Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 24/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về một số nội dung mới hoặc còn có nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị, Đại tá Nguyễn Hữu Đàn cho rằng: Dự thảo Luật có đến 7 điều giao Chính phủ và một số bộ, ngành quy định chi tiết đối với một số nội dung, lĩnh vực liên quan có thể dẫn đến tiêu cực và lợi ích nhóm và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu các quy định đã ban hành, hướng dẫn thực hiện của các luật và quy định có liên quan để kế thừa đưa trực tiếp vào dự thảo luật lần này. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học trên lĩnh vực liên quan để luật ban hành có quy định chi tiết, cụ thể, phù hợp, hạn chế văn bản thi hành dưới luật.
Về quy định bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom tại Điều 67, theo đại biểu, mặc dù đã giao Bộ Công an ban hành quy chuẩn kỹ thuật kho bảo quản vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng nhưng vẫn còn vướng mắc bởi đây là quy định không mới nhưng rất khó triển khai thực hiện. Đặc biệt là đối với các đơn vị như công an cấp huyện vì liên quan đến kinh phí cần phải có quy định về bố trí kho bảo quản tại địa điểm trong khuôn viên đơn vị cấp huyện để đảm bảo an toàn và phòng chống cháy nổ và việc quy định vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã tiếp nhận, thu gom không được bảo quản chung trong kho vũ khí, khí tài, kho tài liệu, kho vật tư của đơn vị vì sẽ mâu thuẫn với việc thực hiện bảo quản vật chứng vụ án là vũ khí quân dụng, chất nổ, chất cháy.
Vì theo quy định hiện nay, vũ khí quân dụng, chất nổ, chất cháy là vật chứng vụ án được niêm phong và gửi tại kho vũ khí, trang bị kỹ thuật thuộc Bộ CHQS cấp tỉnh nơi cơ quan thụ lý vụ án có trụ sở.
Các loại vật chứng vụ án là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ ngay sau khi thu giữ, phải xác định khối lượng, trọng lượng và lấy mẫu gửi giám định; cơ quan thụ lý vụ án phải thực hiện việc niêm phong và gửi vào kho vật chứng thuộc Bộ CHQS cấp tỉnh nơi cơ quan thụ lý vụ án để bảo quản. Các kho vật chứng của cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án dân sự không được phép giữ, bảo quản các loại vật chứng là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.
Tuy nhiên, trên thực tế đến nay, Bộ CHQS tỉnh vẫn chưa có kho chuyên dụng để bảo quản loại vật chứng trên mặc dù cơ quan điều tra đã phối hợp với Viện Kiểm sát khẩn trương xử lý vật chứng thuộc loại này nhưng trong thời gian chờ kết luận giám định (trong vòng 9 ngày theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự) và thống nhất bằng văn bản, trao đổi, thống nhất thời gian, lực lượng, phương tiện để xử lý thì số vật chứng này được bảo quản tại cơ quan thụ lý vụ án làm tăng nguy cơ xảy ra cháy nổ, đe dọa tính mạng, sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ và trụ sở làm việc. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp thu sửa đổi quy định trên để thuận tiện khi áp dụng luật này trong thực tiễn.
Về quy định thủ tục cấp giấy phép sử dụng vũ khí thể thao. Trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sử dụng vũ khí thể thao phải có văn bản đề nghị, trong đó có nội dung là “số giấy phép trang bị vũ khí thể thao”. Như vậy, tổ chức, doanh nghiệp đã có giấy phép trang bị vũ khí thể thao phải tiếp tục thực hiện thủ tục để được sử dụng vũ khí thể thao đã được trang bị.
Biện pháp quản lý này dường như là quá mức cần thiết, tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thể thao. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thể thao xin cấp phép trang bị vũ khí thể thao đương nhiên sẽ phải sử dụng vũ khí thể thao này. Doanh nghiệp phải thực hiện hai thủ tục liền kề nhau, trong khi hồ sơ xin phép có nhiều điểm chồng lấn và cùng thực hiện ở một cơ quan cấp phép sẽ khiến cho doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục, gia tăng về chi phí tuân thủ. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu có quy định phù hợp.
Đồng thời, đại biểu cũng phản ánh vướng mắc trong quá trình điều tra vụ án liên quan đến vật liệu nổ có vật chứng là kíp nổ, dựa theo số lượng kíp nổ thu được để định khung hình phạt. Căn cứ Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐTP ngày 9/9/2022 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 Bộ Luật Hình sự quy định tại Điều 4 về một số tình tiết định khung hình phạt chỉ có khái niệm về kíp mìn không có khái niệm về kíp nổ. Quá trình trưng cầu giám định phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh chỉ kết luận về tính năng, tác dụng của kíp nổ, không kết luận kíp nổ và kíp mìn có giống nhau không, gây khó khăn trong công tác điều tra.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)