Ngày 15/8, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2022. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng và các phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi họp báo.
Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2022, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Chí Trung cho biết, tính đến ngày 31/7/2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.176,35 tỉ đồng/dự toán 4.150 tỉ đồng, đạt 76,5% dự toán địa phương và 92,6% dự toán trung ương, bằng 101% cùng kỳ năm 2021. Tổng giá trị giải ngân các nguồn vốn đầu tư công là hơn 1.037 tỉ đồng, đạt 30% kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao.
Trong 7 tháng vừa qua, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022 như: Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn; 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị và 50 năm sự kiện chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị; Lễ hội thống nhất non sông; 75 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ.
Trong khuôn khổ chương trình họp báo, lãnh đạo tỉnh và phóng viên các cơ quan báo chí đã trao đổi, thảo luận thẳng thắn về kết quả nổi bật, những vướng mắc, tồn tại hạn chế và nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022.
Nhiều vấn đề quan tâm mà báo chí đề nghị lãnh đạo tỉnh làm rõ như: các mỏ đất san lấp, làm vật liệu xây dựng được doanh nghiệp đấu với giá cao, có mỏ đấu giá gấp 34, 35 lần giá khởi điểm. Dự án đo vẽ bản đồ địa chính, cấp đổi sổ đỏ cho người dân tại TP. Đông Hà chậm tiến độ. Hiện nay, còn 3 cô giáo tình nguyện sang Lào dạy học trở về vẫn chưa được ưu tiên xét tuyển biên chế vì vướng mắc quy định. Một số dự án trọng điểm của tỉnh như: Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng 1.500MW, Cảng hàng không Quảng Trị, đường Hùng Vương nối dài đến nay vẫn chưa thi công. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt thấp. Dự án cảng cá Nam Cửa Việt tiến độ thi công chậm gây ảnh hưởng lớn đến việc đánh bắt, buôn bán thủy sản của ngư dân…
Ngoài ra, vừa qua nổi lên tình trạng điều động, luân chuyển giáo viên bậc tiểu học, trung học cơ sở chưa minh bạch, gây bất an trong đội ngũ giáo viên. Năm học mới sắp bắt đầu, tuy nhiên nhiều trường học miền núi thiếu giáo viên môn Tiếng Anh và Tin học. Trên địa bàn huyện Hướng Hóa có 40 ha đất sản xuất của 400 hộ dân bị bồi lấp do sạt lở từ các dự án điện gió khiến họ bị mất đất sản xuất, không có sinh kế. Tình trạng khai thác vàng trái phép tại địa bàn huyện Đakrông chưa có giải pháp xử lý.
Giải trình tại buổi họp báo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trường Khoa cho biết, hiện có 3 mỏ được cấp phép khai thác đất san lấp. Ngoài ra, UBND tỉnh cấp 14 giấy phép nạo vét lòng hồ, sông trên địa bàn, tuy nhiên do năm nay mưa nhiều, mực nước cao nên khối lượng khai thác đất nạo vét hạn chế. Thời gian tới, tỉnh sẽ có thêm nhiều mỏ đất được cấp phép để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Dự án đo đạc, cấp đổi sổ đỏ tại TP. Đông Hà đang gặp khó khăn, vướng mắc do đơn vị tư vấn và chủ đầu tư và chính quyền địa phương chưa phối hợp tốt. Thời gian tới, sở sẽ đề xuất UBND tỉnh kéo dài dự án này để đảm bảo quyền lợi của người dân. Về vấn đề đất nông nghiệp của người dân bị vùi lấp dưới chân các dự án điện gió, từ đầu năm sở đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình sử dụng đất. Các chủ dự án cũng đã đồng ý hỗ trợ thiệt hại cho dân.
Liên quan đến công tác điều động, luân chuyển giáo viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Hương cho rằng đây là chủ trương của tỉnh. Theo quy định phải thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình từ cơ sở. Sở sẽ tiếp thu và có sự chỉ đạo trong thời gian tới. Đối với tình trạng thiếu giáo viên môn Tin học và Tiếng Anh ở địa bàn vùng núi, sở đang rà soát lại và hoàn thành trước ngày 30/8. Sau khi rà soát xong sẽ giao biên chế cho các địa phương và phối hợp với các địa phương tuyển dụng biên chế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam yêu cầu ngành giáo dục thực hiện điều động, luân chuyển giáo viên phải công khai, minh bạch. Đối với 3 trường hợp giáo viên trở về từ Lào, tỉnh sẽ đề xuất Bộ Nội vụ để có hướng giải quyết phù hợp.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Chí Trung cho biết, tiến độ giải ngân đầu tư công chậm đang là thực trạng chung tại nhiều địa phương do vướng công tác giải phóng mặt bằng, giá vật liệu tăng cao... Để giải quyết vấn đề này, sở đã đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh một số giải pháp cụ thể. Trong đó, có phương án điều chuyển vốn từ những dự án chậm tiến độ sang dự án mới. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ vẫn là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan.
Liên quan đến một số dự án trọng điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến thông tin, phấn đấu quý I/2023 sẽ khởi công dự án Cảng hàng không Quảng Trị. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết thêm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề xuất Chính phủ bố trí 230 tỉ đồng để đầu tư 4,2 km còn lại của dự án Đường tránh phía Đông TP. Đông Hà “bị nghẽn” tiến độ trong nhiều năm qua. Dự kiến, 4,2 km đường tránh phía Đông TP. Đông Hà sẽ triển khai thực hiện trong năm 2023.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng khẳng định, những kết quả đạt được trong 7 tháng năm 2022 rất đáng ghi nhận. Có được kết quả này là nhờ sự đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh nhà. Cùng với đó là sự quan tâm, hỗ trợ thông tin của những người làm báo trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tiếp thu đầy đủ ý kiến của phóng viên các cơ quan báo chí phản ánh tại buổi họp báo, nâng cao trách nhiệm phát ngôn để đảm bảo thực hiện nghiêm túc Luật Báo chí.
Đồng thời mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành với tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, phản ánh các vấn đề, sự kiện đảm bảo khách quan, trung thực và hiệu quả để chuyển tải kịp thời đến người dân những thông tin hữu ích, cùng xây dựng tỉnh Quảng Trị ngày càng phát triển.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)