Những năm gần đây, ngành Giáo dục của tỉnh Quảng Trị “nở mày nở mặt” khi liên tiếp có những học sinh đạt giải tại các cuộc thi lớn tổ chức trong nước và quốc tế. Bởi vậy, khi nói đến thành tựu đạt được trong 30 năm kể từ dấu mốc là ngày tái lập tỉnh (1.7.1989-1.7.2019), ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề cập ngay đến giáo dục. "Quan trọng và rất đáng tự hào là quá trình xóa mù chữ và xóa trường lớp tranh tre nứa lá ở những địa bàn vùng khó" - ông Chính nhấn mạnh.
“Chi viện” để đánh “giặc” dốt
Đến những năm 1990, tại tỉnh Quảng Trị số lượng người mù chữ trong độ tuổi 15-35 vẫn còn con số không nhỏ, hơn 14.500 người. Trong đó, huyện miền núi Hướng Hóa chiếm hơn phân nửa, với hơn 8.000 người mù chữ. Lúc đó, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Trị phải tổ chức “chi viện”, tăng quân số lên các địa bàn Hướng Hóa để xóa “giặc” dốt. Thời điểm đó, địa phương nào ở Quảng Trị cũng thiếu giáo viên, nhưng phòng giáo dục các huyện thị đều phải điều động giáo viên lên Hướng Hóa. Thậm chí, giáo viên về hưu cũng được vận động lên tiếp sức cho giáo dục ở miền núi.
Trước khi đảm nhận chức vụ Trưởng Phòng GDĐT huyện Hướng Hóa, ông Nguyễn Văn Đức đã có quãng thời gian dài gắn bó với sự nghiệp giáo dục của huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Ông Đức kể rằng, học ra trường, ông đeo balô đi vào một điểm lẻ thuộc vùng đồng bào thiểu số, cách đường Quốc lộ 9 chỉ 10 cây số, nhưng phải đi bộ nửa ngày đường rừng. Mỗi tháng, ngoài 13kg gạo và ít chế độ được cấp, để đủ sống qua ngày, giáo viên như ông Đức phải bám vào dân. “Ngày đi dạy, tối xuống suối đánh cá để có thêm món “tanh”. Học sinh thì tiếng Kinh không biết, chứ chưa nói biết chữ” – ông Đức nhớ lại.
Hầu hết, giáo viên đều dạy xa nhà, nên có khi cả mấy tháng mới rời bản về nhà một lần. Chỗ ở lại, sinh hoạt cũng không có, nên họ phải xin nhà dân tá túc. Các điểm trường thường được lập ở trung tâm bản, nhưng nhiều học sinh lại ở xa, nên hàng ngày ngoài công việc mưu sinh và dạy, giáo viên phải đi tìm học sinh đưa đến lớp. “Lúc đó, thuyết phục các em đến lớp là một điều vất vả. Vì ai cũng đói cả, nên phải lên rẫy. Mình lên rẫy tuyên truyền gọi các em về thì phụ huynh bảo đói có học được chữ không. Thế là đuối lý, mình ra về, nhưng tối đến lại ghé nhà, cà kê hỏi chuyện rồi thuyết phục cho bằng được” – ông Đức kể.
Trước khi nhận được sự “chi viện” về nhân lực ở tỉnh, từ năm 1990, Phòng GDĐT huyện Hướng Hóa đã xây dựng đề án phát triển giáo dục huyện nhà, và đặt ra các mục tiêu cụ thể. Đến năm 1996, Quảng Trị về đích trước 4 năm so với kế hoạch chung của Ủy ban quốc gia Chống nạn mù chữ, là tỉnh thứ 18 trong toàn quốc hoàn thành chương trình này…
Đẩy lùi trường tranh tre nứa lá
Những năm 1990, trường lớp tại huyện miền núi Hướng Hóa hơn 80% là tranh tre nứa lá, còn nhà ở công vụ cho cán bộ giáo viên thì không ai dám mơ đến. Ngôi trường nào cũng một môtíp với mấy cây gỗ được đốn hạ ở trên rừng, đẽo đục sơ thành kèo cột; mái tranh thì bứt ở trên rẫy; còn phên thì được đan bằng tre. Tre tươi lúc đan thì khít rịt, nhưng khi hong khô thì teo lại. Mùa hè, gió Lào táp vào mặt, mùa đông, gió lùa cho tím tái da thịt cả thầy và trò. Bàn ghế giáo viên, bàn ghế học sinh tất cả cũng từ tre, nứa ghép lại; lớp nào sang mới có những tấm bìa gỗ làm bàn, làm ghế…
Khó khăn kể không hết, nhưng nguồn lực có hạn, nên việc đầu tư vào giáo dục ở miền núi của tỉnh Quảng Trị thời đó cũng không đáng kể. Dần dà, được sự đầu tư mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, ngày nay hệ thống cơ sở vật chất của giáo dục Hướng Hóa, dù chưa đến mức khang trang hiện đại, nhưng đã được kiên cố hóa toàn phần và đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc nơi đây. Đến nay, huyện Hướng Hóa có 36/65 trường học ở khu vực trung tâm được cao tầng hóa, số còn lại đã được kiên cố hóa. Bình quân hằng năm ngoài nguồn vốn đầu tư của nhà nước phân bổ về hơn 10 tỉ đồng, huyện đã huy động từ 20 đến 30 tỉ đồng để xóa trường tạm, tranh, tre, nứa lá, chấm dứt tình trạng học ca ba kể từ năm học 2017-2018.
Ngoài việc kiên cố hóa trường học, các nhà công vụ cho giáo viên cũng được đầu tư xây dựng. Bây giờ, nhìn cơ ngơi của GDĐT huyện vùng cao này, khó mà hình dung vào những năm cuối thập niên 1980 đầu 1990, trường lớp nơi đây vẫn gần như 100% tranh tre nứa lá. Và cũng chỉ 30 năm trước, “giặc” dốt còn tràn lan ở đất này, thì bây giờ đã “tuyệt chủng”. Những học sinh nhịn đói nuôi con chữ là người đồng bào thiểu số Vân Kiều – Pa Cô ngày trước, bây giờ không ít người đã là thạc sĩ, cử nhân. Gặt hái được con chữ rồi, họ trở lại cày ải mảnh đất một thời khốn khó, để cùng chung sức xây dựng quê hương.