Dự án sân bay Quốc tế Long Thành được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế xã hội không chỉ các tỉnh Nam Bộ nói riêng mà còn của cả nước nói chung. Hơn 2 năm được khởi công, dự án đã để lại nhiều “góc khuất” đáng suy ngẫm.
Những “vòi rồng” giữa công trường
Thời gian này, các tỉnh Nam Bộ đang ở đỉnh điểm của mùa khô. Nhiệt độ trung bình từ 23 độ đến 38 độ C, độ ẩm thấp khiến cho không khí trở nên khô hanh. Chính vì vậy, đại công trường dự án sân bay Quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) như một sa mạc đầy nắng gió. Một ngày giữa tháng 3, chúng tôi ghé thăm công trường dự án sân bay Long Thành.
Nhìn từ xa, công trường rộng mênh mông, xa thăm thẳm không một bóng cây giữa bãi đất trống rộng. Xa xa, chỉ những cột gió xoáy trông tựa vòi rồng đang cuốn tung bụi mù lên không trung. Những cuộn “vòi rồng” đang uốn lượn, mang theo một màu đỏ bụi mịn đặc trưng của vùng đất bazan cao hàng trăm mét.Từ con đường nhỏ ở quốc lộ 51, xã Long An (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) vào khu vực dự án sân bay còn lại lác đác vài căn nhà đập bỏ dở dang do bị giải tỏa. Một con đường đất được hình thành chạy xuyên giữa rừng cây keo để xe chở máy móc, các thiết bị vật tư vào công trường. Những chuyến xe đi ngang qua, bụi tung mù mịt đến nổi không thể thấy được trong khoảng cách 1 mét.
Theo phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống xung quanh dự án sân bay Long Thành, kể từ lúc bắt đầu khởi công đến nay, việc san lấp mặt bằng và thi công tại dự án đã gây ra tình trạng bụi bặm, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hàng ngày, hoạt động thi công cùng hàng đoàn xe tải chở vật tư vào sân bay, đặc biệt đang trong cao điểm mùa khô, nắng nóng cùng gió đã khiến người dân phải sống chung với bụi cả ngày lẫn đêm.Ghi nhận của chúng tôi, tình trạng bụi mịn đã ảnh hưởng đến hầu hết nhiều xã quanh sân bay. Tùy theo mùa và hướng gió, người dân phải chịu mức độ ảnh hưởng tại mỗi khu vực là khác nhau. Thời điểm này, do ảnh hưởng của gió Nam – Đông Nam thổi từ biển Đông vào nên khu vực xã Bình Sơn và Lộc An bị ảnh hưởng nhiều nhất.Trong vòng bán kính khoảng 5 km quanh sân bay, những mái nhà của các hộ dân cùng cây cối bên đường bị bụi đất bám đỏ thành lớp dày. Thậm chí, nhiều hôm gió to, kéo theo bụi phát tán ra khu vực hơn 10 km quanh dự án sân bay Long Thành.
Những cuộc di cư lần 2
Anh Tường, chủ quán cơm trên đường Tỉnh lộ 769 (xã Bình Sơn, huyện Long Thành), ở cách công trường thi công sân bay Long Thành khoảng 3 km chia sẻ: “Bụi mịn diễn ra hàng ngày, hôm nào cao điểm có gió mạnh từ biển Đông thổi vào là bụi bay mù mịt như mưa phùn”.
Theo chủ quán, xung quanh đường Tỉnh lộ 769, người dân đa số sống bằng nghề buôn bán dọc hai bên ven đường nên phải tìm nhiều cách để sống chung với bụi. Chỉ sau những cơn gió lớn, họ lại phải lau chùi lại vật dụng hàng ngày và luôn tìm cách che chắn ngăn bụi bám vào các loại mặt hàng bày bán mà đặc biệt là thực phẩm.Anh Tường cho biết, trước đó khoảng 1 tháng, nhiều hộ dân đã làm đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng. Thông qua các phương tiện truyền thông, người dân nắm được thông tin là chủ đầu tư đã tiến hành tưới nước tại công trường để ngăn bụi. Thực tế, người dân thấy tình hình vẫn không được cải thiện nhiều.
Nhiều lần kiến nghị nhưng môi trường sống vẫn không được cải thiện, mọi người đành phải chấp nhận sống chung với bụi. Họ chỉ mong, dự án sân bay Long Thành sớm hoàn thành đúng theo tiến độ để cuộc sống của người dân không còn bị ảnh hưởng do việc thi công từ công trường gây ra.
Ngay tại Khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn, nơi bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án sân bay Long Thành, cách khu vực thi công khoảng 5 km cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bụi bặm. Nhiều hộ dân cho biết, phải đóng kín cửa, cửa sổ cả ngày để để ngăn việc bụi bay vào nhà.
Cuộc sống người dân ở khu tái định cư chưa kịp ổn định thì nay đã phải hứng chịu ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Ông Linh, tổ trưởng Tổ 15, Khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn nói, người dân được tiền đền bù và thay đổi lối sống từ ruộng vườn sang thành thị là một biến cố lớn.Việc cả gia đình di chuyển về khu tái định cư khiến cuộc sống người dân cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt là với những người dân sống bằng làm nông hay những hộ được bồi thường ít do diện tích đất và tài sản trên đất được đền bù không nhiều. Do đó, đặc biệt là với những người trên dưới 50 tuổi, dù vẫn còn khả năng lao động nhưng do đã lớn tuổi nên không xin được việc làm và hiện nay quanh quẩn ở trong nhà.
Cuộc sống của họ chỉ dựa vào số tiền đền bù còn sót lại và hết tiền đền bù là hết cách để sinh nhai. Không ít hộ dân đã bán thửa đất được đền bù tại khu tái định cư trong thời điểm đất đang lên cơn sốt. Sau đó, họ gom góp tiền để tìm đến những vùng sâu, vùng xa và mua đất tiếp tục trở về với thói quen làm nông nghiệp.
(Nguồn: Ngày nay)