Nan giải tìm cách xử lý bèo lục bình trên sông

Nam Phương |

Tình trạng bèo lục bình trôi, mọc dày đặc lòng sông Vĩnh Định, đặc biệt là sau mùa mưa bão đã trở thành nỗi ám ảnh đối với chính quyền và người dân sống hai bên bờ sông nhiều năm qua. Không chỉ làm tắc nghẽn dòng chảy, gây ảnh hưởng cho phát triển nông nghiệp mà loại bèo này còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước, gây thiệt hại đáng kể về kinh tế và sức khỏe cộng đồng.

 
Người dân trục vớt bèo nhằm khơi thông dòng chảy -Ảnh: N.P 
      

Người dân ở thôn Quảng Điền nói riêng và xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong nói chung không còn xa lạ với tình trạng bèo lục bình trôi, sinh sôi dày đặc, phủ kín lòng sông Vĩnh Định đoạn chảy qua địa bàn. Nằm ở giữa nguồn nên hàng năm, lượng bèo trôi về đây rất nhiều. Đặc biệt sau đợt mưa lũ bất thường giữa tháng 6 vừa qua, bèo lục bình nhanh chóng phát triển trở lại.

Loại bèo này xuất hiện từ lâu trên địa bàn tỉnh do được du nhập từ các tỉnh phía Nam về làm thức ăn cho gia súc, phân bón; nhiều người thả bèo vào ao làm nơi tránh nắng cho các loại thủy sản. Bèo lục bình trôi theo dòng chảy, đến một số nơi chúng bị vướng lại và sinh sôi với một tốc độ chóng mặt. Chẳng bao lâu, những cây lục bình nhỏ đã nảy nở ra đầy cả sông, “tấn công” hệ thống kênh mương, sông hồ.

Cầu Máng bắc qua sông Vĩnh Định, thuộc địa phận thôn Quảng Điền, xã Triệu Đại ngoài mục đích phục vụ sản xuất nông nghiệp còn để đáp ứng nhu cầu di chuyển thường xuyên với hàng nghìn lượt người, xe cộ từ 3 xã Triệu Đại, Triệu Độ, Triệu Thuận qua lại mỗi ngày.

Được xây dựng từ năm 1986 nhưng đến nay, cây cầu mới chỉ được duy tu phía trên bề mặt 1 lần vào năm 2002. Trong khi đó, phần chân cầu có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, bê tông nứt vỡ loang lổ, làm lộ ra phần sắt thép đã rỉ rét. Khoảng cách giữa các chân cầu hẹp, tạo điều kiện để bèo lục bình vướng lại, phát triển không kiểm soát.

Theo quan sát của phóng viên, bèo kết thành thảm có độ dày từ 1,5 m - 3 m. Bèo gây tắc nghẽn dòng chảy, khó khăn trong việc tưới tiêu, làm tăng lượng bốc hơi nước, ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích 500 ha lúa của người dân trên địa bàn các xã Triệu Hòa, Triệu Đại, Triệu Long.

Bên cạnh đó, bèo lục bình còn làm giảm đa dạng sinh học và là nơi chứa đủ loại mầm bệnh. Là người dân sống tại thôn Quảng Điền, anh Nguyễn Hữu Tuấn cho biết, bản thân thường xuyên chứng kiến bèo lục bình trôi từ thượng nguồn về, sinh sôi trên mặt sông.

“Bèo trôi về rồi kẹt lại đây, có những lần trục vớt, chúng tôi phát hiện xác động vật đã thối rữa, mùi hôi thối bốc lên khiến các hộ gia đình quanh đây chịu không nổi, chẳng dám ra ngoài. Loại bèo này thực sự gây ô nhiễm rất lớn cho môi trường”, anh Tuấn nói.

Nguy hiểm hơn, vào những ngày nước nổi, lượng bèo kết chặt với nhau nổi lên, gây áp lực không nhỏ đối với cây cầu lâu năm này. Điều này khiến việc đi lại của người dân gặp ảnh hưởng. Chị Trần Thị Kim Cúc, xã Triệu Thuận cho hay: “Tôi thường xuyên qua về trên cây cầu này. Trời khô ráo thì không sao, hôm nào mưa bão đi qua đây, tôi lo lắng lắm. Với số lượng lớn bèo dồn ứ về đây nếu không có phương án xử lý kịp thời có thể tạo sức ép khiến cây cầu này gãy lúc nào không hay”.

Được biết thời gian qua, mặc dù địa phương đã tập trung nhân lực và kinh phí để tổ chức vớt bèo trên sông. Hàng trăm khối bèo đã được vớt; hai bên bờ sông bèo chất như núi nhưng kết quả đó cũng chỉ như muối bỏ biển. Ở những nơi vừa mới vớt bèo, hiện rõ màu nước đen kịt và bốc mùi hôi tanh do rễ bèo, xác bèo bị thối tích tụ lâu ngày.

Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Đại Trần Thiên Phong cho biết, trận mưa lũ bất thường giữa tháng 6 vừa qua địa phương bị ngập lụt nặng với hàng trăm ha lúa bị hư hỏng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nạn bèo lục bình gây tắc dòng chảy của con sông Vĩnh Định, đoạn chạy qua địa bàn xã. Thông thường, định kỳ 2 đợt/năm vào các tháng 10, 11, địa phương sẽ sử dụng nguồn quỹ đơn vị hoặc nguồn xã hội hóa để tổ chức trục vớt bèo lục bình, mỗi đợt trục vớt kéo dài từ 3 - 4 ngày. Tuy nhiên, cuối tháng 6 năm nay đã phải tiến hành trục vớt bèo.

“Chính quyền địa phương rất lo ngại trước những tác hại do bèo lục bình gây ra đối với đời sống, sự phát triển KT - XH trên địa bàn. Do đó, chúng tôi kiến nghị các cấp có thẩm quyền trước hết nghiên cứu phương án xây mới hoặc nâng cấp cầu Máng để người dân yên tâm di chuyển. Đồng thời có phương án xử lý dứt điểm tình trạng bèo lục bình trôi tấn công sông hồ, kênh mương, tạo điều kiện để nông dân sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn”, ông Phong kiến nghị.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Thẩm quyền của UBND cấp xã trong lĩnh vực môi trường từ 1/7/2025

T.H |

Nội dung đề cập tại Nghị định 131/2025/NĐ-CP quy định phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Tạo môi trường làm việc an toàn giúp người lao động cống hiến

Thảo Uyên |

Để có vị thế trên thị trường hiện nay, Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị luôn đặc biệt quan tâm đến công tác vệ sinh an toàn lao động nhằm tạo động lực giúp cán bộ, nhân viên, người lao động tận tâm, tận lực cống hiến vì sự phát triển của doanh nghiệp.

Để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, thân thiện

Minh Long |

Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Trị luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp tích cực của các ngành, đoàn thể, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng. Qua đó, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để trẻ em được đảm bảo các quyền cơ bản, được chăm sóc, học tập và vui chơi giải trí lành mạnh trong môi trường an toàn, thân thiện.

Vĩnh Linh: Thả 1 cá thể khỉ nâu nặng 3,5 kg về môi trường tự nhiên

Nguyễn Trang |

Sáng ngày 28/5, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Linh phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thả 1 cá thể khỉ nâu về môi trường tự nhiên.