Đà Nẵng: Nhiều lái xe khai báo gian dối, tắt điện thoại, trốn tránh cách ly

Quốc Dũng - Thanh Tuấn |

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng vào chiều 1/10, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã yêu cầu các sở ngành, địa phương khẩn trương rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp lái xe cố tình khai báo gian dối, không chấp hành các biện pháp kiểm soát dịch bệnh khi vào thành phố.


Theo báo cáo của Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng Lê Văn Trung, từ ngày 10 - 30/9, hơn 61.600 lượt phương tiện/83.493 người vào thành phố. Lực lượng chức năng đã kiểm tra, hậu kiểm tổng cộng 1.716 phương tiện, qua đó phát hiện nhiều lỗi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch của thành phố.

Cụ thể, lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm đối với 79 phương tiện/108 người vì vào thành phố quá 12 giờ nhưng không cách ly theo quy định; phát hiện 18 lái xe thực hiện 3 tại chỗ ở công ty nhưng chưa đúng quy định; buộc cách ly tập trung theo quy định đối với 21 lái xe tự ý lái xe về nhà; đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam thu hồi giấy nhận diện luồng xanh với 7 phương tiện/10 lái xe dùng xe luồng xanh để lưu thông trong nội thành. Đặc biệt, qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 527 phương tiện không có thiết bị giám sát hành trình. Hiện lực lượng chức năng không thể liên hệ được với 631 lái xe của các phương tiện này.

Đường phố Đà Nẵng không còn chốt kiểm soát, người dân ra đường nhiều hơn trước. Ảnh minh họa: Văn Dũng/TTXVN
Đường phố Đà Nẵng không còn chốt kiểm soát, người dân ra đường nhiều hơn trước. Ảnh minh họa: Văn Dũng/TTXVN

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng, nhiều lái xe đã khai báo gian dối, tắt điện thoại và về nơi cư trú, trốn tránh thực hiện cách ly. Thành phố đã có quy định cụ thể, nếu xe vào thành phố để vận chuyển hàng hóa và rời đi trong 12 giờ, lái xe phải ở yên trên xe; còn nếu quá 12 giờ, lái xe phải thực hiện cách ly theo quy định. Nhưng nhiều lái xe, người trên phương tiện cố tình tìm nhiều cách để “lách luật”, trốn tránh nên công tác kiểm tra, kiểm soát rất khó khăn.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam cho rằng, thời gian qua, các chốt kiểm soát chỉ siết chặt việc kiểm tra xe vào thành phố, không kiểm tra xe ra nên sẽ rất khó phát hiện nếu lái xe ở lại thành phố quá thời hạn cho phép mà không thực hiện cách ly theo quy định. Ông Lê Quang Nam đề xuất phải kiểm tra chặt chẽ phương tiện ra, vào thành phố; đồng thời, có phương án kiểm soát lái xe, phụ xe để tránh việc trốn cách ly, đi lại trong thành phố gây nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đồng ý với đề xuất thành lập Trung tâm Kiểm soát, xử lý phương tiện ra vào thành phố (do Công an thành phố Đà Nẵng chủ trì). Đồng thời, các quận, huyện, phường, xã cũng cần thành lập các tổ kiểm soát để thực hiện việc kiểm tra, giám sát, báo cáo.

Chủ tịch Lê Trung Chinh cho rằng cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để các tài xế, phụ xe nắm được các quy định khi ra, vào thành phố, có thể qua việc phát tờ rơi hướng dẫn cụ thể các quy định, mức phạt. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố sớm nghiên cứu, tích hợp việc kiểm soát lái xe ra, vào thành phố vào các ứng dụng kiểm soát dịch bệnh hiện có của Đà Nẵng. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành liên quan sớm tham mưu, soạn thảo văn bản hướng dẫn hoàn thiện để triển khai thực tế sớm nhất có thể.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng, từ 13 giờ ngày 30/9 đến 13 giờ ngày 1/10, toàn thành phố ghi nhận thêm 2 ca mắc COVID-19, trong đó có 1 ca cộng đồng. Ca cộng đồng trên là bệnh nhân N.T.T (trú K223 Trường Chinh, phường An Khê, quận Thanh Khê), là lái xe chở hàng tuyến Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh, qua chốt vào thành phố ngày 26/9, được test nhanh âm tính với SARS-CoV-2. Ngày 30/9, bệnh nhân tự đến phòng khám xét nghiệm để tiếp tục lái xe, đã phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.

59 ca đã khỏi bệnh và không có ca tử vong. Từ 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 4.668 ca mắc COVID-19.

* Ngày 1/10, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Nam đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng đối với trường hợp đăng thông tin sai sự thật về dịch COVID-19 trên mạng xã hội.

Lực lượng chức năng làm việc vơi anh C.Q.T về việc đăng thông tin sai sự thật về dịch COVID-19 trên mạng xã hội. Ảnh: TTXVN phát
Lực lượng chức năng làm việc vơi anh C.Q.T về việc đăng thông tin sai sự thật về dịch COVID-19 trên mạng xã hội. Ảnh: TTXVN phát


Trước đó, ngày 30/9, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Hà Nam phát hiện tài khoản Facebook của anh C.Q.T (sinh năm 1995, ở xã An Lão, huyện Bình Lục) đăng thông tin sai sự thật liên quan đến tình hình dịch COVID-19.

Tại cơ quan chức năng, anh C.Q.T đã thừa nhận việc đăng thông tin của mình về tình hình dịch COVID-19 trên mạng xã hội Facebook là sai sự thật và tự giác gỡ bỏ thông tin, cam kết không tái phạm.

 (Nguồn: TTXVN)

TAGS

Người dân cần điều kiện gì nếu muốn vào thành phố Đà Nẵng?

Võ Văn Dũng |

Để được phép vào thành phố Đà Nẵng, người dân phải đến hoặc về từ các khu vực không có ca mắc trong cộng đồng trong vòng 14 ngày; không phải là khu vực cách ly, phong tỏa.

Hình ảnh Đà Nẵng trong ngày đầu tiên nới lỏng một số hoạt động

PV |

Từ 0 giờ ngày 30/9, Đà Nẵng cho phép một số lĩnh vực được mở cửa trở lại với những quy định cụ thể kèm theo như cắt tóc, hội họp, hoạt động tín ngưỡng, tập thể dục, thể thao, tắm biển...

Đà Nẵng cho phép 10 lĩnh vực hoạt động trở lại từ 0 giờ ngày 30/9

Trần Lê Lâm |

Đà Nẵng cho phép mở cửa trở lại đối với một số lĩnh vực như cắt tóc, hội họp, hoạt động tín ngưỡng, tập thể dục, thể thao, tắm biển...với điều kiện tuân thủ quy định phòng dịch.

Đà Nẵng chuyển sang trạng thái “bình thường mới” từ 0 giờ ngày 30/9

Trần Lê Lâm |

Phát biểu chỉ đạo chiều 28/9, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các địa phương trong thời điểm này cần tập trung, không được lơ là, chủ quan vì nguồn lây bệnh COVID-19 vẫn còn.