Để kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, chất lượng!

Hoài Nam |

Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020 (ngày 3/8/2020), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 theo một số phương án cụ thể. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT trên cả nước vẫn được diễn ra trong 2 ngày 9, 10/8/2020 dành cho những thí sinh không thuộc trường hợp phải cách ly. Riêng TP.Đà Nẵng và các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Nam (bao gồm TP.Hội An, thị xã Điện Bàn, huyện Đại Lộc, huyện Quế Sơn, huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình) đang thực hiện cách ly xã hội sẽ lùi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vào thời điểm thích hợp do địa phương đề xuất, khi COVID-19 được kiểm soát, bảo đảm an toàn cho công tác tổ chức thi. Các thí sinh thuộc nhóm F1, F2 ở các địa phương khác nhau sẽ tham gia thi vào đợt 2 cùng với thí sinh Đà Nẵng, Quảng Nam.

Sau 13 năm thi “ba chung” và 5 năm thi THPT quốc gia, năm nay Việt Nam quay về với thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, dù thay đổi thế nào thì về bản chất, đây vẫn là một kỳ thi quan trọng, khiến không chỉ phụ huynh, học sinh mà cả xã hội đều quan tâm và có chung nỗi lo. Ngay khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT về Quy chế thi tốt nghiệp THPT đã có những ý kiến trái chiều, thể hiện những băn khoăn, lo lắng khác nhau về hình thức tổ chức kỳ thi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quy chế quy định mỗi tỉnh sẽ tổ chức một hội đồng thi, do sở GD&ĐT tỉnh đó chủ trì. Giám đốc sở GD&ĐT có thẩm quyền quyết định thành lập hội đồng thi bao gồm giám đốc và phó giám đốc sở GD&ĐT, các phòng, ban trực thuộc sở, hiệu trưởng, giáo viên các trường phổ thông tại địa phương. Một trong những điểm đáng chú ý nhất của quy chế này là các cơ sở đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm nay hoàn toàn “đứng ngoài”, không tham gia coi thi, chấm thi. Trong khi đó, ở kỳ thi trước đây, việc các trường ĐH, CĐ tham gia sâu vào quá trình coi thi, chấm thi được coi là một trong những giải pháp mạnh được Bộ GD&ĐT sử dụng để ngăn chặn tiêu cực. Do đó, nhiều người đặt câu hỏi quy định này liệu có đảm bảo sự công bằng, khách quan cho kỳ thi hay không? Nỗi lo này không phải không có cơ sở khi tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, một số địa phương đã làm giảm sút niềm tin của xã hội mà dư âm đến nay vẫn còn. Nguyên nhân, hậu quả của sự gian lận trong kỳ thi năm đó đã được nghiêm túc xác định; trách nhiệm cá nhân, tập thể được làm rõ; nhiều cán bộ của các ngành GD&ĐT, công an phải nhận bản án nghiêm khắc của pháp luật. Nhờ sự quyết liệt đó mà kỳ thi THPT quốc gia 2019 thành công, sự nghiêm túc, trung thực, khách quan và công bằng được lập lại.

Tuy nhiên, với một số người khác, đây là mô hình thi phù hợp, bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng mục tiêu của kỳ thi. Việc Bộ GD&ĐT giao trách nhiệm chính cho địa phương sẽ giúp tiết kiệm được nhiều mặt về kinh phí, thời gian. Năm nay, rất nhiều trường đại học, thậm chí những trường tốp đầu đều thông báo sẽ lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh, việc này thuận tiện cho các trường đại học vì không phải tự tổ chức thêm một kỳ thi nữa. Ngoài ra, với quy định trên, các tỉnh hoàn toàn chủ động trong việc chỉ đạo, tổ chức tất cả các khâu, các bước của kỳ thi; từ việc điều động cán bộ, giáo viên tham gia công tác coi thi, chấm thi đến thanh tra, giám sát, phúc khảo bài thi.

Thực ra, việc cử giảng viên đại học về địa phương coi thi xuất phát từ nỗi e ngại, nghi ngờ năng lực tổ chức kỳ thi minh bạch, khách quan, chính xác của các địa phương. Đây tuy được xem là giải pháp hạn chế tiêu cực trong thi cử, nhưng lại gây nhiều khó khăn, vất vả cho người trong cuộc. Vậy năm nay, khi trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương, nỗi e ngại trên sẽ được hóa giải ra sao? Trên thực tế, kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ đơn thuần là để xét công nhận tốt nghiệp THPT mà còn nhằm đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên cấp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp cũng có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh. Vì thế, dù kỳ thi được tổ chức dưới bất cứ hình thức nào thì tất cả đều hướng đến một mục tiêu chung đó là đảm bảo sự công bằng, khách quan và chất lượng. Tuy không huy động lực lượng từ các trường ĐH, CĐ tham gia coi thi, chấm thi, nhưng Bộ GD&ĐT huy động lực lượng hơn 6.000 cán bộ, giảng viên đại học tham gia công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. Ngoài ra còn có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ và thanh tra cấp tỉnh.

Vấn đề đặt ra ở đây là khi địa phương được giao hoàn toàn trách nhiệm trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thì phải làm gì để đảm bảo một kỳ thi chất lượng, an toàn, công bằng như kỳ vọng của xã hội? Làm sao để vừa “giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực”; đồng thời “làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”. Theo chúng tôi, ngành GD&ĐT của mỗi địa phương phải phát huy hết năng lực, trách nhiệm của mình để hạn chế tối đa những sai sót có thể xảy ra; có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng để lên phương án, tình huống cụ thể phục vụ tốt nhất cho kỳ thi. Đặc biệt, phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong tất cả các khâu của kỳ thi, theo hướng chặt chẽ, rõ việc, rõ người, rõ thời gian. Yếu tố con người vẫn được xem là yếu tố quyết định chất lượng mọi công việc. Do vậy, phải lựa chọn, bố trí nhân sự tham gia tổ chức thi là những cán bộ có đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm cao, nắm vững chuyên môn, thành thạo nghiệp vụ để thực hiện đúng quy chế thi, không lúng túng khi xử lý các tình huống bất ngờ.

Cùng với học sinh cả nước, gần 8.000 học sinh THPT Quảng Trị sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT vào ngày 9/8. Vẫn biết trong tình hình dịch bệnh chung hiện nay, thí sinh và phụ huynh thấp thỏm nhiều nỗi lo âu khác bên cạnh nỗi lo thi cử. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ càng, sự sẵn sàng cao của ngành GD&ĐT, các lực lượng chức năng; với tâm thế chủ động trong mọi giai đoạn ôn luyện; sự quan tâm đặc biệt từ thầy cô và gia đình, tin rằng các em sẽ vững vàng “vượt vũ môn” và gặt hái thành tích tốt trong kỳ thi quan trọng này. Hy vọng, việc tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trong bối cảnh khó khăn như hiện nay sẽ tiếp tục tạo niềm tin trong Nhân dân về chất lượng, hiệu quả của kỳ thi cũng như tính thực chất của việc dạy và học.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Sáng 7/8, Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca mắc mới COVID-19 tại Quảng Trị, Thanh Hoá, Đà Nẵng

Tạ Nguyên |

Tính đến 6 giờ ngày 7/8, Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 750 ca.

Khởi tố lái xe trong vụ tai nạn làm 15 người tử vong ở Quảng Bình

Lê Phi Long |

Ngày 6.8 Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, đã quyết định khởi tố lái xe gây ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại Phong Nha - Kẻ Bàng khiến 15 người tử vong.

Việt Nam ghi nhận trường hợp thứ 9 tử vong liên quan COVID-19

Thùy Giang |

Bệnh nhân 651 (BN 651): nữ, 67 tuổi, quê quán: Duy Xuyên, Quảng Nam, có tiền sử suy thận mạn tính, Lupus ban đỏ, đái tháo đường type 2, nhiễm nấm máu.

Công bố quyết định ông Lê Quang Tùng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị

Hưng Thơ |

Ông Lê Quang Tùng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị nhiệm kỳ 2015-2020.