Khi tuyến đường cao tốc Bắc-Nam đi qua những bản làng Quảng Trị, dân bản nói với nhau rằng:“Vì cao tốc đi thẳng, lại không... có chân, nên mình phải tránh”. Cách diễn giải nghe có vẻ giản đơn nhưng lại đúng với thực tế hiển nhiên, cùng với tính cách hào sảng của người dân miền núi đã biến những câu chuyện về giải phóng mặt bằng (GPMB) tưởng như sẽ rất nóng bỏng bỗng trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.
Cho thi công trước, nhận tiền sau
Lâu nay việc áp giá bồi thường luôn là một “nút thắt” trong công tác GPMB. Có rất nhiều tranh chấp, mâu thuẫn giữa người dân và Hội đồng GPMB kéo dài cả tháng, thậm chí cả năm trời mà không tìm được lối thoát vì...tiền bồi thường. Và khi dân không đồng thuận giao mặt bằng đồng nghĩa với việc đơn vị thi công không thể thi công, dẫn đến tiến độ dự án “dậm chân tại chỗ”. Hệ lụy còn nặng nề hơn trong nhiều trường hợp sẽ bị cắt vốn, các cán bộ liên quan sẽ chịu trách nhiệm vì không hoàn thành nhiệm vụ.
Dự án đường cao tốc Bắc-Nam đi qua Quảng Trị cũng có rất nhiều vướng mắc, dù cả hệ thống chính trị đã vào cuộc nhưng chính quyền tỉnh phải đề xuất trung ương lùi ngày bàn giao mặt bằng nhiều lần. Gần nhất là lời hẹn đến ngày 30/6/2024. Tuy nhiên, những sự vụ nóng bỏng đó đã dường như không len lỏi vào những bản làng của người Vân Kiều, dù tuyến đường cao tốc vẫn đi qua nhiều ngôi nhà sàn, nhiều mảnh vườn của bà con.
Người đồng bào Vân Kiều vốn không nói hai lời. Vậy nên, một khi đã gật đầu đồng ý là họ một lòng “đường chưa thông, ruộng vườn không tiếc”. Có nhiều gia đình thậm chí chưa nhận một đồng tiền bồi thường GPMB nào nhưng vẫn đồng ý cho đơn vị thi công đập nhà cửa, cắt cây cối để thi công đường cao tốc. Như ông Hồ Văn Thuận (67 tuổi), trú ở thôn Mới, xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh, cả một đời “bám rễ” ở mảnh đất cha ông để lại, dựa vào sức người để kiếm cái ăn, cái mặc. Ông hạnh phúc trong gian nhà bé nhỏ của mình cùng vợ và 8 người con, cháu. Chưa bao giờ ông từng nghĩ có ngày mình phải rời bỏ ngôi nhà này, mảnh vườn này.Thế rồi, dự án đường cao tốc Bắc-Nam đi ngang qua, chạy xuyên tâm mái ấm đó của người đàn ông Vân Kiều chất phác. Toàn bộ nương vườn gần 10.000 m2 của gia đình dày công chăm sóc cũng buộc phải phá bỏ để nhường chỗ cho dự án trọng điểm quốc gia. Đang yên lành, bất chợt ông không còn gì ngoài...tiền bồi thường! Trăn trở sau mấy đêm liền, tóc ông bạc hơn, hõm mắt sâu thêm.
Thấy ông Thuận trầm ngâm nghĩ ngợi vì bị thu hồi đất với diện tích lớn, phải phá nhiều công trình, tài sản trên đất, cán bộ GPMB cũng đâm lo. Nhưng kỳ lạ thay, mọi thứ đã diễn tiến nhanh một cách chóng mặt. “Bố Thuận đồng ý cái rụp phương án bồi thường của Hội đồng GPMB mà không có ý kiến gì, cũng không cò kè bớt một thêm hai. Chưa hết, dù chỉ mới đồng thuận bằng miệng, chưa nhận được đồng tiền bồi thường nào mà bố đã cho đơn vị thi công ủi luôn vườn nhà”, anh Lê Mạnh Hùng, cán bộ GPMB thuộc Hội đồng GPMB và hỗ trợ bồi thường tái định cư huyện Vĩnh Linh kể lại.
Không nói được những điều văn vẻ, ông Thuận lý giải hành động của mình một cách đơn giản: “Con đường nó không có chân nên nó đi thẳng. Mình có chân thì mình tránh nó ra...”.
Cũng thuộc diện “nhận tiền sau, cho thi công trước”, là trường hợp của ông Hồ Văn Hoàn (65 tuổi), hộ khẩu ở thôn Trường Hải, xã Linh Trường, huyện Gio Linh, nhưng diện tích đất bị thu hồi để thi công đường cao tốc Bắc - Nam thuộc xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh. Ông Hoàn có một ngôi nhà xây khá đẹp nhưng chỉ tầm mươi ngày nữa là ông cũng phải “tạm biệt” mái ấm này để xây dựng đường cao tốc. Trước đó, hàng chục gốc tiêu và cả vườn cây ăn quả trên diện tích 4.500 m2 cũng được ông Hoàn đồng ý cho đơn vị thi công “tùy nghi xử lý” cách đây hơn cả tháng dù chưa nhận tiền bồi thường. Ông Hoàn phân tích rằng: “Bao nhiêu năm dân bản sống trong khó khăn vì đường sá không thuận. Nay đường lớn Nhà nước đã mở thì sao lòng mình không mở...Nhà mình đập đi thì có thể dựng lại nhà khác, còn cao tốc đang thi công thì không được chậm trễ”.
Ngoài những cá nhân gương mẫu như ông Thuận, ông Hoàn thì toàn bộ 41 hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc Bắc - Nam ở xã Vĩnh Hà, Vĩnh Khê (huyện Vĩnh Linh) cũng đều đồng thuận cao với chủ trương lớn của đất nước. “Bà con không ai gây khó khăn, nhưng ngặt nỗi cứ phải đòi anh em cán bộ chúng tôi đến tận nhà, uống với nhau ly rượu nghĩa, nói với nhau câu chuyện vui...thì mới xong việc”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh vui vẻ nói.
Bước qua lời nguyền “rừng ma”
Đối với quan niệm của đồng bào Vân Kiều ở miền núi Quảng Trị, “rừng ma” - nơi chôn cất người chết - là lãnh địa bất khả xâm phạm. Họ thậm chí còn đánh đổi cả sinh mệnh để giữ “rừng ma” và đặt ra nhiều hình phạt khủng khiếp cho những ai dám đụng đến khu rừng cấm. Trong truyền thống của người Vân Kiều cũng không có việc vào “rừng ma” bốc mộ để đi chôn nơi khác nên thông tin tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đi xuyên giữa “rừng ma” của người dân xã Linh Trường (huyện Gio Linh) thực sự làm bà con hốt hoảng.
Cụ thể, tuyến đường cao tốc Bắc - Nam ảnh hưởng đến 51 ngôi mộ của 18 gia đình thuộc 11 dòng họ trong “rừng ma” ở thôn Bến Hà. Và câu chuyện về đường cao tốc Bắc - Nam “tắc” ở khu “rừng ma” ở xã Linh Trường sớm trở thành điểm nóng về GPMB với dự án quốc gia này.Tất nhiên, Huyện ủy và UBND huyện Gio Linh không thể đứng ngoài cuộc bởi nếu mặt bằng “tắc” ở địa phương nào thì gắn với trách nhiệm của người đứng đầu ở địa phương đó.
Nhiều đoàn công tác của Huyện ủy, UBND Gio Linh đã đến Linh Trường, rồi cuối cùng, chính quyền cũng sắp xếp được một cuộc gặp với toàn thể già làng, trưởng bản và người đứng đầu các họ tộc lớn để uống với đồng bào ly rượu, nói cho đồng bào nghe và tìm được sự sẻ chia trong công tác GPMB. Cuộc rượu đó không làm cho ai say nhưng đã đi đến quyết định thống nhất là bà con ở thôn Bến Hà chấp nhận di dời 51 ngôi mộ vừa cất bốc từ “rừng ma” để GPMB làm đường cao tốc.
Bây giờ ở Bến Hà có khu “rừng ma” mới, được chính quyền quy hoạch thông thoáng và san gạt mặt bằng tươm tất, khác rất nhiều khu “rừng ma” thâm u thuở trước. Vậy nên, ông Hồ Văn Truyền, Chủ tịch UBND xã Linh Trường nói rằng làm được điều này thực sự là một cuộc “cách mạng” đối với dân bản, họ đã từ bỏ hủ tục, đã bước qua lời nguyền, từ bỏ những nỗi sợ mơ hồ để có cuộc sống văn minh...
Giữ lời hứa với đồng bào
Cùng với công tác GPMB, thi công đường cao tốc Bắc-Nam, chính quyền địa phương cũng khẩn trương bắt tay vào việc xây dựng những khu tái định cư nhằm giúp người dân sớm ổn định lại đời sống. Trong đó, khu tái định cư xã Vĩnh Khê (huyện Vĩnh Linh) nằm bên đường Hồ Chí Minh cũng đã thành hình. Gặp phóng viên trong ngôi nhà đang xây dựng dang dở của mình, ông Hồ Văn Quý (41 tuổi) trú thôn Mới, xã Vĩnh Khê khoe rằng: “Nhà mình chắc khoảng hơn tháng nữa là xong”.
Ông Quý có vợ là bà Hồ Thị Thành (37 tuổi) và 2 đứa con, bị thu hồi nhà cửa, vườn tược vì dự án đường cao tốc Bắc - Nam đi qua. Đổi lại ông được nhà nước bồi thường 2 tỉ đồng và một suất đất tái định cư. “Có tiền, tôi mua mảnh đất tái định cư hết 209 triệu đồng, mua thêm 1,5 ha rừng giá 600 triệu đồng để sau này có kế sinh nhai. Xây nhà dự kiến mất khoảng 600- 700 triệu, còn lại thì để nuôi con...”, ông Quý nhẩm tính.Được biết, trong khu tái định cư này sẽ có 38 hộ dân được bố trí vào ở. Họ sẽ bắt đầu một cuộc sống mới, trong một mái ấm mới với số tiền mà nhà nước đã bồi thường tương xứng giá trị những tài sản mà họ phải chấp nhận phá bỏ để ủng hộ cho dự án của quốc gia. Cũng trong khu tái định cư này, ngoài làm đường, phân lô vuông vức, chính quyền còn lắp đặt hệ thống điện nước, xây điểm trường mầm non...
“Tinh thần chúng tôi đã nói với bà con từ đầu, nơi bà con đến ở mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Bà con đã giữ lời hứa đảm bảo GPMB thì chúng tôi cũng giữ lời hứa với bà con”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)