Tại khu vực miền Bắc và miền Trung, chuyên gia này cho rằng nắng nóng đến sớm hơn mức bình thường.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn), ngày 28.3 và trong 2 ngày tới (29 - 30.3), chỉ số UV cực đại ở các thành phố miền Bắc ở ngưỡng có nguy cơ gây hại trung bình, các thành phố miền Trung ở ngưỡng có nguy cơ gây hại cao, các thành phố miền Nam ở ngưỡng có nguy cơ gây hại rất cao.Ngày 21.3 - 20.4 năm nay, dự báo nhiệt độ trung bình từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi cao hơn từ 1 - 2 độ C so với mức trung bình nhiều năm. Riêng khu vực đồng bằng Bắc Trung bộ có nơi cao hơn 2 độ C. Các dự báo đều cho thấy từ ngày 19.3 đến nay, bắt đầu xuất hiện đợt nắng nóng cục bộ tại miền Đông Nam bộ, nhiệt độ cao phổ biến 36 - 37 độ.
Theo chuyên gia khí tượng thủy văn Lê Thị Xuân Lan, tại khu vực miền Bắc và miền Trung, năm nay tình trạng nắng nóng đến sớm hơn mức bình thường. Với khu vực miền Trung, nắng nóng thường bắt đầu từ tháng 5, nay trong 10 ngày cuối tháng 3, xuất hiện nhiều ngày nắng nóng. Tại miền Nam, cường độ bức xạ tăng từ ngày 21.3, khiến thời gian nắng nóng trong ngày kéo dài đến 10 tiếng.
"Như vậy, thời tiết trong mấy ngày nắng nóng bất thường tại khu vực miền Trung, vùng núi phía bắc và độ bức xạ tăng cao tại miền Nam trong mấy ngày qua khiến nhu cầu sử dụng điện năng của người dân tăng sớm. Năm nay, hiện tượng El Nino đến sớm hơn, nắng kéo dài hơn so với năm ngoái và có thể vượt kỷ lục. Nhiệt độ theo dự báo có thể lên 38 độ C, nhưng trong thực tế TP.HCM biến đổi khí hậu, bê tông nhiều hơn, bức xạ cao hơn… dẫn đến nhiệt độ thực tế trong năm nay có thể vượt đỉnh 40 độ C của năm 1998", chuyên gia Lê Thị Xuân Lan nhận định.
Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan lưu ý chỉ số tia cực tím UV tại TP.HCM mấy ngày gần đây đang ở mức 10, 11 là rất cao, rất nguy hại cho sức khỏe. Vì trời nắng nóng nên nhu cầu sử dụng máy lạnh cao dẫn đến nguy cơ sốc nhiệt khi thay đổi từ nhà ra ngoài. Khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ C thì lượng điện tiêu thụ của máy điều hòa tăng từ 2 - 3%, không những thế, đặt nhiệt độ cho máy điều hòa ở mức thấp, tiêu thụ điện năng cũng sẽ tăng 1,5 - 3%; nhiệt độ tăng khoảng 5 độ C thì điện năng tiêu thụ tăng khoảng 10%.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực TP.HCM, ngành điện khuyến cáo trong các tháng tới, khách hàng sử dụng điện trong sinh hoạt cần có các giải pháp tiết kiệm như tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện. Tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, tắt đèn chiếu sáng và các thiết bị điện khi không có nhu cầu sử dụng.
Đặc biệt nên sử dụng máy điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết, cài đặt chế độ làm mát từ 25 độ C trở lên hoặc đặt chế độ chênh lệch nhiệt độ trong phòng và nhiệt độ bên ngoài chỉ từ 3 - 5 độ C.
Dùng quạt thay thế điều hòa nhiệt độ khi thời tiết không quá nóng. Khi cải tạo hoặc trang bị mới nên sử dụng thiết bị điện hiệu suất cao theo quy định hoặc thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng…
(Nguồn: Phụ nữ mới)