

Ngày 8/10, Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám khai mạc triển lãm chuyên đề “Bia đá kể chuyện” với chủ đề “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia” nhân kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2022). Triển lãm diễn ra trong 1 tháng, kết thúc ngày 8/11.

Khẩn trương tu bổ các di tích xuống cấp trong khu phố cổ Hội An

PV |

Qua khảo sát các di tích xuống cấp trong khu phố cổ Hội An, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, tỉnh Quảng Nam phát hiện hàng chục di tích xuống cấp. Đơn vị đưa ra nhiều giải pháp tu bổ, chống đỡ nhằm đảm bảo an toàn cho di tích.