Sáng 25/5, thảo luận về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”, nhiều đại biểu Quốc hội nhận định, việc ban hành Nghị quyết 43 hết sức kịp thời, hợp lòng dân.
Vực dậy cả cung và cầu của nền kinh tế
Các đại biểu cho rằng, các chính sách đưa ra trong Nghị quyết có tính chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bổ sung nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động khác để thực hiện chính sách an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, vực dậy cả cung và cầu của nền kinh tế.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đã có phân tích sâu và khá “dí dỏm” về nội dung này. Ông cho rằng, Nghị quyết 43 ban hành vào đầu năm 2022 và dự kiến thực hiện trong năm 2022-2023 với mục tiêu phục hồi kinh tế sau COVID-19. Nếu chỉ có COVID-19, các gói chính sách này là không cần thiết, do thực tế năm 2022 nền kinh tế thời điểm đó thừa vốn, lãi suất rất thấp, các gói hỗ trợ cũng không có tác dụng kích thích tăng trưởng. Nhưng ngoài COVID-19, kinh tế giai đoạn 2022 và 2023 có những vấn đề khác (chiến tranh, kinh tế toàn cầu biến động, vỡ bong bóng tài sản), nên cuối cùng gói hỗ trợ này lại phần nào phát huy được hiệu quả.
“Thêm vào đó, chính việc chậm triển khai Nghị quyết 43 khiến nó mang lại hiệu quả. Vì nếu triển khai mạnh vào đầu 2022 khi mới ban hành thì Nghị quyết 43 sẽ bơm thêm vào bong bóng tài sản lúc đó đang phình to. Nhưng vì việc triển khai Nghị quyết 43 chậm, vào lúc bong bóng đã qua đỉnh và bắt đầu quá trình hạ cánh, nên Nghị quyết 43 có tác dụng giúp Việt Nam ‘hạ cánh mềm’, thay vì hạ cánh cứng như nhiều nước khác”, đại biểu Hà Sỹ Đồng phân tích.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, sự thất bại của gói lãi suất 2% (chỉ giải ngân được 3,05%), nhìn ở khía cạnh nào đó cũng “chưa hẳn là thất bại”. Nếu gói này hoạt động tốt, chắc chắn việc đối phó với lạm phát trong năm 2022 của Việt Nam khó khăn hơn rất nhiều, như giai đoạn gói kích cầu 2009 đã gây lạm phát của năm 2011. Vì những yếu tố đó, Việt Nam đã không lâm vào lạm phát cao như nhiều nước phát triển như Mỹ và EU. Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng khá. Dù thấp hơn chỉ tiêu của Quốc hội nhưng vẫn được coi là ổn.
Điều hành của Chính phủ khá linh hoạt
Nhận định Nghị quyết 43 đưa ra các giải pháp hợp lý vào thời điểm đó, theo đại biểu, sau này Chính phủ có nhiều giải pháp điều hành khác mang lại hiệu quả cũng rất tốt, như, giảm thuế xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới tăng, gia hạn nộp thuế…
Rút ra một số bài học, đại biểu cho biết, trong bối cảnh siết chặt kỷ luật, kỷ cương của bộ máy thực thi, các chính sách nên ưu tiên tính khả thi. Gói hỗ trợ lãi suất 2% không thực hiện được do không khả thi. Trong khi đó, các gói giảm thuế VAT phát huy hiệu quả cao, do biện pháp này dựa trên các thủ tục thuế có sẵn. Giảm thuế VAT cũng gặp vấn đề khi phân loại hàng nào có mức thuế 8%, hàng nào có mức thuế 10%. “Nếu được làm lại, có lẽ gói VAT nên giảm đồng loạt xuống 8% thì sẽ tốt hơn”.
Đánh giá điều hành của Chính phủ khá linh hoạt, chủ động đưa ra thêm các giải pháp khác để ứng phó với tình hình, đại biểu nêu rõ, giảm thuế xăng dầu là giải pháp vô cùng thiết thực khi giá nhiên liệu toàn cầu tăng, lại giúp cho quá trình phục hồi kinh tế diễn ra thuận lợi hơn.
Gia hạn nộp thuế đến cuối năm, giải pháp này cũng rất thiết thực, vì doanh nghiệp như được vay một khoản ngắn hạn lãi suất 0%, có tác dụng rất lớn đối với các doanh nghiệp khi lãi suất tăng cao và thủ tục vay ngân hàng khó khăn.
Về chính sách tài khóa, chính sách ở mảng miễn, giảm, giãn thuế phát huy hiệu quả cao do dễ làm. Chính sách ở mảng chi tiền từ ngân sách ra như đầu tư công, hỗ trợ lãi suất tác dụng kém hơn.
“Về đầu tư công, các nước khác sử dụng chính sách đầu tư công để phục hồi kinh tế rất hiệu quả. Nhưng chúng ta gặp nút thắt về pháp luật và siết kỷ cương bộ máy nên đầu tư công không phát huy được hết tác dụng”, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Trị chỉ rõ.
Về chính sách tiền tệ, theo đại biểu, hai năm 2022 và 2023 là “hai năm toát mồ hôi của chính sách tiền tệ. Thời điểm này nhìn lại có nhiều điểm đã làm được và một số điểm còn tồn tại. Song đó là bây giờ nhìn lại, còn vào thời điểm đó mà điều hành được như những gì đã diễn ra có thể được coi là thành công”.
Về lâu dài, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng cần tiến tới sử dụng các công cụ lãi suất để điều hành tín dụng hơn là công cụ về hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng). Ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có tổng kết đánh giá chính sách room tín dụng và tiến tới luật hóa đối với vấn đề này.
“Cũng cần phải nói thêm rằng, có tình trạng tát nước theo mưa. Tức là nhân việc Quốc hội và Chính phủ đang có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mà có ngành xin thêm. Ví dụ như ô tô xin gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ, khiến năm 2022 là năm ngành ô tô có doanh số kỷ lục”, đại biểu nói.
Nhìn một cách khái quát, đại biểu Hà Sỹ Đồng đánh giá, quá trình thực hiện có thể thấy, sự phối hợp giữa Chính phủ và Quốc hội là đặc biệt quan trọng, ví dụ như việc giảm thuế xăng dầu. Chính sách giảm thuế VAT 2% đáng lý ra có thể được điều chỉnh để giảm cho tất cả mặt hàng từ 10% xuống 8% thì lại quá cứng nhắc phụ thuộc vào Nghị quyết 43. Còn chính sách giãn nộp thuế đến cuối năm, nhiều ý kiến đề nghị giãn thêm vài tháng sang năm sau, vì đây là thời điểm giáp hạt đối với doanh nghiệp. Song điều này lại thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Chính phủ ngại điều chỉnh dự toán ngân sách nên đã không trình.
Bài học nữa, theo ông là tập trung vào tính khả thi và chọn thời điểm. Chính sách kinh tế vĩ mô có đặc điểm quan trọng là phải chọn đúng thời điểm. “Một chính sách đúng vào tháng 1 nhưng chưa chắc đã đúng vào tháng 3 khi diễn biến lạm phát, tăng trưởng đã khác”. Do đó, nếu trong tương lai, chúng ta lại có các chương trình, gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô thì phải cân nhắc rất kỹ về yếu tố thời điểm đưa chính sách vào cuộc sống. Còn như Nghị quyết 43 lại cho thời hạn thực hiện 2 năm, trong thời gian đó rất nhiều thứ đã khác. Khủng hoảng kinh tế do COVID-19 rất khác với khủng hoảng khác.
“Nếu gặp tình huống cần chính sách hỗ trợ, thứ đầu tiên cần nghĩ đến là giảm thuế. Thậm chí có thể cân nhắc việc giảm thuế mức lớn và cần tập trung vào một ngành rất cụ thể. Ví dụ vào thời điểm mới bắt đầu hết giãn cách, khôi phục các đường bay thì thậm chí nên tính đến việc giảm VAT hàng không về 0% hoặc giảm các loại phí, lệ phí sân bay. Điều này có thể giúp hàng không phục hồi nhanh hơn”, đại biểu tỉnh Quảng Trị đúc kết.
(Nguồn: TTXVN)