Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển về năng lượng tái tạo. Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có 32 nhà máy điện năng lượng tái tạo đã vận hành phát điện với tổng công suất 1.100 MW, trong đó phải kể đến 19 nhà máy điện gió ở phía Tây của tỉnh với tổng công suất 671,1 MW.
Do hệ thống sông, hồ ở tỉnh Quảng Trị đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, có độ dốc cao, lòng sông hẹp, nhiều ghềnh thác nên rất thuận lợi để phát triển thủy điện nhỏ. Đến nay đã có 17 dự án thủy điện với tổng công suất 260,5 MW được phê duyệt. Ngoài dự án thủy lợi-thủy điện Quảng Trị có công suất 64 MW, Quảng Trị đã có 9 dự án thủy điện nhỏ đi vào hoạt động với tổng công suất 103,5 MW, có 7 dự án thủy điện nhỏ đang triển khai xây dựng với tổng công suất 93 MW, dự kiến đầu năm 2024 hoàn thành phát điện. Có 4 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 31 MW và 1 dự án thủy điện tích năng có công suất khoảng 1.000 MW đang được các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu…
Về năng lượng gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đảm bảo tốt cho việc khai thác sử dụng. Vận tốc gió đạt >7m/s, xuất hiện ở cả vùng núi phía Tây và vùng ven biển, đặc biệt ở đỉnh núi thuộc dãy Trường Sơn vận tốc gió khoảng 8,5 đến 9,5 m/s.Hiện nay, ngoài 4 dự án điện gió có tổng công suất 110 MW đã được Bộ Công thương phê duyệt, tỉnh Quảng Trị tiếp tục đề xuất và được Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch thêm 27 dự án điện gió, với tổng công suất 1.067,2 MW.
Ngoài ra, tỉnh đã trình Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, bổ sung quy hoạch thêm 54 dự án điện gió với tổng công suất 2.883,65 MW và 15 dự án đang giai đoạn nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất khoảng 3.410 MW. Từ 2 dự án có tổng công suất 60 MW do Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu đầu tư xây dựng và phát điện đạt hiệu quả, tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư thêm 29 dự án điện gió. Đây chính là cơ sở và động lực để khai thác hết tiềm năng, lợi thế về năng lượng gió của tỉnh Quảng Trị.
Đến cuối tháng 11/2021 trên toàn tỉnh Quảng Trị đã có 17 dự án điện gió với tổng công suất 611,1 MW được nghiệm thu phát điện và vận hành thương mại thành công. Hiện nay, có 12 dự án điện gió với tổng công suất 454 MW, tiếp tục được các nhà đầu tư gấp rút triển khai thi công xây dựng, dự kiến cuối năm 2023 sẽ vận hành thương mại.Theo kết quả khảo sát ở Quảng Trị có giờ nắng bình quân năm và cường độ bức xạ mặt trời khá cao, cả năm có tới hơn 1.910 giờ nắng; bức xạ trung bình 4,35 kWh/m2 /ngày. Mặt khác, với đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng, dọc vùng ven biển Quảng Trị có những vùng cát nội đồng giá trị sản xuất thấp nên có thể mở hướng phát triển năng lượng trên những vùng đất khô cằn, nắng gió kém hiệu quả kinh tế nên tỉnh Quảng Trị đã thu hút nhiều nhà đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời.
Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Trị có 3 dự án điện mặt trời với công suất 149,5 MWp đã hoàn thành phát điện thương mại; 19 dự án điện mặt trời đã được UBND tỉnh trình Bộ Công thương xem xét bổ sung quy hoạch với tổng công suất 1.391 MWp; 2 dự án đang triển khai khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất 115 MWp.Ngoài ra, điện mặt trời mái nhà cũng được người dân và nhiều nhà đầu tư quan tâm đầu tư theo cơ chế khuyến khích của Chính phủ. Đến nay, Quảng Trị có gần 800 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã vận hành phát điện.
Đối với năng lượng biển, tỉnh Quảng Trị có gần 75 km đường bờ biển với hàng triệu km2 mặt biển rộng lớn có khả năng khai thác sử dụng các nguồn năng lượng biển như năng lượng gió trên biển, năng lượng sóng biển, thủy triều, năng lượng dòng hải lưu, nhiệt biển…nên rất cần được điều tra cơ bản, đánh giá chính xác tiềm năng các nguồn năng lượng nói trên để tập trung đầu tư, khai thác.
Theo tính toán, tổng nguồn năng lượng của Quảng Trị khoảng trên 18.000 MW. Vì thế, tỉnh Quảng Trị phấn đấu phát triển các dự án năng lượng trên địa bàn đến năm 2025 đạt công suất phát điện trên 3.000 MW, giai đoạn 2026-2030 đạt từ 8.000-10.000 MW, sau năm 2030 có khoảng trên 10.000 MW.
Hiện nay, phát triển công nghiệp năng lượng được xem là trụ cột quan trọng để Quảng Trị có điều kiện phát huy vai trò của mình trong liên kết vùng. Với các dự án năng lượng đã đang và sẽ triển khai, chính là tiền đề và động lực quan trọng để Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung và của cả nước.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)