Từ đầu năm 2021 đến nay, giá nhiều loại vật liệu xây dựng (VLXD) liên tục tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm, đặc biệt là sắt, thép xây dựng. Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các nhà thầu, doanh nghiệp kinh doanh VLXD mà còn khiến cho các công trình xây dựng, nhất là các công trình nhà ở của người dân cũng bị chậm tiến độ.
Đối với các đơn vị kinh doanh, từ đầu năm 2021 đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng do các nhà sản xuất đưa ra đã nhiều lần thay đổi theo chiều tăng khiến cho số lượng bán ra của các cửa hàng VLXD thô bị giảm mạnh. Đối với doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng dân dụng, giá VLXD tăng dẫn đến chi phí sản xuất tăng mạnh trong khi giá trị đấu thầu công trình không tăng, điều này làm cho lợi nhuận giảm xuống đáng kể, thậm chí thua lỗ. Nguyên nhân chính được cho là do nhu cầu xây dựng nhà ở, các công trình, dự án đang tăng cao đã đẩy giá VLXD tăng theo; đồng thời, tác động của COVID-19 kéo dài trong thời gian qua cũng đã khiến thị trường VLXD trên cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng có nhiều biến động.
Anh Nguyễn Tuấn Phong, Giám đốc Công ty Xây dựng Tuấn Phong cho biết: “Công ty chúng tôi chuyên nhận thi công, xây dựng các công trình nhà ở trọn gói. Nhiều tháng nay, giá các loại VLXD từ cát, gạch, xi măng… đều tăng chóng mặt, trong đó giá sắt, thép tăng đến hơn 40% so với quý 4/2020, khiến công ty bị ảnh hưởng nặng nề do có nhiều công trình đã ký kết hợp đồng trước đó. Công trình của công ty làm hợp đồng với chủ đầu tư theo dạng khoán trọn gói, nên khi giá VLXD tăng, phía nhà thầu phải chịu. Điều này khiến chúng tôi bị “hụt” theo chi phí xây dựng. Nếu nhà đầu tư chia sẻ khó khăn của nhà thầu thì có thể kéo dài thời gian xây dựng, còn ngược lại thì nhà thầu đành chấp nhận chịu lỗ chứ không để bị phạt do bàn giao công trình trễ so với hợp đồng”.
Giá VLXD tăng cao không chỉ khiến các doanh nghiệp, nhà thầu điêu đứng mà đối với người dân đang xây dựng, sửa chữa công trình, nhà ở… cũng rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, hoặc tạm dừng thi công, hoặc chấp nhận chi phí đội lên so với tính toán ban đầu. Vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Sơn và chị Trần Thị Cam đang xây dựng nhà tại phường Đông Lương, thành phố Đông Hà chia sẻ, gần một tháng qua, vợ chồng anh chị luôn đau đầu vì chỉ mới giai đoạn xây móng nền công trình nhưng giá VLXD liên tục biến động và chưa có dấu hiệu chững lại. “Chi phí xây dựng nhà ở của chúng tôi đã tăng thêm khá nhiều dù chỉ mới bắt đầu khởi công. Trong đó, chỉ tính riêng tiền mua sắt thép trên cùng một diện tích sàn xây dựng giá đã tăng 25 - 30 triệu đồng so với giá cùng kỳ năm ngoái”, anh Sơn cho biết.
Theo đại diện Sở Xây dựng, trong quý I năm 2021, giá một số chủng loại VLXD có nhiều biến động, đặc biệt là thép xây dựng. Ngày 19/4/2021, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về việc kiến nghị về giá thép xây dựng. Theo đó, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam kiến nghị Văn phòng Chính phủ có những biện pháp bảo vệ các nhà thầu xây dựng Việt Nam trong nước đang đứng trước nguy cơ phá sản vì tình hình giá thép tăng đột biến trong quý I/2021, đặc biệt là trong tháng 4/2021 vừa qua.
Một số doanh nghiệp xây dựng tại Quảng Trị cũng có cùng nhận định, so với thời điểm quý IV/2020, giá thép hiện nay đã tăng 40% ở hầu hết các loại thép. Bên cạnh đó, trên thị trường hiện nay, các loại vật liệu khác như cát, đá, xi măng cũng đồng loạt tăng. Cụ thể, hiện tại đá xây dựng có giá 280.000 đồng/m3, cát xây dựng 180.000 đồng/ m3, tăng từ 40 - 80% so với thời điểm trước tết Nguyên đán. Các loại vật liệu như xi măng, đá cũng tăng từ 10-30%. Đặc biệt, một số loại như gạch, cát có thời điểm khan hiếm, doanh nghiệp, người dân muốn mua phải đặt trước mới có hàng.
Để giảm thiểu các rủi ro do sự biến động của thị trường, Sở Xây dựng đã triển khai thu thập, đánh giá lại tình hình thực tế và phân ra các nhóm vật liệu để tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan điều chỉnh giá, nhất là đối với các nhóm vật liệu xây dựng tăng cao và đợi đến lúc nào có thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan thì sẽ triển khai thực hiện.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Văn Đức Lợi cho biết: “Trước tình hình biến động của thị trường VLXD trong quý I/2021, Sở Xây dựng đã có văn bản báo cáo với UBND tỉnh cũng như thông tin đến các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh và đề xuất một số giải pháp nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp như tăng cường năng lực về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; thực hiện cập nhật giá gói thầu theo quy định của Nghị định số 10-2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng trước khi tổ chức đấu thầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần rút kinh nghiệm từ khâu lập dự toán dự thầu, khả năng tiên lượng, công tác nghiên cứu thị trường, dự đoán những rủi ro trước khi tham gia đấu thầu xây dựng nhằm hạn chế thiệt hại, bảo đảm tiến độ thi công đúng thời gian quy định. Sở Xây dựng cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan để tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp kinh doanh VLXD trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện, ngăn chặn tình trạng găm hàng, ép giá và có biện pháp xử lý quyết liệt, hiệu quả”.
Thời gian tới, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhằm tìm cách tháo gỡ, bình ổn thị trường VLXD; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chủ đầu tư xây dựng công trình cũng cần nâng cao năng lực, đẩy mạnh sản xuất, phát huy tối đa công suất cung ứng cho thị trường, có biện pháp tiết giảm chi phí, phối hợp trong chuỗi cung ứng nhằm giảm giá thành để ổn định thị trường. Đồng thời chủ động các phương án, kịch bản để từng bước khắc phục khó khăn, đảm bảo phòng, chống dịch, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng trong tình hình COVID-19 đang có diễn biến phức tạp.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)