Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nói về kỳ án "buôn lậu" gỗ trắc:

Tòa án dùng kết quả giám định "chui" để tuyên buộc tội "buôn lậu"

Lâm Chí Công |

Ngày 15.8, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị đã chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình về những vấn đề liên quan đến vụ án bị cho là buôn lậu gỗ trắc xảy ra tại Quảng Trị và Đà Nẵng kéo dài gần 9 năm.  

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng: "Tòa phúc thẩm đã căn cứ vào biên bản giám định được lập nên bởi những cơ quan, cá nhân không có tư cách pháp nhân về giám định tư pháp, hay nói cách khác là kết quả của "giám định chui" không có giá trị pháp lý để buộc tội các bị cáo là "buôn lậu" và "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Báo cáo giám sát số 77/BC-ĐĐBQH ngày 5.8.2019 của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đã chỉ rõ những sai phạm nghiêm trọng của Kết luận giám định (KLGĐ) suố 783 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (từ đây viết tắt là Viện Sinh thái).

Đại biểu Quốc hội giám sát tại phiên tòa. Ảnh: Hưng Thơ
Đại biểu Quốc hội giám sát tại phiên tòa. Ảnh: Hưng Thơ
 KLGĐ 783 do Viện Sinh thái ban hành nhưng theo xác định của HĐXX thì đây là cơ quan “không có kiến thức chuyên môn để xác định khối lượng gỗ”. Do “không có kiến thức chuyên môn để xác định khối lượng gỗ” nên Viện này làm công văn mời cơ quan Kiểm lâm vùng 2 tham gia giám định. Nhưng, Kiểm lâm vùng 2 lại không được cơ quan điều tra trưng cầu giám định. Quá trình thẩm vấn công khai tại tòa cho thấy, tất cả các thành viên của Viện Sinh thái và Kiểm lâm vùng 2 tham gia giám định nhưng họ đều không phải là giám định viên tư pháp hoặc là người giám định tư pháp theo vụ việc. Có nghĩa là họ không có tư cách pháp nhân để giám định tư pháp trong vụ án này.

Hồ sơ vụ án được các luật sư công bố tại các phiên tòa cũng cho thấy các thành viên tham gia giám định trong vụ án này chưa được Bộ Tư pháp công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc theo quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh giám định tư pháp năm 2004.

Tại báo cáo giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đã khẳng định: "Toàn bộ quy trình giám định của các cơ quan tiến hành giám định đã được HĐXX nhận định: “là chưa đúng quy định pháp luật về giám định tư pháp” nhưng lại cho rằng “KLGĐ 783 vẫn đảm bảo về mặt pháp lý” là mâu thuẫn, trái ngược không thể nào chấp nhận được".

Về phương pháp giám định khối lượng gỗ, cơ quan giám sát phiên tòa cũng nhận định là không đúng quy định của pháp luật. Tại thời điểm lô gỗ của Cty Ngọc Hưng nhập khẩu, xuất khẩu thì phương pháp đo, tính khối lượng gỗ được áp dụng theo quy định tại Điều 6 Quyết định 59/2005/QĐ-BNN ngày 10/10/2005 và Điều 2 Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN 01/6/2006 của Bộ NNPTNT. Theo đó, trong thỏa thuận giao dịch mua bán cũng như khai báo trên tờ khai Hải quan đối với các mặt hàng gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ đẻo hộp được Cty Ngọc Hưng sử dụng phương pháp đo, tính khối lượng theo đơn vị tính là m3, còn gỗ trắc tròn tận dụng gốc, cành, ngọn được đo bằng ste, quy đổi 1 ste = 0,7m3 gỗ tròn, là đúng quy định của pháp luật.

Tại Thông tư 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 4.1.2012 của Bộ NNPTNT (sau thời điểm lô gỗ trắc của Cty Ngọc Hưng nhập khẩu, xuất khẩu) cũng quy định phương pháp đo, tính khối lượng gỗ như Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN, nhưng có bổ sung quy định: “Đối với gỗ gốc, rễ, gỗ có hình thù phức tạp, gỗ dạng cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ bao gồm cả rễ, thân, cành, lá nếu không thể đo được đường kính, chiều dài để xác định khối lượng, thì cân trọng lượng theo đơn vị là ki- lô- gam (kg) và quy đổi cứ 1000kg bằng 1m3 gỗ tròn”, không quy định cân gỗ xẻ, gỗ đẽo hộp, gỗ xẻ thanh để quy đổi ra khối lượng. Trong khi đó, cơ quan giám định đã áp dụng phương pháp cân trọng lượng để quy đổi ra khối lượng đối với gỗ tròn, gỗ đẽo hộp, gỗ tận dụng gốc, cành, ngọn đều sai quy định pháp luật; đối với gỗ xẻ càng sai.

Theo KLGĐ 783, Viện Sinh thái và Kiểm lâm vùng 2: “đã xác định được tỷ trọng thực tế chủng loại gỗ trắc của lô hàng gỗ tang vật tại thời điểm giám định là: 1,09 (1090kg = 1m3)”. Tuy nhiên, tại KLGĐ 783 Viện Sinh thái và Kiểm lâm vùng 2 lấy trọng lượng đem chia cho tỷ trọng 1000 để quy đổi ra khối lượng (1000kg = 1 m3) là mâu thuẫn. Mặt khác, theo điểm c, khoản 1, Điều 2 Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN ngày 1.6.2006 của Bộ NNPTNT cho phép sai số về khối lượng được xác định cho từng lóng gỗ, tấm gỗ, hộp gỗ: đối với gỗ tròn là ±10%, gỗ xẻ là ± 5%. Trong quá trình tranh tụng, luật sư và các bị cáo đã đề nghị HĐXX cho tính lại khối lượng gỗ theo tỷ trọng 1,090 và áp dụng sai số cho phép theo quy định của pháp luật, nhưng HĐXX không xem xét những tình tiết có lợi này cho các bị cáo.

Các luật sư cho rằng đây là một vụ án oan điển hình của cách làm việc bất chấp pháp luật của các cơ quan chức năng trung ương. Ảnh: H.T
Các luật sư cho rằng đây là một vụ án oan điển hình của cách làm việc bất chấp pháp luật của các cơ quan chức năng trung ương. Ảnh: H.T
 Như vậy, có thể nói rằng KLGĐ 783 ban hành bởi Viện Sinh thái được cơ quan điều tra trưng cầu giám định nhưng không có đủ kiến thức chuyên môn và Kiểm lâm vùng 2 có chuyên môn thì không được cơ quan điều tra trưng cầu giám định; cùng với những người không có tư cách giám định, việc áp dụng phương pháp giám định không đúng quy định của pháp luật, đã làm phát sinh tăng số gỗ trong Kết luận giám định so với số gỗ thực tế doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu, đã làm sai lệch nghiêm trọng bản chất vụ án. Và do đó, HĐXX đã căn cứ KLGĐ 783 để buộc tội các bị cáo là không đủ cơ sở pháp luật vững chắc.

* Ngày 2.8.2019, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội đã có văn bản gửi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nêu quan điểm về vụ án gỗ trắc kéo dài bất thường này: 1. Việc xét xử vụ án “buôn lậu” là có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ kinh tế, vì theo pháp luật thì đó không phải là hành vi buôn lậu. 2. Việc công nhận kết luận giám định 783/STTNSV ngày 26.11.2012 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật là hoàn toàn vi phạm pháp luật vì Viện này không có chức năng giám định tư pháp. Nói cách khác là Tòa phúc thẩm vụ án này đã thừa nhận "giám định chui, giám định ngoài luồng" trái Luật Giám định tư pháp. Việc lý giải của HĐXX cho rằng đây là kết luận hợp pháp là bao biện, xúc phạm công lý. 3. Việc cơ quan điều tra tự ý tổ chức bán 535,8 m3 gỗ trắc của Cty Ngọc Hưng với giá rẻ mạt, thấp hơn nhiều lần so với thị trường, sau đó chuyển cho Tổng cục Hải quan giữ để xử lý vi phạm hành chính là thể hiện rõ sự lúng túng, khuất tất và vi phạm pháp luật nghiêm trọng”.

Từ đó ông Lưu Bình Nhưỡng đã đề nghị các cấp có thẩm quyền nói trên xem xét vụ án theo hướng giám đốc thẩm và đề nghị Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức giám sát vụ án này. 

(Nguồn: Lao Động)