Thận trọng trong cấp chủ trương đầu tư các dự án thủy điện mới

Phương Minh |

Hiện nay, tỉnh Quảng Trị tập trung phát triển nguồn năng lượng tái tạo, trong đó ưu tiên phát triển điện gió, điện khí, phấn đấu đến năm 2025, tổng công suất các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 3.000 MW; giai đoạn 2026 - 2030 từ 8.000 MW - 10.000 MW, sau năm 2030 có khoảng trên 10.000 MW, đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung.

Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo dừng cấp chủ trương đầu tư các dự án nhà máy thủy điện mới cho đến khi hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường tổng thể của các dự án thủy điện, điện gió đã cấp chủ trương đầu tư trên địa bàn huyện Hướng Hóa, huyện Đakrông. Đây là bước đi thận trọng, bởi thực tế những năm qua, trên địa bàn cả nước nói chung, khu vực miền Trung nói riêng các công trình thủy điện có những tác động đến môi trường, sinh kế của người dân, công tác phòng, chống thiên tai…

Có lẽ vấn đề tác động của các dự án thủy điện đến môi trường sinh thái và đời sống của con người không còn là điều mới mẽ, nhưng qua thực tế đợt lũ lụt lịch sử năm 2020, từ nghị trường Quốc hội cho đến những hội thảo khoa học, diễn đàn về kinh tế - xã hội, vấn đề tác động của các công trình thủy điện lại được đề cập đến như là tác nhân gây nên lũ lụt lớn, làm biến đổi dòng chảy, tác động đến sinh kế của người dân. Các công trình thủy điện nhỏ được thi công đã mở ra cơ hội việc làm, hứa hẹn tăng nguồn điện năng cho địa phương phục vụ đời sống, quá trình công nghiệp hóa, đem lại nguồn thu cho ngân sách địa phương, nhưng cũng làm mất đi nhiều diện tích rừng tự nhiên, làm biến đổi dòng chảy, gây lũ lụt ở vùng hạ du mỗi khi công trình thủy điện xả lũ… Nhiều nhà phân tích kinh tế đã chỉ ra rằng, do chính quyền một số địa phương cho xây dựng nhiều đập thủy điện trên các dòng sông đã tác động đến môi trường cũng như cuộc sống của những người dân địa phương.
 
  Điện gió ở Hướng Hoá (Ảnh minh hoạ).

Theo thống kê của một tổ chức bảo vệ môi trường, thủy điện hiện đóng góp khoảng 35 - 40% sản lượng năng lượng quốc gia, tuy nhiên số lượng phát triển nhanh chóng của các nhà máy thủy điện đã làm gia tăng vấn đề môi trường - xã hội. Việc xây dựng nhiều đập chính của thủy điện là nguyên nhân tái định cư bắt buộc ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở vùng hạ lưu, gây ra lũ lụt thường xuyên và bất ngờ khi nhà máy vận hành hồ chứa nhưng không cảnh báo trước. Mặt khác, thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy của nước gây nên xói lở bờ sông, làm mất đất canh tác nông nghiệp của người dân. Chất lượng nước vùng hạ lưu do ảnh hưởng bởi đập thủy điện cũng bị giảm sút, người nông dân không có đủ nước cho hoạt động nông nghiệp; nguồn nước cho sinh hoạt và ở các cửa sông hiện tượng xâm nhập mặn hằng năm tăng lên. Những thay đổi dòng chảy còn gây ra các tác động xấu đối với nguồn lợi thủy sản, một số loài không thể sống sót và sinh kế của các ngư dân bị đe dọa.

Như vậy, các công trình thủy điện nhỏ nói riêng cũng như các dự án kinh tế khác nói chung trước khi cấp chủ trương đầu tư phải được thẩm định, rà soát, đánh giá tác động môi trường kỹ càng, đúng các quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế thì mới phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội. Những lỗ hổng trong quản lý của chính quyền địa phương từ những dự án phát triển kinh tế, trong đó có những dự án thủy điện nhỏ trong thực tế đã gây ra những tác hại lớn, đòi hỏi quy trình rà soát, kiểm tra, đánh giá tác động của các dự án thủy điện trong thời gian tới cần nghiêm ngặt, chuẩn xác hơn. Nếu không đánh giá đúng tác động đến môi trường, khi dự án triển khai sẽ là gánh nặng lớn cho đời sống của người dân, trong khi đó doanh nghiệp cũng khó thu được kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh như mong đợi.

Trở lại với sự chỉ đạo tạm dừng cấp chủ trương đầu tư các dự án nhà máy thủy điện mới cho đến khi hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường tổng thể của các dự án thủy điện, điện gió đã cấp chủ trương đầu tư trên địa bàn huyện Hướng Hóa, huyện Đakrông của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị là cách làm thận trọng, đảm bảo hài hòa các lợi ích. Điều cốt yếu là khi dự án được cấp chủ trương đầu tư phải được chính quyền và ngành chức năng rà soát, đánh giá kỹ, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của cư dân ở khu vực liên quan. Có như thế thì dự án của nhà đầu tư mới đạt được mục tiêu kinh tế, đồng thời đảm bảo cuộc sống an toàn, bền vững cho Nhân dân ở nơi có dự án được triển khai. Việc làm này cũng là để thực hiện chủ trương không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế.

 (Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS