Ngày 13/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị bày tỏ sự đồng thuận với việc Chính phủ đề xuất nghị quyết thí điểm thực hiện các dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đất đang có quyền sử dụng.
Theo đại biểu, đây là một chính sách rất nhân văn và thực tế. Hiện nay, nhu cầu phát triển nhà ở đô thị và các dự án thương mại rất lớn, nhất là ở những thành phố lớn, các khu công nghiệp..., nơi mà nhu cầu về đất đai cho phát triển nhà ở thương mại là hết sức cấp thiết.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng chia sẻ quan điểm về một số khía cạnh của dự thảo nghị quyết, đồng thời nêu lên những khó khăn và đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện hơn.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng đồng tình với nhận định: Trong bối cảnh nhu cầu về nhà ở thương mại tăng cao, chúng ta cần một cơ chế linh hoạt để thúc đẩy phát triển dự án. Dự thảo nghị quyết sẽ là một công cụ bổ sung bên cạnh Luật Đất đai, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư cũng như các địa phương khi triển khai các dự án nhà ở thương mại.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ về hiệu quả sử dụng quỹ đất dành cho nhà ở thương mại hiện tại, tránh tình trạng đất đai bị sử dụng không hiệu quả, lợi dụng chính sách nhân văn này để “trục lợi”, đồng thời hạn chế tối đa hiện tượng đầu cơ và “tích tụ” đất đai, gây ảnh hưởng tiêu cực tới giá bất động sản.
Theo đại biểu, dự thảo hiện tại về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu pháp lý nhưng trung ương vẫn cần quan tâm bổ sung, nhất là trong việc đảm bảo an toàn cho thị trường bất động sản, tránh hiện tượng đầu cơ đất đai, trục lợi từ dự án và đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường. Điều này rất quan trọng để bảo vệ quyền lợi người dân và nhà đầu tư, tạo ra một thị trường bất động sản lành mạnh và bền vững.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng đồng tình với ý kiến nên thí điểm trên toàn quốc để đảm bảo sự công bằng giữa các địa phương và tránh cơ chế “xin - cho”. Tuy nhiên, một số địa phương đã báo cáo không gặp vướng mắc trong việc thực hiện dự án nhà ở thương mại, do vậy đề xuất triển khai thí điểm ở một số địa phương có nhu cầu lớn về nhà ở thương mại và những địa phương đang gặp khó khăn trong việc triển khai theo quy định hiện hành, sau đó tổng kết, đánh giá và mở rộng áp dụng cho các địa phương khác.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, vấn đề đáng quan tâm là các quy định liên quan đến đất nông nghiệp, nhất là đất chuyên canh lúa và đất rừng; hoàn toàn đồng ý với đề xuất về việc thận trọng trong việc điều chỉnh các loại đất này, đồng thời đảm bảo duy trì diện tích đất lúa ổn định 3,5 triệu ha và tỉ lệ che phủ rừng 42%. Đây là những điều kiện quan trọng để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và an ninh lương thực quốc gia.
Đại biểu ủng hộ việc ban hành nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của nghị quyết, đề nghị ban soạn thảo cần có sự rà soát kỹ lưỡng, bổ sung quy định cụ thể và chi tiết để tránh xung đột với các quy định hiện hành, đặc biệt là về quyền sử dụng đất (Luật đất đai 2024) và bảo vệ tài nguyên đất đai, an ninh lương thực, và môi trường.
Đối với chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án:
Thứ nhất, cần phải phát triển chính sách thu hút vốn đầu tư đặc thù. Với tổng mức đầu tư lớn, dự án rất cần một cơ chế linh hoạt và đặc thù, bao gồm cả việc kêu gọi nguồn vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế, vốn vay ưu đãi, hoặc huy động trái phiếu trong nước để giảm áp lực cho ngân sách.
Thứ hai, cần phân chia dự án thành nhiều giai đoạn. Việc phân nhỏ các thành phần đầu tư theo giai đoạn không chỉ giúp giám sát kỹ càng hơn mà còn tạo điều kiện phân bổ nguồn lực hợp lý, tránh lãng phí các nguồn lực và phù hợp với năng lực tài chính của từng thời kỳ của nước ta.
Thứ ba, cần xây dựng nguồn nhân lực chuyên nghiệp và công nghệ hiện đại. Việc chuyển giao công nghệ là cần thiết để đảm bảo Việt Nam có thể tự vận hành, bảo trì tuyến đường sắt sau khi hoàn thành. Chúng ta cần đào tạo nhân lực kỹ thuật chất lượng cao và hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để đảm bảo dự án vận hành hiệu quả.
Đại biểu cũng đã chỉ ra những khó khăn và bất cập hiện tại mà trung ương cần phải xem xét:
Thứ nhất, nguồn vốn lớn và rủi ro về nợ công. Với chi phí đầu tư lên đến hơn 67 tỉ USD, một trong những thách thức lớn nhất là đảm bảo nguồn vốn ổn định mà không làm gia tăng gánh nặng nợ công. Việc huy động vốn từ các nguồn ngoài ngân sách đòi hỏi chính sách minh bạch và quản lý chặt chẽ để tránh rủi ro tài chính lâu dài. Đây là nội dung quan trọng nhất đảm bảo sự “thành hay bại” của dự án và hướng đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Vấn đề về nguồn vốn và rủi ro phải trả nợ là một áp lực lớn đối với Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Để đảm bảo tính khả thi của dự án, trung ương cần có những giải pháp minh bạch, quản lý chặt chẽ và kiểm soát nguy cơ rủi ro về tài chính dài hạn. Việc đa dạng hóa nguồn vốn, huy động trái phiếu, quản lý vốn hiệu quả và có các chính sách bảo vệ tài chính quốc gia là cần thiết để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến ngân sách và nợ công quốc gia.
Thứ hai, rủi ro về công nghệ và chi phí vận hành. Việt Nam chưa có kinh nghiệm về đường sắt tốc độ cao (là lần đầu tiên), nên sẽ phát sinh rủi ro trong việc vận hành và bảo trì. Đây là một lĩnh vực mới, đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và chi phí bảo dưỡng cao. Chúng ta cần dự trù ngân sách và kế hoạch bảo trì dài hạn để đảm bảo tính bền vững.
Thứ ba, ảnh hưởng đến môi trường và giải phóng mặt bằng. Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827 ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 3.655 ha; đất lâm nghiệp khoảng 2.567 ha; các loại đất khác khoảng 4.605 ha và cần di dân tái định cư khoảng 30.209 hộ dân. Việc giải phóng mặt bằng và bảo vệ môi trường sinh thái đòi hỏi quy trình khoa học và sự đồng thuận cao từ cộng đồng. Đây là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, đòi hỏi trung ương đến địa phương phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.
Đại biểu nhất trí cao việc trung ương cho đến 19 cơ chế, chính sách đặc thù riêng đối với dự án này, bao gồm cả điều chỉnh quy mô đất đai và thủ tục hành động chính để đảm bảo tiến trình. Tuy nhiên, theo đại biểu, khi áp dụng các cơ chế đặc thù này trung ương cần quán triệt chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể và có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để đạt hiệu quả tốt nhất và tránh tiêu cực, lãng phí trong quá trình thực hiện.
Đại biểu đồng tình với trung ương về việc thành lập ban chỉ đạo quản lý dự án chuyên biệt. Ban chỉ đạo này sẽ chịu trách nhiệm theo dõi và giám sát tiến độ dự án, đảm bảo minh bạch trong quy trình đấu thầu, phân bổ ngân sách và giám sát công nghệ để đảm bảo chất lượng công trình.
Đại biểu cũng cho rằng, cần phải giảm thiểu tác động tiêu cực đến dân cư và môi trường. Cần tiến hành khảo sát và đánh giá tác động môi trường đầy đủ, song song với việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu như đền bù công bằng và tái định cư hợp lý, tránh để các hộ dân bị thiệt thòi.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng khẳng định, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chỉ là biểu tượng cho sự phát triển của hạ tầng giao thông mà còn thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong hội nhập quốc tế và hướng tới sự phát triển bền vững. Dự án đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, sự đồng thuận từ Quốc hội và sự tham gia của các nguồn lực xã hội.
Đại biểu thống nhất cao với dự án và mong rằng dự án sớm được triển khai thành công, mang lại lợi ích lớn trên nhiều mặt cho đất nước.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)