Trường PTDTNT Hướng Hóa:

Góp phần đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ tại chỗ cho địa phương và nguồn lực có chất lượng cho đất nước

Xanh EWEC |

Huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vừa tổ chức kỷ niệm 45 năm thành lập Trường PTDTNT Hướng Hoá (1979-2024) và 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024). Mấy chục năm qua, ngôi trường này đã khẳng định vị trí, vai trò của mình là một trong những chiếc nôi đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ tại chỗ cho địa phương và nguồn nhân lực có chất lượng cho quê hương, đất nước. 

Xanh EWEC trân trọng giới thiệu bài phát biểu của cô Hồ Thị Tư- Hiệu trưởng Trường PTDTNT Hướng Hóa:

Lời đầu tiên, cho phép tôi thay mặt Ban giám hiệu, các thầy cô giáo, các đồng chí nhân viên và các em học sinh nhà trường, xin nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn sự hiện diện quý báu của quý vị đại biểu, các vị khách quý, quý thầy cô giáo nguyên là lãnh đạo, nhà giáo và các anh chị cựu học sinh của Trường qua các thời kỳ, quý Hội phụ huynh, các anh chị là dâu rể, cùng quý thầy cô giáo trong Hội đồng sư phạm nhà trường và các em học sinh đã có mặt đông đủ trong buổi lễ long trọng hôm nay.

 
 Lãnh đạo huyện Hướng Hoá tặng hoa chúc mừng nhà trường.

Sự tề tựu đông đủ này là nguồn động viên, cổ vũ có ý nghĩa to lớn đối với nhà trường nhân dịp Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/ 2024) và 45 năm Ngày thành lập Trường PTDTNT Hướng Hoá (1979-2024) hôm nay. 

Dân tộc ta vốn có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”  truyền thống tốt đẹp đó đã trở thành một đạo lý cao cả thiêng liêng thấm sâu trong nhận thức, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam, đó cũng chính là biểu thị truyền thống hiếu học của dân tộc ta.

Trên thế giới, nghề dạy học là nghề được xã hội tôn vinh và trân trọng. Bên cạnh rất nhiều nghề nghiệp khác thì dạy học được coi là một nghề cao quý và đóng vai trò then chốt giúp đưa nhân loại tiến bộ. 

Tháng 8 năm 1957, Hội nghị các nhà giáo họp tại VacSaVa (Ba Lan) đã thông qua bản hiến chương các nhà giáo với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến; xây dựng nền giáo dục tiến bộ; bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học và nhà giáo. Hội nghị đã quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.

 

Ở Việt Nam, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, được sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, được sự cổ vũ của các tầng lớp nhân dân, các bậc cha mẹ học sinh, ngày 20/11 được tiến hành trên cả nước và dần khắc sâu vào tình cảm, trí nhớ của mọi người.

Ngày 28/09/1982, Hội đồng Bộ trưởng - nay là Chính phủ đã ra quyết định số 167 lấy ngày 20/11 hàng năm làm ngày nhà giáo Việt Nam. Quyết định này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về vị trí vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo lớp người trong thời kỳ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Như vậy, Ngày 20-11 xuất phát từ một nhiệm vụ quốc tế đã dần dần chuyển thành ngày hội truyền thống của dân tộc, ngày mà cả xã hội Việt Nam dành sự trân trọng, tôn vinh đối với ngành giáo dục và các nhà giáo.

 

Nói đến truyền thống giáo giới Việt Nam là nói đến một bản hùng ca với bề dày lịch sử vẻ vang ghi dấu tên tuổi của các bậc hiền nhân xuất thân từ nhà giáo, cống hiến trí lực góp phần tạo dựng cơ đồ Tổ quốc. Khó có thể kể hết tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của những nhà giáo đã làm rạng rỡ lịch sử non song, như thầy giáo Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu, Lương Văn Can, Phan Huy Chú, và nhiều gương sáng nhà giáo khác đã in sâu vào trong tâm khảm của con dân đất Việt.

Đặc biệt, lịch sử và thế hệ muôn đời sau luôn ghi nhớ công lao to lớn của thầy giáo Nguyễn Tất Thành tức Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, và đã đưa con thuyền cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cả cuộc đời cống hiến, hy sinh  vì nước vì dân. Người luôn đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, Người từng nói: “Vì lợi ích 10 năm thì ta phải trồng cây-Vì lợi ích trăm năm thì ta phải trồng người”. Nhằm tôn vinh vị trí, vai trò của nghề giáo, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng khẳng định: “ Nghề thầy giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Trong cuộc gặp gỡ học sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc năm học 2017 - 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh, nguyên khí mà suy thì đất nước yếu. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay, trong đó có những thành tựu, đóng góp của ngành giáo dục và đào tạo...

 

Ngày nay, trong xu thế phát triển mới của thời đại, dưới sự tác động nhiều chiều của cuộc cách mạng 4.0, đòi hỏi ngành giáo dục phải có những đổi mới căn bản, toàn diện nhằm đào tạo ra được nguồn nhân lực vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, và trở thành công dân toàn cầu. Trong Nghị quyết 29/của TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, Đảng ta đã xác định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội” và Đảng cũng đã chỉ đạo: “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.”

 

Kế thừa và phát huy những giá trị to lớn của ngành giáo dục và thành tựu quan trọng mà các thế hệ nhà giáo đi trước đã dày công tạo dựng, trong những năm qua ngành giáo dục và các nhà giáo thế hệ hôm nay đã không ngừng nỗ lực, đổi mới, sáng tạo và đã khắc hoạ đậm nét những điểm sáng trong sự phát triển giáo dục bằng chính những thành tựu đổi mới của nền giáo dục nước nhà và từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Dẫu còn đó không ít khó khăn, thách thức đối với ngành giáo dục và các nhà giáo trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, nhưng bằng nhiệt huyết nghề nghiệp và trái tim yêu thương, trách nhiệm với thế hệ tương lai, nhiều thầy cô giáo đã vượt qua thách thức, gạt bỏ những khó khăn đời thường, ngày đêm miệt mài nghiên cứu, sáng tạo, dạy dỗ và dìu dắt các thế hệ học trò trưởng thành. Có không ít những nhà giáo trở thành các nhà khoa học đầu ngành, cống hiến nhiều phát minh, sáng chế cho nền KH – KT nước nhà; Bồi dưỡng và đào tạo ra những nhân tài trẻ đất Việt, giành nhiều thành tích cao trong các kỳ thi HSG quốc  gia, quốc tế...cũng không ít thầy cô giáo tạm gác hạnh phúc riêng tư, cõng chữ lên non hay đến các vùng biên giới, hải đảo đem ánh sáng văn hóa cho đàn em thân yêu.

Ở thời đại nào, chúng ta cũng có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của ngành giáo dục và nghề nhà giáo cho sự phát triển của đất nước và nhân loại. Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” “Uống nước nhớ nguồn” mãi mãi là nét đẹp văn hóa  của dân tộc Việt Nam ta.

Nói về sự phát triển của giáo dục miền núi Quảng Trị thì không thể không kể đến vai trò và những đóng góp quan trọng của Trường PTDTNT Hướng Hoá – Đây là một trong những ngôi trường có bề dạy lịch sử trong hệ thống trường phổ thông công lập trên quê hương Hướng Hoá anh hùng.

Tiền thân của Trường được hình thành từ những năm 60 của thế kỷ XX. Trong những năm chiến tranh, trường đã phải trải qua nhiều lần di chuyển và đóng chân trên nhiều vị trí khác nhau. Ở mỗi thời kỳ, với một chức năng nhiệm vụ, trường cũng có những tên gọi khác nhau. Đến năm 1979 trường được chuyển đến đóng chân tại vị trí này với tên gọi là Trường Thanh niên Dân tộc huyện. Từ đây lịch sử nhà trường mở ra một trang mới, bắt đầu thời kỳ thực hiện nhiệm vụ chính là giáo dục văn hoá cho các thế hệ thanh niên dân tộc thiểu số của huyện Hướng Hoá, và sau này là giáo dục các thế hệ học sinh tiêu biểu là con em của đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn toàn huyện. Ngày 06-8-1992, UBND huyện Hướng Hóa có Quyết định số 685/QĐ-UB đổi tên trường thành trường Phổ thông dân tộc nội trú Hướng Hoá, tên gọi này được sử dụng cho đến hôm nay.

Có thể khẳng định rằng, trải qua mấy mươi năm hình thành và phát triển, Trường PTDTNT Hướng Hoá đã khẳng định vị trí, vai trò của mình là một trong những chiếc nôi đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ tại chỗ cho địa phương và nguồn nhân lực có chất lượng cho quê hương, đất nước. Trong suốt 45 năm qua, từ mái trường này, biết bao thế hệ người học đã trưởng thành và góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng quê hương Hướng Hóa ngày càng giàu đẹp.

Chặng đường đã qua là một chặng đường đầy gian nan, thử thách, thấm đẫm mồ hôi nước mắt và cả máu của biết bao thế hệ nhà giáo, học sinh của nhà trường đã đổ xuống cho sự phát triển hôm nay. Chúng ta vui sướng và tự hào vì ở thời kỳ nào, nhà trường cũng luôn hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ và sứ mệnh lịch sử mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Nhà báo Lâm Chí Công- Phó TBT Tạp chí Lao động và Công đoàn- cựu học sinh của trường trao quà cho các em học sinh có thành tích cao trong học tập.
Nhà báo Lâm Chí Công- Phó TBT Tạp chí Lao động và Công đoàn- cựu học sinh của trường trao quà cho các em học sinh có thành tích cao trong học tập.

Để khắc hoạ đậm nét hơn về quá trình phát triển của nhà trường, sau đây xin mời quý vị đại biểu, các vị vị khách quý, quý thầy cô giáo và các em học sinh cùng nhau xem một thước phim  tư liệu do nhà trường thực hiện nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập. Xin trân trọng kính mời !

Trải qua bao thăng trầm và thử thách của lịch sử,  trường PTDTNT đã từng bước vươn mình lớn dậy để tồn tại và phát triển trong niềm tin yêu của nhân dân và chính quyền địa phương.

Để xây dựng và phát triển nhà trường ngày càng lớn mạnh như hôm nay, chúng ta không thể nào quên tên tuổi và sự cống hiến thầm lặng của nhiều thế hệ thầy, cô giáo và cán bộ nhân viên của nhà trường. Tên tuổi của các thầy cô đã khắc sâu trong tâm khảm của mỗi thế hệ cán bộ- giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường. Ngày ấy, đa số các thầy cô đều từ miền đồng bằng theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước và đồng bào miền núi, đã gánh gồng con chữ lên với miền Tây Quảng Trị  để gắn bó với mái trường và đàn em thân yêu. Bây giờ, người mất người còn, người đã trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện, của tỉnh và của các ban, ngành, nhưng lịch sử truyền thống nhà trường vẫn còn mãi lưu danh tên tuổi và những đóng góp quan trọng của quý thầy cô và các thế hệ học sinh trong những trang sử vàng, trong lòng thế hệ hôm nay và mai sau.

Ông Trần Đình Dũng- Huyện uỷ viên, Bí thư Đảng uỷ thị trấn Lao Bảo- cựu học sinh của trường tặng quà cho các em học sinh có thành tích cao trong học tập.
Ông Trần Đình Dũng- Huyện uỷ viên, Bí thư Đảng uỷ thị trấn Lao Bảo- nguyên giáo viên của trường tặng quà cho các em học sinh có thành tích cao trong học tập.

Trong buổi lễ long trọng và ấm áp nghĩa tình hôm nay, cho phép em được thay lời cho đội ngũ CBGVNV và các em học sinh nhà trường, xin tri ân công lao và sự cống hiến quý báu của quý thầy cô giáo, cô, chú nhân viên qua các thời kỳ đã dày công xây dựng, vun đắp cho sự phát triển của nhà trường. Xin cảm ơn các thế hệ cựu học sinh đã cùng thầy cô giáo viết nên những trang sử vàng truyền thống, để thế hệ hôm nay có quyền được tự hào và vững bước về phía trước, chắp cánh cho những ước mơ, hoài bão trở thành hiện thực và nâng tầm, vươn xa.

Với trách nhiệm của thế hệ hôm nay, chúng em xin hứa sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà trường, luôn đoàn kết, đồng thuận, nỗ lực cố gắng vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Cùng nhau viết tiếp những trang sử vàng cho thế hệ hôm nay và mai sau về một mái trường có bề dày lịch sử trên quê hương Hướng Hóa anh hùng.

Một lần nữa xin chân thành cảm ơn sâu sắc tình cảm và sự hiện diện quý báu của quý vị đại biểu, các vị khách quý, các thầy cô giáo và các em học sinh trong buổi lễ hôm nay. Kính chúc qúy vị sức khỏe, thành công và hạnh phúc, chúc buổi lễ của chúng ta thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn !

TAGS

Ông Võ Văn Hưng giữ chức Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Xanh EWEC |

Ngày 15/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định điều động, bổ nhiệm ông Võ Văn Hưng giữ chức Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.


Phân công 4 Phó Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo các kiến nghị của Quảng Trị tại buổi làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Quang Hải |

Ngày 15/11, Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị cho biết vừa nhận được thông báo số 8386 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của Tỉnh ủy Quảng Trị tại buổi làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 3 nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục

Thanh Mai |

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, bên cạnh sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương, vai trò của các thầy giáo, cô giáo là đặc biệt quan trọng.

13 tác phẩm đoạt giải cuộc thi viết về “Những tấm gương điển hình tiên tiến vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị”

Lê Minh |

Ngày 15/11, Báo Quảng Trị, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi viết về chủ đề: “Những tấm gương điển hình tiên tiến vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tham dự.