Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua, đất không giấy tờ được cấp sổ đỏ thế nào?

Hải Yến |

Quy định mới của Luật Đất đai (sửa đổi) về việc xem xét cấp giấy chứng nhận cho những trường hợp không có giấy tờ.

Sáng 18/1, tại cuộc họp báo thông tin về kết quả kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội khóa XV, quy định mới của Luật Đất đai (sửa đổi) về việc xem xét cấp giấy chứng nhận cho những trường hợp không có giấy tờ, không vi phạm pháp luật về đất đai đến trước ngày 1/7/2014 đã được thông tin thêm.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu chia sẻ, quy định xem xét cấp giấy chứng nhận cho những trường hợp không có giấy tờ, không vi phạm pháp luật về đất đai đến trước ngày 1/7/2014 được quy định tại điều 138 của Luật Đất đai (sửa đổi).

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu


"Với tính chất của Luật Đất đai (sửa đổi) không thể quy định chi tiết hơn nữa trong luật. Do đó, phải giao Chính phủ quy định cụ thể, chi tiết từng trường hợp, từng thời điểm, hồ sơ, giấy tờ", ông Hiếu nói.

Theo đó, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cụ thể cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không có giấy tờ được căn cứ trên các mốc thời gian sử dụng đất khác nhau, gồm:

Một là, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18/12/1980, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp, thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Đồng thời, quy định các điều kiện, trường hợp được cấp.

Hai là, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Tại mốc này cũng quy định rõ các điều kiện, trường hợp được cấp.

Ba là, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2014, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là không có tranh chấp thì diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Tại mốc này cũng quy định rõ các điều kiện, trường hợp được cấp.

Liên quan đến đề xuất áp thuế cao với người có nhiều tài sản nhà đất, ông Hiếu cho rằng đề xuất này nhằm hướng đến nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Để thực hiện mục tiêu này, theo ông Hiếu thì không phải chỉ mình Luật Đất đai mà đòi hỏi phải có sự thay đổi nhiều chính sách, ví dụ chính sách thuế.

"Nội dung này nằm trong nhóm chính sách tăng hiệu quả sử dụng đất đai, nhưng lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai mà thuộc lĩnh vực thuế. Tôi cũng mong muốn chính sách về thuế nói chung, trong đó có chính sách về thuế liên quan đến việc sử dụng đất đai sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, đúng như một trong những mục tiêu sửa Luật Đất đai lần này đề ra", ông Hiếu cho hay.

5 nhóm vấn đề mới trong Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, Luật Đất đai (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới, tập trung vào 5 nhóm vấn đề.

Thứ nhất, các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất như mở rộng quyền sử dụng đất với đối tượng là công dân Việt Nam, kể cả định cư sinh sống ở nước ngoài; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số...

Thứ hai, việc tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp như quy định thu hồi đất phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này được thiết kế mới, thể chế hóa đầy đủ, tức là chỉ thu hồi đất trong trường hợp thực sự cần thiết.

Bên cạnh đó, mở rộng các quy định liên quan đến cơ chế thỏa thuận về đất, chuyển mục đích sử dụng đất của những người đang có đất; mở rộng quỹ đất; quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Thứ ba, nâng cao hiệu quả sử dụng đất như đất sử dụng kết hợp đa mục đích; thu hẹp lại trường hợp phải xin phép khi chuyển mục đích sử dụng đất...

Thứ tư, tài chính đất đai tách bạch vấn đề về định giá đất với chính sách hỗ trợ miễn giảm về đất; một số chính sách để ổn định tiền thuê đất như hoạt động đầu vào hoạt động sản xuất kinh doanh...

Thứ năm, nâng cao hiệu quả, hiệu lực về quản lý Nhà nước trong đó có nhiều quy định cải cách, cắt giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.

(Nguồn: Phụ nữ Việt Nam)

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 đạt trên 53 tỉ USD

Thanh Trúc |

Ngày 3/1, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 ngành nông nghiệp và PTNT. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tham dự tại điểm cầu Quảng Trị.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang chúc mừng các đơn vị nhân Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Minh Đức |

Ngày 22/12, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang đến thăm, tặng hoa và chúc mừng Bộ CHQS tỉnh, Sư đoàn 968 nhân kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 (1944-2023), 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân 22/12 (1989-2023).

Hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành thủ tục để thi công Khu bến cảng Mỹ Thủy

Thanh Trúc |

Ngày 13/12, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chủ trì buổi làm việc với Công ty Cổ phần Liên doanh cảng Quốc tế Mỹ Thủy (MTIP), các ngành, đơn vị, địa phương liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), hoàn thành các thủ tục đầu tư chuẩn bị thi công Khu bến cảng Mỹ Thủy. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến cùng dự làm việc.

Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị |

Ngày 8/12/2023, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng ký ban hành Chỉ thị số 34 - CT/TU về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024.