Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, đến 9 giờ sáng 8/9, toàn tỉnh ghi nhận bão số 3 đã làm 3 người chết, 157 người bị thương. Các lực lượng đã đưa được 46 người bị mắc kẹt trên biển và các đảo về bờ an toàn. Quảng Ninh đề nghị hỗ trợ trực thăng tìm kiếm người đang mất tích trên biển.
Bão số 3 gây tê liệt hệ thống viễn thông, mất điện diện rộng trong toàn tỉnh. Mạng viễn thông bị gián đoạn, công tác thông tin liên lạc gặp rất nhiều khó khăn.
Đến sáng 8/9, vẫn còn 3 địa phương bị cô lập về viễn thông là huyện Bình Liêu, Ba Chẽ và Cô Tô. Trong đó huyện Cô Tô sẽ khó khăn hơn. Hai huyện còn lại sẽ cố gắng khắc phục trong ngày 8/9 để khôi phục hệ thống thông tin liên lạc.
Ông Phan Văn Phúc, Giám đốc VNPT Quảng Ninh cho biết, thiệt hại về hạ tầng viễn thông chưa thể thống kê được nhưng rất lớn. Hiện tại đơn vị vẫn đang tiếp tục khắc phục cho từng huyện. Đơn vị đang tỏa lực lượng đi hết các địa phương để khắc phục. Đồng thời, đang điều động khoảng 150 nhân lực là những cán bộ tinh nhuệ từ các tỉnh khác để về ứng cứu, khắc phục toàn diện từ ngày 9/9. Trong ngày hôm nay (8/9) sẽ khắc phục ở các trục chính để đảm bảo thông tin liên lạc, chỉ đạo điều hành của tỉnh, các địa phương, nhân dân. Đến sáng nay, tại một số nơi của thành phố Móng Cái đã có điện trở lại, các địa phương khác vẫn đang mất điện.
Hiện nay, các lực lượng chức năng đang triển khai tìm kiếm cứu nạn trên quy mô lớn ở vùng biển Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơn bão số 3 gây thiệt hại rất nặng nề. Ngoài thiệt hại về người, tỉnh thống kê sơ bộ bước đầu từ các địa phương có 2.083 nhà bị tốc mái, vỡ kính; 6 phương tiện vận tải thủy, 1 tầu du lịch, 18 tầu cá các loại bị chìm, trôi dạt; hàng trăm cột điện; 70% cây xanh tại các độ thị tại 4 địa phương (Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Yên) bị gẫy đổ; có trên 1.000 ô lồng, bè nuôi hàu bị mất, cuốn trôi; 336 ha lúa bị đổ, ngập úng; nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các địa phương bị đổ sập, hư hỏng nặng.
Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay địa phương chưa thể có con số chính xác về thiệt hại do bão số 3 gây ra do bão ảnh hưởng trên rộng (gẫy đổ cột điện 110 KV) và mất kết nối thông tin.
Tỉnh Quảng Ninh đã huy động tổng lực các ngành, địa phương, công an, quân đội và nhân dân tập trung dọn dẹp để sớm ổn định cuộc sống nhân dân.
Tại cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ ông Cao Tường Huy kiến nghị, trước tiên phải khôi phục hệ thống điện, để kết nối thông tin liên lạc. Ngoài ra tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ trực thăng để tham gia tìm kiếm người và phương tiện bị trôi trên biển.
Cùng với đó trung ương sớm có chỉ đạo chính sách hỗ trợ cho các hộ dân là các hộ bị chìm tàu, các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại các lồng bè, các hộ bị tốc mái, hư hỏng nhà, diện tích cây cối hoa màu bị thiệt hại.
Ngoài ra, hiện nay các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu trên biển và đất liền mới chỉ đáp ứng đối phó với bão ở sức gió giật cấp 12, nên khi sức gió giật cấp cao không đảm bảo được.
Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị cần có điều chỉnh nâng cấp các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai gây ra. Đồng thời, đề nghị nâng cấp tuyến đê biển Hà Nam (thị xã Quảng Yên), dài 34 km, bảo vệ cho treeb 6.000 người dân ở 6 xã đảo Hà Nam.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thông tin, theo dự báo bão số 3 đang suy yếu thành áp thấp, dự báo từ nay đến 11/9 sẽ có mưa rào và dông diện rộng ở khu vực Bắc bộ, trong đó tập trung ở trung du Bắc bộ. Ngoài ra, trên dải hội tụ nhiệt đới khoảng từ ngày 15 - 18/9 có khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới/bão trên Biển Đông, nguy cơ bão chồng bão do vậy nhân dân cần hết sức đề phòng.
Hiện tỉnh Quảng Ninh đang tập trung vào thống kê thiệt hại toàn diện để sớm có phương án khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống cho nhân dân và hoạt động sản xuất.
(Nguồn: TTXVN)