Thu nhập khá từ trồng rau sạch

Kăn Sương |

“Được địa phương quan tâm tạo điều kiện tham gia lớp học nghề về kỹ thuật trồng trọt, tôi đã đầu tư làm đất để sản xuất rau sạch với các loại giống chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng. Nhờ thời tiết, chất đất phù hợp, bình quân mỗi năm tôi sản xuất 2 vụ, sau khi trừ chi phí lãi gần 100 triệu đồng”, chị Trần Thị Búp ở thôn Tân Linh, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) vui vẻ cho biết về hiệu quả của mô hình rau sạch được mình trồng khá bài bản trên vùng đất khó này.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn rau xanh mướt được xuống giống lại sau khi đã thu hoạch phục vụ thị trường vào dịp tết Nguyên đán Quý Mão, chị Búp chia sẻ về những khó khăn cũng như thuận lợi trong quá trình sản xuất của mình. Trước đây, khi mới lập gia đình, vợ chồng chị rất vất vả. Chồng chị làm nghề cơ khí thu nhập không ổn định, mọi chi tiêu của gia đình chủ yếu nhờ vào sản xuất nông nghiệp.

Mô hình rau sạch của chị Búp được nhiều người dân địa phương học hỏi kinh nghiệm sản xuất - Ảnh: K.S
Mô hình rau sạch của chị Búp được nhiều người dân địa phương học hỏi kinh nghiệm sản xuất - Ảnh: K.S
Tuy nhiên, dù chăm chỉ lao động nhưng phương thức canh tác lạc hậu nên gia đình chị chỉ đủ sống qua ngày. Không thể chấp nhận kinh tế yếu kém mãi, chị Búp chịu khó học hỏi kinh nghiệm sản xuất hiệu quả của những hộ gia đình khác trong thôn, xã. Nhận thấy khí hậu ở vùng mình sống khá ôn hòa, đất đỏ ba dan màu mỡ nên chị đầu tư trồng 1 ha cà phê và 1 ha các loại cây như gừng, nghệ, khoai môn, hoa màu khác.

Qua một thời gian trồng trọt, chị thấy các loại cây như cà phê, gừng, nghệ phát triển tốt, năng suất, chất lượng khá cao, cho thu nhập ổn định nhưng các loại hoa màu thì không hiệu quả. Năm 2020, chị được tham gia lớp học nghề về kỹ thuật trồng trọt trong thời gian 9 tháng tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hướng Hóa. Vừa học, vừa được giáo viên trung tâm tận tình chỉ bảo thực tế trên các mô hình rau màu nên chị dễ dàng nắm bắt kiến thức để áp dụng vào thực tiễn.

Sau khi hoàn thành khóa học nghề, chị quyết tâm triển khai thực hiện ngay mô hình sản xuất rau sạch. 2 sào đất hoa màu trước đây kém hiệu quả, chị chuyển đổi sang trồng các loại rau như bắp cải, súp lơ trắng, súp lơ xanh, cà rốt, đậu cô ve...

Để rau phát triển tốt, chị chú trọng khâu làm đất, tạo độ tơi xốp, làm sạch cỏ, hạn chế sâu bệnh hại rau. Phân bón cho rau chủ yếu dùng phân chuồng đã hoai mục kết hợp bón thúc thêm NPK, phân đạm. Chị không phun thuốc bảo vệ thực vật mà dùng thuốc sinh học để tạo ra sản phẩm an toàn. Giống rau đưa vào trồng cũng được chị chọn lựa kỹ lưỡng, có xuất xứ rõ ràng.

Bên cạnh đó, hằng đêm chị đều cẩn thận soi đèn pin bắt sâu bảo vệ rau, hạn chế tối đa rau bị hư hại. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên rau của nhà chị cho năng suất, chất lượng cao; sản phẩm được thương lái vào tận vườn mua hoặc người dân trong vùng đặt hàng chị đưa về giao tận nhà.

“Về hiệu quả kinh tế, mô hình trồng rau màu cho thu nhập cao hơn nhiều loại cây trồng truyền thống khác nhưng gia đình chỉ sản xuất được 2 vụ do điều kiện thời tiết mùa hè khắc nghiệt. Tôi rất mong muốn các cấp, ngành chức năng quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng nhà kính để có thể sản xuất được rau sạch quanh năm, phục vụ nhu cầu của người dân”, chị Búp cho biết.

Từ ngày trồng rau sạch, thu nhập của gia đình chị Búp khấm khá hẳn. Ngoài trồng trọt, chị còn xây dựng chuồng trại để chăn nuôi 30 con lợn thịt, 6 con lợn nái và 6 con bò. Tổng thu nhập từ nuôi trồng của gia đình chị trong 2 năm vừa qua đạt gần 200 triệu đồng/năm. Nhờ đó, chị có điều kiện đầu tư cho 1 người con đi du học, 2 người con đang học THPT.

Quyền Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hướng Hóa Phạm Công Vũ cho biết: “Chúng tôi rất vui vì đa số học viên sau khi hoàn thành học nghề đã ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như mô hình sản xuất rau sạch của chị Búp.

Thông qua việc học nghề về trồng trọt, chăn nuôi, nhiều người dân đã góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp với điều kiện tại địa phương. Hiện nay, mô hình rau sạch của chị Búp được đơn vị lấy làm điểm để các học viên đến tham quan, học hỏi, tạo động lực để người dân trong huyện cùng tham gia sản xuất thực phẩm an toàn”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hỗ trợ người dân Quảng Trị 12 tấn hạt giống rau để khôi phục sản xuất do thiên tai

B.A |

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định xuất cấp hạt giống rau từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Mô hình mới về nuôi cá chình bông và trồng rau thủy canh trong hệ aquaponics ở Vĩnh Linh

Nguyễn Trang |

Ở Quảng Trị, cá chình không phải là đối tượng nuôi mới, nhưng đầu tư ứng dụng công nghệ cao nuôi cá chình bông và trồng rau thủy canh trong hệ aquaponics khép kín là hình thức, quy trình nuôi hoàn toàn mới. Mô hình quy mô đầu tiên được thử nghiệm vào tháng 12/2021 tại hộ anh Tạ Quang Hưng, thôn Huỳnh Công Đông, xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh. Mô hình đã nhận được sự hỗ trợ về kiến thức, kỹ thuật, nguồn vốn từ huyện Vĩnh Linh với định hướng xây dựng nên phương thức nuôi trồng thủy sản chất lượng cao tại địa phương.

Vụ rau VietGAP rởm bán trong siêu thị: Rà soát lại việc cấp chứng nhận

PV |

 

 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm soát lại quá trình cấp giấy chứng nhận VietGAP và phối hợp với các cơ quan liên quan, xác minh công việc xuất hiện rau VietGAP rởm.

Cam Lộ: Cây rau đay quả dài cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/ha

Anh Vũ |

Sau gần 4 tháng xuống giống, cây rau đay quả dài được huyện Cam Lộ (Quảng Trị) trồng thử nghiệm phát triển rất tốt, cho năng suất khoảng 20 tấn/ha.