Thay đổi tư duy, đổi mới sáng tạo trong công tác phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị luôn là mục tiêu, đồng thời là thách thức đối với ngành tuyên giáo. Dám nghĩ, dám làm, sáng tạo trong thực tế của Quảng Trị gợi mở hướng đi mới, hiệu quả trong giảng dạy và học tập lý luận chính trị, bắt kịp xu hướng và tận dụng lợi thế của quá trình chuyển đổi số trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Bài 1: Chuyển đổi từ tư duy, nhận thức
Lý thuyết và thực tiễn về chuyển đổi số đều ghi nhận việc thay đổi tư duy, nhận thức là yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất. Giảng dạy, học tập lý luận chính trị vốn được mặc định là “khó, khô, khổ” nên “tảng đá” tư duy, nhận thức càng khó dịch chuyển.
“Mở đường” trong chuyển đổi số
“Chuyển đổi số trong ngành tuyên giáo là công việc khó, chưa có nhiều mô hình để nghiên cứu, học tập nhưng không thể chậm trễ, và từng người làm công tác tuyên giáo trước hết phải là công dân số”, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Trị Hồ Đại Nam luôn nhấn mạnh điều này trong tất cả các hoạt động của đơn vị. Từ việc đánh giá thực trạng đội ngũ, năng lực thiết bị, xác định các mục tiêu hệ sinh thái số ngành tuyên giáo cần hướng đến, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi số với các mục tiêu và giải pháp cụ thể.
Quảng Trị có diện tích không lớn, dân số không đông, kinh tế địa phương chưa đủ cân đối thu - chi, có tâm lý cho rằng chưa cần vội chuyển đổi số. “Tư tưởng không thông, đeo bình tông cũng nặng”, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Trị xác định cần thông suốt từ nhận thức. Nhiều chuyên gia đầu ngành công nghệ thông tin từ Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Viettel... được mời về trao đổi, nói chuyện chuyên đề với cán bộ, đảng viên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 52- NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời đưa các nội dung phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh vào các văn kiện đại hội đảng bộ các cấp...
Chọn điểm khởi đầu đột phá là chuyển đổi số trong công tác chuyên môn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy coi đây là giải pháp quan trọng đổi mới phương thức, lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả công tác, là công cụ tăng cường kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin, dữ liệu trong nội bộ đơn vị, nội bộ ngành tuyên giáo với các cơ quan đơn vị trong khối đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội.
Không nói suông, ngành tuyên giáo “mở đường” chuyển đổi số ở cả ba cấp độ là số hóa, khai thác cơ hội số và chuyển đổi số toàn diện, tổng thể, đồng bộ. Tất cả các văn bản, dữ liệu, tài liệu đều được “số hóa”, sắp xếp ngăn nắp các tệp trong kho tài liệu số. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy áp dụng việc đa dạng hóa các hình thức khai thác, phổ biến, lưu trữ tài liệu tuyên truyền trên nền tảng internet, icloud và các ứng dụng công nghệ số. Thực hiện các chương trình, quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã nghiên cứu đẩy mạnh các ứng dụng trực tuyến, đưa các tài liệu, văn bản không “mật” lên nền tảng internet và tuân thủ các nguyên tắc bảo mật theo quy định.
Quảng Trị đã đầu tư đường truyền phục vụ hội nghị trực tuyến từ cấp huyện đến cấp xã và phát huy hiệu quả trong thời gian phòng, chống COVID-19. Tại các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp xã, đã có 1.923 trang facebook, fanpage, youtube..., hơn 200 nhóm (group) để tuyên truyền, chia sẻ thông tin tích cực, định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức tập huấn trao đổi kinh nghiệm lập và quản trị các trang facebook, các nhóm zalo, về tuyên truyền, định hướng dư luận trên không gian mạng cho Ban Tuyên huấn tỉnh Salavan (Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào), đồng thời duy trì trao đổi thông tin thường xuyên giữa hai đơn vị qua mạng xã hội.
Báo Quảng Trị, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Tạp chí Cửa Việt đều cơ cấu lại tổ chức bộ máy và hoạt động theo hướng tinh gọn, với mô hình tòa soạn hội tụ, ứng dụng công nghệ làm báo hiện đại để đưa thông tin lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông, thay đổi cách tiếp cận phù hợp, hướng đến đối tượng khán giả, độc giả trên mạng xã hội.
Những bước đi mạnh dạn, quyết liệt, từ tư duy các đồng chí lãnh đạo đã “truyền lửa” thay đổi nhận thức, sát sao tạo ra các hành động thực sự “mở đường”...
Áp lực khi là người “đi trước”
“Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà Đảng ta đã chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định phải “Khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”. Những câu chữ này luôn là trăn trở đối với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Trị. Trong các cuộc họp, những câu chuyện trao đổi hằng ngày, lãnh đạo Ban đau đáu, từng thành viên trong Ban sôi nổi bàn thảo.
Dù đã có những kết quả bước đầu trong chuyển đổi số, nhưng có quá nhiều câu hỏi trong thực tiễn cần phải trả lời khi xác định chuyển đổi số để “cách mạng hoá” công tác bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên. Chuyển đổi số trong các cơ quan đảng chưa thực sự mạnh, hạ tầng công nghệ thông tin có đáp ứng việc “chuyển đổi số” trong phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị không? Kiến thức lý luận chính trị khi được “số hóa” nghĩa là phổ biến với tất thảy cộng đồng sử dụng mạng xã hội, cần phải bảo đảm những yêu cầu gì? Giảng dạy, học tập lý luận chính trị trên nền tảng internet thì phải quản lý, đánh giá học viên như thế nào? Không có giảng viên đứng lớp, không có bạn học, học viên thiếu sự tương tác có thiếu động lực học tập? Làm sao bảo đảm thời gian học tập của học viên khi không trực tiếp đến lớp?...
Dẫn từ nghị quyết, Văn kiện Đại hội XIII đề ra yêu cầu đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn. Về phương pháp giáo dục, cần chú ý đổi mới theo hướng lấy người học làm trung tâm, kết hợp các phương pháp giảng dạy truyền thống với hiện đại, tích hợp công nghệ tiên tiến.
Soi vào thực tiễn, từng câu hỏi được nêu ra và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đều phải tìm ra câu trả lời. Không thể nhớ đã có bao nhiêu cuộc thảo luận, gặp gỡ giữa lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với các chuyên gia, nhà quản lý, các đơn vị tư vấn; bao nhiêu cuộc họp với những ý kiến tranh luận sôi nổi của các thành viên trong ban. “Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số... phải thay đổi cách làm việc, cách sống... thực hiện quyết liệt chuyển đổi số”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2021- 2030 được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng đã xác định như vậy. Nghị quyết phải đi vào cuộc sống, không thể vì khó mà không làm.
Để tạo được sự tươi mới trong phát triển lý luận kịp với sự vận động và đòi hỏi của thực tiễn, chính việc học tập lý luận chính trị càng phải có bước đột phá từ chuyển đổi số. Tinh thần đó đã được trao truyền, lan tỏa từ đồng chí trưởng ban đến từng thành viên. Trăn trở, tìm tòi, từ tư duy, nhận thức đến những giải pháp cụ thể được thực thi trong thực tiễn, các câu hỏi lần lượt đã có lời giải.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)
Bài 2: Nghĩ xa, bàn kỹ, hành động nhanh