Liên Bộ Công Thương – Tài chính công bố xăng E5 RON 92 giảm 450 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 630 đồng/lít từ chiều nay (21/9).
Với mức giảm trên, giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.780 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.580 đồng/lít. Như vậy giá xăng trong nước đã có lần giảm thứ 3 liên tiếp.
Ngoài ra, giá dầu diesel giảm 1.650 đồng/lít, giá bán là 22.530 đồng/lít, dầu hỏa còn 22.440 đồng/lít. Hiện, giá dầu tương đương giá xăng RON 95 trong nước.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục trích lập quỹ bình ổn giá với xăng E5 RON 92 ở mức 451 đồng/lít, xăng RON 95 là 450 đồng/lít, dầu diesel 300 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng/lít.
Theo dữ liệu cập nhật của Bộ Công Thương đến ngày19/9 cho thấy, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore có xu hướng giảm. Cụ thể, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 bình quân trên thị trường Singapore là 87,37 USD/thùng; còn giá xăng RON 95 là hơn 91,39 USD/thùng; giá dầu hoả là 109,66 USD/thùng; dầu diezel là 113,25 USD/thùng và dầu mazut là 410,79 USD/tấn.
Trong khi đó, mức giá này được ghi nhận tại kỳ điều hành ngày 12/9 là: 98,22 USD/thùng với xăng RON 92; 103,082 USD/thùng với xăng RON 95; dầu diezel là 133,682 USD/thùng; dầu mazut là 436,502 USD/tấn…
Tính đến 15h hôm nay, giá dầu thô WTI giao sau tăng gần 3% lên trên 86 USD/thùng, dầu thô Brent giao sau cũng tăng gần 3% lên trên 93 USD/thùng, do lo ngại nguồn cung bị gián đoạn thêm sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố điều động quân sự một phần ở Nga.
Dầu thô tăng còn do cuộc họp về việc tăng lãi suất của Fed trong hôm nay và ngày mai, mà thị trường lo ngại có thể làm mất trật tự tăng trưởng toàn cầu và làm giảm nhu cầu năng lượng.
Dữ liệu trong ngành cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng khoảng 1 triệu thùng trong tuần trước, trong khi dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất lần lượt tăng khoảng 3,2 triệu thùng và 1,5 triệu thùng.
Trong khi đó, những người đứng đầu hai tập đoàn năng lượng khổng lồ Saudi Aramco và Crescent Petroleum trong các tuyên bố riêng rẽ đã đánh dấu việc không đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ là một trở ngại lớn đối với sản xuất và là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Theo Reuters, hiện OPEC + đang giảm kỷ lục 3,58 triệu thùng/ngày so với mục tiêu, tương đương khoảng 3,5% nhu cầu toàn cầu.
(Nguồn: Phụ nữ mới)