Nhiều bãi tập kết cát ngang nhiên hoạt động không phép

Lê Trường |

Đã nhiều năm nay, các bãi tập kết cát, sạn ở khu vực dọc sông Thạch Hãn đoạn qua xã Triệu Thành (huyện Triệu Phong) vẫn ngang nhiên hoạt động dù chưa được các cơ quan chức năng cấp phép. Điều đáng nói, quá trình hoạt động, các bãi tập kết này gây ô nhiễm môi trường, làm hư hỏng, xuống cấp hạ tầng giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT), ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của các hộ dân tại đây. Tuy nhiên đến nay, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong Nhân dân.


Ảnh hưởng cuộc sống người dân

Gia đình ông Đỗ Văn Tứ, ở Khu phố 3, Phường 2 (thị xã Quảng Trị) có nhà đối diện bãi tập kết cát cạnh bờ sông Thạch Hãn, ngay chân cầu Thành Cổ (thị xã Quảng Trị). Hằng ngày, lượng lớn các xe ô tô đủ các kích cỡ thường xuyên ra vào các bãi tập kết cát, sạn ở đây để vận chuyển. Theo ông Tứ, xe tải chở nặng qua lại nhiều khiến tuyến đường trước nhà ông hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Gia đình ông phải lắp thêm các màn che trước nhà và đóng cửa gần như suốt ngày để không bị ảnh hưởng.

Ngày cũng như đêm, các đoàn xe liên tục chạy qua lại để vận chuyển cát, sạn từ các bãi tập kết. Mỗi lần có xe đi qua là bụi bay mù mịt. Tại đây, tôi chứng kiến nhiều trường hợp gặp TNGT vì cát rơi trên đường gây trơn trượt khi lưu thông”, ông Tứ bức xúc. Trước những ảnh hưởng của các bãi tập kết cát, sạn này các hộ dân quanh khu vực và gia đình ông Đỗ Văn Tứ đã nhiều lần viết đơn kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền. Nhưng rồi kết quả ông và các hộ dân nhận được vẫn là lời hứa sẽ giải quyết, còn lại đâu vẫn vào đó.

Các bãi tập kết cát, sạn gần khu vực dân cư vẫn ngang nhiên hoạt động dù không được cấp phép - Ảnh: L.T
Các bãi tập kết cát, sạn gần khu vực dân cư vẫn ngang nhiên hoạt động dù không được cấp phép - Ảnh: L.T

“Khoảng 4 năm trước, tôi cùng các hộ dân ở thôn Cổ Thành, xã Triệu Thành (huyện Triệu Phong) và trụ trì chùa Tỉnh hội viết đơn gửi HĐND tỉnh, nhưng vẫn chưa có kết quả. Kiến nghị rồi đơn thư nhiều nên tôi cũng nản lắm, giờ chỉ biết chấp nhận sống chung và cũng hy vọng các cơ quan chức năng sẽ sớm vào cuộc giải quyết”, ông Tứ chia sẻ.

Cách gia đình ông Đỗ Văn Tứ vài trăm mét, hộ ông Đỗ Quang Huy, ở thôn Cổ Thành, xã Triệu Thành (huyện Triệu Phong) cũng gặp tình cảnh tương tự. Gia đình ông Huy sống chủ yếu nhờ kinh doanh hàng ăn uống và tạp hóa đã mấy chục năm nay. Nhà ở vị trí mặt tiền, cách bờ sông Thạch Hãn chỉ một con đường, hằng ngày với lượng lớn các xe tải qua lại vận chuyển cát, sỏi và một lượng lớn bụi bẩn bám vào nhà ông, ảnh hưởng rất lớn đến việc buôn bán.

“Ngày nào tôi cũng phải quét dọn, vì bụi khắp nơi từ bàn ghế, bám dính lên hàng hóa, không dọn thì không có khách đến. Còn tường rào trước nhà tôi phải dùng bạt căng lên, che lại các chỗ hở để ngăn bụi vào nhà”, ông Huy cho biết.

Cần sự vào cuộc, xử lý dứt điểm của chính quyền

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quảng Trị, tại xã Triệu Thành (huyện Triệu Phong), trước năm 2017, địa phương có bố trí phần đất trên bờ sông Thạch Hãn cách chân cầu Thành Cổ khoảng 200 m về phía hạ lưu với diện tích khoảng 6.000 m2 cho một số hộ dân thuê làm bãi tập kết cát, sỏi. Thời điểm đó, UBND xã có thu phí bến bãi và các loại thuế theo quy định. Từ sau năm 2017 đến nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của huyện và do không đúng thẩm quyền trong việc cho thuê bến bãi có thu phí nên xã Triệu Thành chấm dứt việc cho các hộ dân nói trên thuê đất làm bãi tập kết.

Tuy nhiên, sau đó các hộ dân vẫn tiếp tục mở bến bãi tập kết cát, sạn để kinh doanh và hoạt động khai thác trái phép. Đến năm 2018, khi cầu Thành Cổ bắc qua sông Thạch Hãn được triển khai xây dựng, một số hộ có bãi tập kết cát, sạn nằm trong diện di dời và được đưa đến vị trí đã quy hoạch ở khu vực gần cầu Rì Rì, thuộc thôn Cổ Thành. Tuy nhiên, đến thời điểm này, còn 13 hộ có bãi tập kết cát, sạn không có giấy phép vẫn ngang nhiên hoạt động ở ngay chân cầu Thành Cổ.

Theo Chủ tịch UBND xã Triệu Thành Nguyễn Thế Phương, 13 hộ này có 10 bãi tập kết cát, sạn nhưng không có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, không có hồ sơ bảo vệ môi trường, không xuất trình được hóa đơn mua bán hàng hóa và không được cấp phép bến thủy nội địa. Riêng 2 hộ là ông Lê Quang Hạnh và hộ bà Nguyễn Thị Xuân Thủy còn chiếm dụng hành lang an toàn giao thông của tuyến đường ĐH46B để tập kết cát, sạn gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông.

“Hiện trên địa bàn có 11 hộ kinh doanh 10 bãi tập kết cát tự phát và 10 bãi tập kết này không có giấy phép và không nằm trong quy hoạch. Địa phương cũng đã nhiều lần chỉ đạo công an xã phối hợp với công an huyện đến kiểm tra, yêu cầu chủ các bãi tập kết cát kéo các băng chuyền lên khỏi mép sông, nhưng cứ đêm đến, họ lại đưa xuống sông để tời cát lên bãi”, ông Phương thông tin thêm.

Cũng theo ông Phương, mới đây nhất, UBND xã Triệu Thành tiếp tục có văn bản, kiến nghị huyện về phối hợp xử lý các bãi tập kết cát trái phép, đồng thời đưa các hộ kinh doanh này vào khu vực đã quy hoạch.

Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Triệu Phong Lê Nữ Mai Trinh cho biết, cách chân cầu Thành Cổ khoảng 400 m về phía khu vực cầu Rì Rì thuộc thôn Cổ Thành (xã Triệu Thành), UBND huyện đã quy hoạch 32 lô đất để làm bãi tập kết cát, sạn. Hiện đã có 7 hộ được đưa vào khu quy hoạch, còn hơn 10 hộ vẫn đang hoạt động trái phép chưa được đưa vào khu quy hoạch.

Theo bà Trinh, các hộ dân muốn vào khu quy hoạch thì từ năm 2021 phải đấu giá chứ không cho thuê như trước. “Nếu đấu giá thì các hộ dân này khó có thể trúng vì giá đấu có thể giá rất cao. Cho nên, họ cứ bám bãi tập kết không phép để hoạt động. Đây cũng là vấn đề liên quan đến sinh kế của các hộ dân, vì vậy quá trình xử lý gặp rất nhiều khó khăn”, bà Trinh giải thích.

Hiện nay, UBND huyện Triệu Phong đã xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh cho các hộ dân trên di dời đến vị trí mới theo quy hoạch được thuê đất, không đấu giá đối với những trường hợp được miễn giảm tiền thuê đất theo quy định tại Điều 110 của Luật Đất đai năm 2013 và hướng dẫn cho các hộ lập hồ sơ thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, từ đó đến nay các hộ này vẫn không lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền xem xét và tiếp tục sử dụng đất tại vị trí cũ mặc dù không được cấp phép.

Trước tình trạng trên, UBND huyện Triệu Phong giao cho UBND xã Triệu Thành thuyết phục người dân di dời vào khu vực đã quy hoạch. Đồng thời, tiếp tục kiến nghị với tỉnh giải quyết những khó khăn trong việc đấu giá đất để làm bãi tập kết cát sạn đối với các trường hợp nói trên.

Trong thời gian chờ đợi giải quyết, các bãi tập kết cát, sỏi trái phép vẫn tiếp tục hoạt động, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh. Thêm nữa, các bãi tập kết này án ngữ gần khu vực bến thả hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ và đường dẫn vào Khu Lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn gây mất mỹ quan. Vì vậy, chính quyền các cấp cần có động thái cứng rắn hơn để xử lý quyết liệt và dứt điểm tình trạng trên.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Phát hiện 2 thuyền khai thác cát trái phép trên sông Ô Giang

Thành Nam |

Vào lúc 2 giờ 30 phút ngày 3/7, tại đoạn sông Ô Giang thuộc địa phận thôn Tân Sơn, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Hải Lăng phát hiện Võ Văn Tú (sinh năm 1982) và Võ Thị Bé (sinh năm 1982), cùng trú tại xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đang có hành vi điều khiển thuyền kim loại khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép.

Bắt quả tang đối tượng khai thác cát trái phép trên sông Thạch Hãn

Thành Nam |

Thông tin từ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa phát hiện, lập biên bản 1 trường hợp khai thác cát trái phép trên sông Thạch Hãn.  

Chuyện về người phụ nữ kiên trung nơi miền cát trắng Gio Linh

Đan Tâm |

Vào đầu tháng 4/2000, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tổ chức cuộc gặp gỡ đại biểu “Đội quân tóc dài” lần thứ nhất của 32 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở vào tại hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong danh sách đoàn đại biểu tham dự, tôi thật ấn tượng với thành tích công tác và chiến đấu của bà Trần Thị Lành (bí danh Nguyễn Thị Quyền), sinh năm 1945, nguyên quán thôn An Trung, xã Gio Hải, huyện Gio Linh, một cá nhân trong “Đội quân tóc dài” tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị.

Hiệu quả từ ngành công nghiệp chế biến sa khoáng ti tan và cát trắng

Bảo Bình |

Với lợi thế là địa phương có bờ biển dài 75 km, trong đó có khoảng 1.024 km2 khoanh định vào khu vực dự trữ cát trắng, Quảng Trị có nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản cát trắng. Những năm qua, ngành công nghiệp chế biến sâu khoáng sản trên địa bàn tỉnh có bước phát triển vượt bậc, góp phần gia tăng giá trị kinh tế nguồn tài nguyên.