Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị: Giải Vàng danh giá về điều trị đột quỵ

Lâm Thanh |

Để trở thành 1/16 bệnh viện trung ương, tỉnh trong toàn quốc vinh dự nhận Giải Vàng (Gold Status) về điều trị đột quỵ của Hội Đột quỵ thế giới (WSO), 3 năm qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã không ngừng phấn đấu vươn lên đạt các tiêu chí khắt khe của WSO về con người, trang thiết bị y tế, quy trình và kết quả điều trị cho bệnh nhân đột quỵ. Vượt qua “cửa tử”.

Dù giọng nói chưa rõ lắm nhưng bà Nguyễn Thị Yến (80 tuổi) ở phường Đông Lương, thành phố Đông Hà đã hiểu và có những phản ứng linh hoạt khi nghe người khác hỏi chuyện, chân tay bà cũng bắt đầu hoạt động trở lại… Với một người tuổi cao, có tiền sử bệnh huyết áp cao, lại trải qua cơn đột quỵ não mà sức khỏe phục hồi nhanh như bà Yến khiến con cháu trong gia đình rất hạnh phúc và xem đó như “kỳ tích”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tặng hoa chúc mừng Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhận được Giải Vàng danh giá của WSO - Ảnh: L.T​
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tặng hoa chúc mừng Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhận được Giải Vàng danh giá của WSO - Ảnh: L.T​

Theo anh Hoàng Văn Bình - con trai bà Yến - tình trạng sức khỏe của mẹ anh đã cải thiện rất nhiều sau khi được các bác sĩ, y tá của Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu kịp thời cơn đột quỵ não. Sau hơn 10 ngày điều trị, bà Yến như “cải tử, hoàn sinh”, đó là một niềm vui rất lớn đối với gia đình anh. Anh Bình nhớ rất rõ sáng ngày 18/12/2020, hôm đó anh có dự định đưa mẹ mình vào bệnh viện kiểm tra sức khỏe định kỳ. Trời mưa phùn nên khoảng 7 giờ sáng mẹ anh đi bộ ra quầy tạp hóa đầu ngõ mua áo mưa. Tuy nhiên, chỉ vừa ra đến quầy tạp hóa thì người bà Yến không đứng vững, giọng nói ú ớ không rõ tiếng… Nhận được tin báo từ chủ quán, anh Bình tức tốc chạy ra thì lúc này mẹ anh bắt đầu có dấu hiệu liệt nửa người. Sau khi đưa vào bệnh viện kiểm tra, bác sĩ cho biết bà bị tắc mạch máu não nhưng may mắn được người nhà đưa đi cấp cứu kịp thời. "Bác sĩ tư vấn cho chúng tôi rất kỹ về tình trạng bệnh lúc bấy giờ của mẹ tôi và cho biết bà cần tiêm thuốc tiêu sợi huyết (rtPA) gấp để tan cục máu đông”, anh Bình nhớ lại.

Dựa trên các tiêu chí, thang điểm đã được quy định cụ thể, WSO đối chiếu, đánh giá, xét công nhận chất lượng điều trị đột quỵ để trao giải cho các bệnh viện theo từng quý. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã 2 lần được WSO công nhận Giải Vàng, đó là vào quý 4/2019 và quý 2/2020.​ 

Bà Yến chỉ là 1 trong số rất nhiều bệnh nhân đột quy được điều trị thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong thời gian qua. Số lượng bệnh nhân nhập viện do đột quỵ mỗi năm tại bệnh viện dao động trong khoảng từ 600 - 700 người và xu hướng ngày càng trẻ hóa. Dù là một trong ba nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới (chỉ sau ung thư và tim mạch) nhưng đến nay tại Quảng Trị vẫn chỉ có khoảng 10% bệnh nhân đột quỵ đến cơ sở y tế đúng “giờ vàng” (trong vòng 4,5 giờ đồng hồ kể từ khi khởi phát bệnh). Trong số 10% bệnh nhân đến đúng giờ thì tỉ lệ bệnh nhân được cứu sống và phục hồi ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh là trên 90%. Để đạt con số trên, vấn đề chuẩn hóa quy trình cấp cứu đột quỵ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang được thực hiện ngày một tối ưu.

Đơn nguyên Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được thành lập vào tháng 2/2018. Sau 3 năm thành lập, đến nay, cơ sở vật chất của đơn vị được trang bị đầy đủ, hiện đại, đủ thiết bị máy móc để chẩn đoán, phát hiện các dạng đột quỵ; cán bộ, nhân viên y tế được đưa đi đào tạo bài bản tại các bệnh viện đầu ngành ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nên tay nghề nâng lên đáng kể. Đặc biệt, bệnh viện đã ứng dụng công nghệ 4.0, telemedicine để tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia đầu ngành, hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn điều trị những ca bệnh khó qua hệ thống mạng telemedicine. Hiện nay, Đơn nguyên Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã điều trị bệnh nhân bằng những phương pháp của bệnh viện tuyến trung ương theo đúng phác đồ thuốc, can thiệp mạch, hồi sức cấp cứu, phẫu thuật, phục hồi chức năng mang lại hiệu quả tích cực cho người bệnh. Với sự nỗ lực vươn lên, Đơn nguyên Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đạt thang điểm quy chiếu theo tiêu chuẩn Giải Vàng của WSO về chuẩn hóa quy trình điều trị đột quỵ như: Tỉ lệ bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ được chỉ định chụp MRI/CT trên 85%; thời gian bệnh nhân nhập viện đến khi được điều trị rtPA dưới 60 phút; tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu khi xuất viện trên 80%; tỉ lệ bệnh nhân rung nhĩ được điều trị kháng đông khi xuất viện trên 80%; tỉ lệ bệnh nhân được tầm soát rối loạn chức năng nuốt trên 80%. Ngoài ra còn có các tiêu chí về phương pháp điều trị phục hồi chức năng và điều trị dự phòng tái phát đột quỵ cho bệnh nhân sau khi xuất viện.

Chạy đua với “giờ vàng”

Đối với bệnh nhân đột quỵ, thời gian là vàng nên việc tranh thủ rút ngắn thời gian xử lý càng sớm càng tốt bởi có khi chỉ chậm vài phút cũng có thể khiến bệnh nhân mất đi cơ hội được cứu sống. Đến thời điểm này, một bệnh nhân đột quỵ từ khi chạm cửa Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến lúc được thực hiện rtPA chỉ còn 40 phút (nhanh hơn quy định của WSO 20 phút). Để làm được điều này, “Quy trình cấp cứu đột quỵ” do Ban Giám đốc bệnh viện ban hành nhằm huy động sự phối hợp một cách nhịp nhàng giữa Đơn nguyên Đột quỵ thuộc Khoa Hồi sức tích cực và chống độc với các khoa liên quan như: Cấp cứu, Chẩn đoán hình ảnh, Ngoại chấn thương, Nội tim mạch, Phục hồi chức năng.

Ngoài quy trình phối hợp xử lý đột quỵ liên khoa, mọi thủ tục hành chính cũng được rà soát, cắt giảm tối đa để bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu, can thiệp kịp thời nhất. Đơn nguyên đột quỵ cũng được xây dựng trở thành đơn vị sạch, giảm thiểu tối đa vấn đề nhiễm trùng bệnh viện từ “phần cứng” lẫn “phần mềm”. “Phần cứng” là máy móc, trang thiết bị, từ phòng DSA (chụp - can thiệp mạch máu), phòng mổ của bệnh viện đều là không khí vô trùng; hệ thống hút đàm, đặt nội khí quản riêng biệt cho mỗi bệnh nhân, máy thở được vệ sinh thường xuyên; monitor trung tâm theo dõi bệnh nhân 24/24 giờ, chỉ cần có thay đổi nhỏ trên chỉ số mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở… sẽ ngay lập tức cảnh báo cho điều dưỡng. Kết hợp với máy móc, yếu tố con người là “phần mềm” giá trị cốt lõi của bệnh viện - đó là bác sĩ, nhân viên y tế luôn túc trực, tận tâm, nhiệt tình đón tiếp, chăm sóc bệnh nhân.

Một ca can thiệp mạch máu não cho bệnh nhân đột quỵ tại phòng DSA, Bệnh viện Đa khoa tỉnh - Ảnh: L.T​
Một ca can thiệp mạch máu não cho bệnh nhân đột quỵ tại phòng DSA, Bệnh viện Đa khoa tỉnh - Ảnh: L.T​

Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lê Văn Lâm cho hay: “Ở Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, chúng tôi luôn sẵn sàng “Túi đột quỵ” (đựng sẵn các dụng cụ y tế, thuốc xử lý đột quỵ cấp). Vì thế, khi Phòng Cấp cứu bệnh viện báo có bệnh nhân nghi ngờ bị đột qụy nhập viện là anh em ca trực chủ động mang theo “Túi đột quỵ”, xuống thẳng phòng cấp cứu để xử lý tại chỗ trong mọi tình huống. Kiểm tra lâm sàng nghi ngờ đột quỵ là bệnh nhân lập tức được chuyển đi chụp CT hoặc MRI não nhằm phát hiện vị trí, tình trạng tắc mạch máu và chúng tôi có dụng cụ y tế, thuốc… để can thiệp, xử lý ngay trong phòng chụp cắt lớp".

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trần Quốc Tuấn phân tích: “Dựa vào mẫu tiêu chí, hằng quý bệnh viện hoàn thiện hồ sơ gửi WSO xét công nhận. Tuy nhiên việc rà soát, đánh giá của WSO hoàn toàn độc lập bằng những kênh khai thác riêng mà các cơ sở y tế không thể biết trước được. Thực tế, rất khó để đạt được tiêu chuẩn của WSO và càng khó hơn để duy trì lâu dài. Dù kết quả bước đầu rất phấn khởi, tuy nhiên nếu chỉ hài lòng với con số này thì sẽ không thể tiến về phía trước, bởi ở những trung tâm điều trị đột quỵ lớn của thế giới chỉ mất khoảng 20 phút để tái thông máu cho người bệnh. Đây là con số đáng mơ ước. Chúng tôi hướng tới mục tiêu điều trị đột quỵ thành công chính là để bệnh nhân có thể quay về với cuộc sống bình thường chứ không chỉ dừng ở mức vượt qua cửa tử”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Người trẻ tại sao lại đột tử

Hoàng Trung Dũng |

"Đột tử” thường xảy ra vào đêm khuya hoặc sáng sớm. Khi gặp gió lạnh mùa đông tràn về chúng ta phải thay đổi thói quen sinh hoạt, đừng nghĩ rằng mình còn trẻ mà không phòng bệnh.

Bệnh nhân cao tuổi mắc phổi, đột quỵ… gia tăng trong đợt rét kỷ lục

Thanh Mai |

Theo bác sĩ, bệnh nhân mắc đột quỵ chủ yếu vẫn là nhóm người cao tuổi. Nhiều bệnh nhân có thói quen nghỉ ngơi một mình.

Bé trai 3 tuổi ở Vĩnh Long bị đột quỵ xuất huyết não

An Ly |

Một bé trai 3 tuổi ở Vĩnh Long đang chơi với bạn thì đột ngột té xuống sàn, co giật, bất tỉnh, bác sĩ chẩn đoán đột quỵ xuất huyết não.

Cách tự cứu mình khi có dấu hiệu đột quỵ

P. Công |

Đột quỵ đang là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Trung bình cứ 3 phút lại có 1 ca tử vong do đột quỵ. Dưới đây là những cách tự cứu mình khi bạn có dấu hiệu bị đột quỵ.