Sau khi lùi lại 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh, chiều nay Liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu với xăng RON 95 giảm 430 đồng/lít, dầu diesel tăng 1.430 đồng/lít.
Theo điều chỉnh mới, mỗi lít xăng RON 95 về mức 24.230 đồng; xăng E5 RON 92 có giá mới là 23.350 đồng, giảm 370 đồng. Giá dầu diesel lên 25.180 đồng/lít. Dầu hỏa cũng tăng 1.390 đồng, lên 25.440 đồng/lít. Riêng dầu mazut giảm 470 đồng, về 16.070 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành 5/9, cơ quan quản lý trích quỹ bình ổn giá xăng là 451-493 đồng mỗi lít, với dầu mazut là 641 đồng/kg, còn chi quỹ đối với xăng dầu hỏa 100 đồng/lít và dầu diesel là 300 đồng/lít.
Tại kỳ điều chỉnh trước đó ngày 22/8, Liên bộ Công Thương - Tài chính giữ nguyên giá xăng và tăng giá các loại dầu.
Tính đến nay, giá mặt hàng xăng đã trải qua 23 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng và 9 lần giảm, một lần giữ nguyên. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước đang ở quanh mức 23.000-24.000 đồng/lít, tương đương mức giá đầu năm.
Dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối đã dương trở lại. Petrolimex đã dương 644 tỷ đồng; riêng trong tháng 7, doanh nghiệp này đã trích quỹ tới hơn 443 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) là 230 tỷ đồng, trong đó mức trích lập đến ngày 19/8 là 12,3 tỷ đồng; Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex) là 281 tỷ đồng; Công ty CP Hóa dầu quân đội (Mipec) là hơn 13 tỷ đồng...
Để gỡ khó cho các doanh nghiệp xăng dầu, Tổ điều hành thị trường trong nước cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện nâng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Do giá xăng dầu tăng cao nên mức hạn mức tín dụng của các năm trước chỉ còn tương đương với 50-70% lượng nhập khẩu theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Trên thế giới, giá dầu Brent giao sau tăng lên trên 95 USD/thùng vào thứ Hai khi các nhà giao dịch cân nhắc về triển vọng nguồn cung trước cuộc họp OPEC +, đồng thời cân nhắc tác động của đợt bùng phát mới nhất từ cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng ở châu Âu.
Các nhà phân tích dự kiến sẽ không có thay đổi đáng kể nào khi OPEC + quyết định mức sản lượng cho tháng 10 vào cuối ngày thứ Hai, nhưng cảnh báo gần đây của Saudi Arabia rằng nhóm này có thể cắt giảm sản lượng bất cứ lúc nào để giữ cho thị trường cạnh tranh.
Động thái có thể đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các nhà sản xuất OPEC khác và dự kiến sẽ chống lại sự thúc đẩy nguồn cung tiềm năng từ Iran.
Trong một diễn biến khác, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga hôm thứ Sáu cho biết họ không thể tiếp tục dòng khí đốt tự nhiên qua một đường ống quan trọng tới Đức, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng của khu vực và dấy lên lo ngại về việc chuyển đổi nhiên liệu nhiều hơn để sản xuất điện.
Trong khi đó, giá dầu Brent đã giảm gần 8% trong tuần trước và giảm khoảng 25% kể từ giữa tháng 6 do lo ngại rằng các điều kiện tiền tệ thắt chặt và khóa cửa chống vi rút ở nhà nhập khẩu hàng đầu Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu.
(Nguồn: Phụ nữ mới)