Ngừng dạy thêm, các trường khắc phục khó khăn, tập trung ôn thi cho học sinh cuối cấp

Mai Lâm |

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm học thêm (gọi tắt Thông tư 29) của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực đúng vào thời điểm học sinh cuối cấp đang tập trung ôn thi. Vì thế, các trường học có khối lớp 9 và 12 trên địa bàn tỉnh đang tận dụng tối đa thời gian dạy học chính khóa để truyền thụ kiến thức cho học sinh; đồng thời linh hoạt các giải pháp hướng dẫn ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh khi không còn được tổ chức dạy thêm, học thêm tại trường như trước.

 
Giờ ôn tập Toán của học sinh lớp 9B, Trường THCS Phan Đình Phùng, TP. Đông Hà -Ảnh: M.L 
      

Theo số liệu tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), toàn tỉnh hiện có 9.403 học sinh khối lớp 9; 8.914 học sinh/học viên (trong đó 8.452 học sinh THPT, 479 học viên GDTX) khối lớp 12. Trước khi Thông tư 29 ban hành, toàn tỉnh có 22 trường học cấp THPT, 46 trường cấp THCS có tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm trong nhà trường. Các môn được tổ chức dạy thêm, học thêm chủ yếu là Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Tiếng Anh, Địa lý.

Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 29, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường quán triệt tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh hiểu đúng quy định của bộ. Đồng thời yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát, phân loại học sinh theo kết quả học tập để có cơ sở tổ chức phụ đạo, ôn tập phù hợp, trong đó tập trung đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 có năng lực học tập còn thấp.

Các cơ sở giáo dục tiếp tục khuyến khích, động viên giáo viên phát huy tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, chủ động đăng ký tham gia dạy phụ đạo, ôn tập cho học sinh. Đồng thời cân đối nguồn ngân sách nhà nước được cấp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để chi cho nhiệm vụ này một cách phù hợp nhằm duy trì hiệu quả công tác ôn tập, giúp học sinh có đủ năng lực để tốt nghiệp THCS, tuyển sinh vào lớp 10 THPT và dự thi tốt nghiệp lớp 12.

Tại Trường THPT Đông Hà, hiện có 11 lớp 12 với 468 học sinh. Hiệu trưởng Trường THPT Đông Hà Tạ Thị Thu Hiền cho biết: Năm nay thi cuối cấp có nhiều sự thay đổi so với các năm trước nên từ đầu năm học, trường đã có kế hoạch về công tác ôn tập cho học sinh. Đối với chương trình của lớp 12, ngay từ việc dạy trên lớp, giáo viênđã chú ý hướng dẫn cho học sinh tiếp cận gần nhất với các dạng mẫu đề thi năm nay.

Thầy cô bám vào đề minh họa của Bộ GD&ĐT để tổ chức các lần kiểm tra định kỳ cho học sinh, cách chấm bài kiểm tra cũng sát theo đề minh họa của bộ. Về công tác ôn tập, bước vào học kỳ 2 của năm học này, nhà trường tổ chức ôn tập cho học sinh theo kế hoạch.

“Với các môn Toán, Ngữ văn thì ôn tập theo từng đơn vị lớp vào buổi sáng (theo giờ chính khóa), còn các môn tổ hợp thì học sinh đăng ký danh sách; giáo viên căn cứ vào kết quả học tập để phân loại học sinh theo mức độ và ôn tập vào buổi chiều (học trái buổi). Về kinh phí hỗ trợ cho giáo viên, nhà trường đã bám sát các văn bản của sở lập dự trù kinh phí và trình cấp trên xem xét hỗ trợ từ ngân sách địa phương”, cô Hiền chia sẻ.

Tại Trường THCS Phan Đình Phùng, TP. Đông Hà, năm học 2024 - 2025, có 6 lớp 9 với 242 học sinh. Hiện nay, việc bổ túc kiến thức cho học sinh cuối cấp không được thu tiền theo Thông tư 29 nhưng dự toán ngân sách năm 2025 của trường thì đã được cấp trên duyệt rồi nên không có kinh phí để bù vào khoản hỗ trợ cho giáo viên.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Phan Đình Phùng Nguyễn Thế Nhân, đây là lứa học sinh đầu tiên thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 theo Chương trình Giáo dục 2018, có nhiều thay đổi trong nội dung, hình thức ra đề thi nên sẽ rất khó cho học sinh nếu không được ôn tập kỹ lưỡng. Thông tư 29 có quy định dạy bổ túc không quá 2 tiết/môn/tuần, nếu để ôn tập cho học sinh như vậy là quá ít. “Trước mắt từ nay đến hết năm học, nhà trường bố trí giảm tiết chính khóa cho một số giáo viên có chuyên môn vững, đang dạy các môn Toán, Ngữ văn, Anh văn khối 9 để họ nhận thêm việc bổ túc mỗi tuần 2 tiết cho học sinh. Qua tháng 5 thì trường sẽ tổ chức ôn tập đại trà cho các em thêm một thời gian trước khi thi”, ông Nhân cho biết.

Thầy trò Trường THCS&THPT Bến Quan, đóng ở địa bàn miền núi huyện Vĩnh Linh lại có những khó khăn riêng. Đó là trường có cả 2 khối lớp cuối cấp, chất lượng học sinh còn thấp trong khi giáo viên thiếu nên việc ôn tập cho học sinh khiến ban giám hiệu và tập thể giáo viên nhà trường không khỏi lo lắng. Hiện nay, khối 12 của trường có 3 lớp với 97 học sinh. Ngoài Toán, Ngữ văn là 2 môn thi bắt buộc thì học sinh lựa chọn thêm 2 môn khác để ôn thi nhưng vì ít học sinh, mỗi em lựa chọn mỗi môn học khác nhau (có môn học chỉ 4 em đăng ký trong khi quy định mở lớp phải từ 20 học sinh trở lên), nhà trường lại đang thiếu giáo viên, nên rất khó để bố trí.

“Để đảm bảo kiến thức cho học sinh thi cuối cấp, nhà trường tổ chức dạy bổ túc từ đầu tháng 2 đến khi thi tốt nghiệp đối với học sinh lớp 12. Trước mắt, đối với các môn tổ hợp ít học sinh đăng ký, ban giám hiệu động viên, khuyến khích thầy cô, nhất là các tổ trưởng tổ chuyên môn nêu cao tinh thần tự nguyện nhận dạy bổ túc, bồi dưỡng cho học sinh đăng ký. Với học sinh lớp 9 thì tổ chức theo lớp, bắt đầu từ tháng 3 sẽ dạy bổ túc, 2 tiết/môn/tuần đối với 3 môn Toán, Ngữ văn, Anh văn theo quy định của Thông tư 29” thầy giáo Hồ Duy Hậu, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Bến Quan cho hay.

Trao đổi về vấn đề ôn tập cho học sinh cuối cấp sau khi áp dụng Thông tư 29, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Mai Huy Phương cho biết: Các cơ sở giáo dục có thể tổ chức các đợt kiểm tra, thi thử tốt nghiệp đối với học sinh, từ đó phân tích kết quả kiểm tra, thi thử để đánh giá hiệu quả nội dung, phương pháp dạy ôn tập, dạy bổ sung kiến thức cho học sinh của giáo viên.

Trong quá trình ôn tập, cần làm tốt công tác tư vấn, định hướng tâm lý đối với học sinh, giúp các em tự tin, hứng thú, phấn đấu nâng cao hiệu quả học tập sau mỗi lần thi thử. Đối với học sinh lớp 12, quá trình ôn tập cần nghiên cứu, bám sát định dạng cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 do Bộ GD&ĐT ban hành.

Các tổ/nhóm chuyên môn các môn học cần tổ chức nghiên cứu, thảo luận, rút kinh nghiệm các bộ đề thi tốt nghiệp tham khảo do tổ chuyên môn các trường THPT xây dựng và các bộ tài liệu ôn thi khác để giúp giáo viên, học sinh có tài liệu ôn tập đảm bảo đạt hiệu quả tốt nhất.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

TAGS

Cấm giáo viên dạy thêm cho chính học sinh của mình là hợp lý

Tùng Lâm |

Những ngày qua, dư luận quan tâm nhiều đến việc dạy thêm, học thêm khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Thông tư 29 có tác động rộng lớn trong xã hội, vì đối tượng liên quan là học sinh, phụ huynh, giáo viên và vấn đề dạy thêm, học thêm.

“Siết chặt” quy định dạy thêm, nhiều phụ huynh âu lo

Hoài Nam |

Vừa qua kỳ nghỉ tết Nguyên đán, nhiều phụ huynh lo lắng khi nghe giáo viên thông báo ngừng dạy thêm để thực hiện nghiêm Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mặc dù tinh thần của quy định mới này là giảm áp lực cho học sinh, nhất là đối với học sinh cấp tiểu học, tuy nhiên trên thực tế, xuất phát từ những lý do khác nhau, nhu cầu của phụ huynh đối với việc cho con đi học thêm là có thực. Vì thế, quy định này khiến nhiều người không khỏi lo lắng.

Tránh việc giáo viên 'kéo' học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm

Lê Vân |

Ngày 10/2, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng cho biết, với việc dạy thêm, học thêm, khi phụ huynh vẫn còn nặng nề về thành tích học tập của con, chưa yên tâm chỉ vì con không đi học thêm và chưa thấy hết vai trò của giáo dục gia đình bên cạnh giáo dục nhà trường… việc dạy thêm, học thêm vẫn còn tồn tại ở góc độ tiêu cực.