Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, trong thời gian thực hiện, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã tăng cường công tác giám sát tại các địa phương triển khai dự án. Qua giám sát tại 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa cho thấy việc thực hiện Dự án 8 bước đầu đạt kết quả khả quan.
UBND các huyện hưởng lợi đã quan tâm chỉ đạo thực hiện Dự án 8, giao nhiệm vụ và phân bổ kinh phí cho các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Các hoạt động của Dự án 8 cơ bản thực hiện theo yêu cầu, định hướng của Hội LHPN tỉnh. Hội LHPN các huyện đã ban hành kế hoạch về hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới như: đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em (PN&TE) trong các hoạt động phát triển KT-XH của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị.
Hội LHPN các huyện đã tập trung triển khai các hoạt động như: hướng dẫn tổ chức sinh hoạt và lập kế hoạch truyền thông cho cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách các cấp hội LHPN ở cơ sở. Đến nay, 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông đã thành lập 90 tổ truyền thông cộng đồng; triển khai chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới (BĐG) và phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức 2 diễn đàn “Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm”, 10 cuộc đối thoại chính sách; thành lập 13 mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại 13 trường; đánh giá kết quả sau khi kết thúc chiến dịch truyền thông; tập huấn xây dựng và thành lập các “địa chỉ tin cậy”; khảo sát nhu cầu hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ của các tổ, nhóm sinh kế; tổ chức lớp tập huấn ứng dụng khoa học công nghê; tích cực giám sát việc tổ chức hoạt động các mô hình của dự án...
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của Dự án 8, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Trị Trần Thị Thúy Nga cho biết: Các hoạt động của Dự án 8 đã nhận được sự phối hợp hỗ trợ của các cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành địa phương và sự đón nhận, tham gia của người dân. Bước đầu các mô hình đã đi vào vận hành hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, nếp nghĩ, cách làm của cán bộ, hội viên, người dân vùng đồng bào DTTS trong phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, trong công tác BĐG và tham gia giải quyết các vấn đề cấp thiết liên quan đến PN&TE.
Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện Dự án 8 đã bọc lộ những khó khăn, hạn chế như: hệ thống văn bản quy định hoàn toàn mới và chưa hoàn thiện nên việc tiếp cận, áp dụng các văn bản của các đơn vị, địa phương còn lúng túng. Một số hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, tảo hôn... vẫn còn tồn tại ở một số địa bàn dân cư. Bất BĐG vẫn còn trong một số thôn bản, gia đình. Một bộ phận đồng bào DTTS chưa chủ động vươn lên thoát nghèo. Bạo lực gia đình, tệ nạn ma túy, các vụ việc xâm hại đối với PN&TE vẫn xảy ra, gia tăng các loại tội phạm mới. Một số cấp ủy, chính quyền cấp xã chưa thực sự vào cuộc để triển khai thực hiện dự án.
Cán bộ hội LHPN cấp cơ sở chưa có nhiều kinh nghiệm nên khó khăn trong triển khai thực hiện dự án. Năng lực của cán bộ Hội LHPN một số xã còn hạn chế, chưa nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn của cấp trên nên việc tham mưu, triển khai các hoạt động của dự án tại địa phương còn chậm.
Việc duy trì sinh hoạt các mô hình đã được thành lập chưa thường xuyên do thiếu kinh phí. Các tổ nhóm sinh kế nhỏ lẻ, manh mún nên cơ sở không có nhu cầu hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ/đồng làm chủ ứng dụng khoa học công nghệ để đạt mục tiêu đề ra.
Nhiều xã chưa thu thập báo cáo số liệu theo hướng dẫn, chưa thực hiện nghiêm túc việc báo cáo định kỳ lên hội cấp trên. Sự phối hợp với một số phòng, ban chưa chặt chẽ, đồng bộ. Tình trạng tảo hôn và di dân tự do, kết hôn không giá thú còn nhiều...
Nguồn vốn cấp trong năm muộn nên các hoạt động triển khai chậm. Tiến độ và tỉ lệ giải ngân còn thấp, việc phân bổ ngân sách không căn cứ vào hướng dẫn thực hiện nội dung trên địa bàn, do đó có 1 số nội dung không thể thực hiện được.
Việc phân bổ ngân sách thực hiện các nội dung Dự án 8 cho các xã thụ hưởng chưa căn cứ vào nội dung, chỉ tiêu thực hiện, do đó một số xã chưa biết sẽ thực hiện và chi tiêu như thế nào. Là địa bàn thụ hưởng nhiều chương trình MTTQ, các cơ quan, ban, ngành các cấp đồng loạt triển khai các chương trình, dự án nên việc tổ chức thực hiện một số hoạt động gặp khó khăn, nhất là hoạt động tập huấn, chưa xác định được những vấn đề cấp thiết liên quan trực tiếp đến PN&TE của từng địa bàn để xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp để định hướng hoạt động cho các xã...
Vì vậy, thời gian tới, UBND các huyện có văn bản điều chỉnh phân công thực hiện Dự án 8, giao nhiệm vụ cụ thể cho Hội LHPN huyện chủ trì để thống nhất chỉ đạo, điều hành xuyên suốt trong hệ thống hội.
Chỉ đạo các phòng, ban phối hợp chặt chẽ với hội LHPN huyện trong thực hiện Dự án 8. Chỉ đạo các đơn vị thực hiện các dự án thành phần trong chương trình nghiêm túc thực hiện lồng ghép giới và giám sát, đánh giá thực hiện BĐG trong các dự án và các chính sách phát triển KT-XH của địa phương.
Quan tâm chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc của hội LHPN và các ngành, các cấp trong quá trình thực hiện. Đối với nguồn ngân sách đã phân bổ để thực hiện Dự án 8, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã triển khai các hoạt động căn cứ theo kế hoạch, chỉ tiêu để thực hiện đảm bảo theo đúng nội dung và quy định về tài chính.
Kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện dự án hằng năm, giai đoạn và đề xuất các giải pháp thực hiện dự án giai đoạn tiếp theo. Hội LHPN huyện tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Dự án 8; xây dựng dự toán ngân sách triển khai dự án bám sát các văn bản, thông tư hướng dẫn của chương trình và các nội dung định hướng và chỉ tiêu phân bổ. Duy trì nâng cao chất lượng mô hình...
Xác định các vấn đề cấp thiết đối với PN&TE vùng núi để có giải pháp triển khai dự án đúng tiến độ giải ngân. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc báo cáo Dự án 8 theo định kỳ, thực hiện bộ chỉ số báo cáo giám sát từ cấp xã, lưu ý vấn đề phân tích giới.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)