Các dự án điện mặt trời mái nhà được yêu cầu kiểm tra, rà soát tại các công ty điện lực như Ninh Thuận, Lâm Đồng, Long An, Bình Dương, Hậu Giang sẽ đứng trước nguy cơ hủy hợp đồng và tách đấu nối ra khỏi hệ thống điện.
Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) mới đây đã có chỉ đạo các đơn vị tập hợp chứng cứ, báo cáo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) về kết quả kiểm tra, rà soát các hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các công ty điện lực Ninh Thuận, Lâm Đồng, Long An, Bình Dương, Hậu Giang, theo Tạp chí Nhà quản trị đưa tin.
Trong đó, EVNSPC yêu cầu cụ thể với một số trường hợp như cụm Công ty TNHH Sản xuất điện mặt trời Quảng Sơn tại Công ty điện lực Ninh Thuận (15 hợp đồng), việc phát triển điện mặt trời mái nhà để được hưởng giá mua điện ưu đãi đã không tuân thủ những yêu cầu về kiểm tra, nghiệm thu kỹ thuật để đóng điện, đưa hệ thống vào vận hành theo quy định.
Do đó, EVNSPC giao Công ty điện lực Ninh Thuận làm việc với chủ đầu tư để thực hiện thủ tục hủy các hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà. Đồng thời, tách đấu nối các hệ thống điện mặt trời mái nhà ra khỏi hệ thống điện hiện hữu.
Đối với cụm Công ty TNHH AA tại Lâm Đồng (5 hợp đồng), việc thực hiện lắp bổ sung công suất tại ba hệ thống AA&I, AA&G, AA&M sau ngày 31/12/2020 đã vi phạm quy định tại Thông tư 18.
Do đó, EVNSPC giao Công ty Điện lực Lâm Đồng làm việc với chủ đầu tư để thực hiện tách và chuyển ra khỏi vị trí hiện hữu số tấm pin lắp thêm sau ngày 31/12/2020; tổ chức ký lại phụ lục hợp đồng đúng quy định.
Tại Long An, với cụm điện mặt trời mái nhà của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thép Tây Nam (5 hợp đồng), việc thực hiện lắp bổ sung công suất sau 31/12/2020 đã vi phạm Thông tư 18.
Vì vậy, EVNSPC giao Công ty Điện lực Long An làm việc với chủ đầu tư để tách, chuyển ra khỏi vị trí hiện hữu số tấm pin lắp thêm sau khi nghiệm thu hoặc sau ngày 31/12/2020. Bên cạnh đó tổ chức ký lại phụ lục hợp đồng và tạm dừng thanh toán để xử lý dứt điểm vi phạm theo quy định.
Tương tự, với cụm điện mặt trời mái nhà của Công ty CP Sản xuất Thép Vina One (7 hợp đồng), việc thực hiện lắp bổ sung công suất sau ngày 31/12/2020 cũng đã vi phạm quy định.
EVNSPC giao Công ty điện lực Long An làm việc với chủ đầu tư để tách, chuyển ra khỏi vị trí hiện hữu số tấm pin lắp thêm sau khi nghiệm thu hoặc sau ngày 31/12/2020.
Đối với trường hợp cụm điện mặt trời mái nhà (10 hợp đồng) của Công ty TNHH Điện mặt trời Trúc Mai tại tỉnh Bình Dương, EVNSPC xác định hai hệ thống điện mặt trời mái nhà Trúc Mai 5 và 7 được nghiệm thu và đóng điện, vận hành phát điện trước 31/12/2020 theo đúng quy định.
Tuy nhiên, 8 hệ thống điện mặt trời mái nhà Trúc Mai 1, 2, 3, 4, 6, 8, 9,10 chưa đạt điều kiện vận hành phát điện trước ngày 31/12/2020 theo đúng quy định với nguyên nhân đường dây đấu nối 22kV chưa hoàn tất thi công.
Do đó, giao Công ty điện lực Bình Dương làm việc với chủ đầu tư để thực hiện hủy các hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà và tách đấu nối các hệ thống điện mặt trời mái nhà vi phạm ra khỏi hệ thống điện hiện hữu.
Đối với cụm điện mặt trời mái nhà do Công ty CP VES thực hiện tại Hậu Giang (8 hợp đồng), việc thực hiện lắp bổ sung công suất sau ngày 31/12/2020 đã vi phạm Thông tư 18.
EVNSPC giao Công ty điện lực Hậu Giang làm việc với chủ đầu tư để thực hiện thủ tục hủy các hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà và tách đấu nối các hệ thống điện mặt trời mái nhà ra khỏi hệ thống điện hiện hữu đối với 5 hệ thống điện mặt trời mái nhà không vận hành phát điện đến thời điểm ngày 31/12/2020.
Còn 3 hệ thống điện mặt trời mái nhà vận hành phát điện trước ngày 1/1/2021 sẽ làm việc với chủ đầu tư để tách, chuyển ra khỏi vị tríhiện hữu số tấm pin lắp thêm sau ngày 31/12/2020 và tổ chức ký lại phụ lục hợp đồng đúng quy định.
Cũng theo EVNSPC nếu chủ đầu tư không đồng ý giải quyết thì tập hợp hồ sơ tài liệu, chứng cứ để khởi kiện tại toà án. Thời hạn hoàn thành cho các công ty là trước ngày 15/10/2021.
Bộ Công Thương khẳng định không kiến nghị Chính phủ gia hạn giá FIT điện gió
30-09-2021Bộ Công Thương dự kiến trình Thủ tướng dự thảo Quy hoạch điện VIII vào đầu tháng 10
01-10-2021Để dứt cơn khủng hoảng thiếu điện, Trung Quốc mua cả loại than bẩn nhất thế giới
(Nguồn: Phụ nữ mới)