Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 21/7, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.
Nhiều đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì xây dựng Đề án đổi mới hoạt động giám sát để triển khai trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những nội dung đổi mới cụ thể, thiết thực, khả thi, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát.
Giám sát 4 chuyên đề
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thời gian qua, Quốc hội đã chủ động điều chỉnh, cải tiến, đổi mới cách thức tiến hành cho phù hợp với thực tiễn, qua đó đã đạt được những kết quả nhất định, được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Việc xem xét báo cáo được thực hiện nghiêm túc, thảo luận kỹ lưỡng, tiếp tục là phương thức giám sát hiệu quả việc tổ chức và thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội trong thực tiễn.
Chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới với việc tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng. Giám sát chuyên đề tiếp tục được hoàn thiện, kịp thời điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội vẫn còn có những hạn chế như: thời gian dành cho hoạt động chất vấn, đặc biệt là hoạt động “hậu giám sát” còn hạn chế; chưa tiến hành đánh giá đối với việc tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn bằng văn bản; còn thiếu quy định cụ thể về cơ chế hỗ trợ đại biểu Quốc hội tự tiến hành giám sát…
Về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.
Cụ thể Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021; Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành; Chuyên đề 3: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021; Chuyên đề 4: Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
Quan tâm hơn nữa đến hậu giám sát
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, sẽ gây khó khăn cho công tác giám sát thời gian tới. Do đó, đại biểu đề nghị có kịch bản cho việc đi lại, bố trí nhân sự tham gia đoàn, lãnh đạo đoàn giám sát theo hướng danh sách mở, tức là khi khu vực nào có dịch thì phân công đại diện đoàn giám sát ở khu vực đó thực hiện.
Về tài liệu giám sát, đại biểu đánh giá, thời gian qua, báo cáo của các đơn vị gửi về phục vụ công tác giám sát chưa đảm bảo chất lượng. Nếu khâu tiền giám sát có đầy đủ số liệu, được gửi sớm cho thành viên của đoàn giám sát; cộng với sự thẩm định, tư vấn của các cơ quan chuyên môn, chuyên gia sẽ giúp đoàn có đủ cơ sở thực tiễn, khoa học, như vậy giám sát mới hiệu quả.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, báo cáo hậu giám sát rất ít nên không biết sau giám sát địa phương, đơn vị thực hiện thế nào. Đại biểu cũng kiến nghị cần sớm xây dựng cơ chế, quy trình cho đại biểu Quốc hội, tổ đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát của mình.
Đồng tình với bốn chuyên đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra, đại biểu Ngân cho rằng, hai chuyên đề về tiết kiệm chống lãng phí, quy hoạch rất cần thiết, có thể đưa vào giám sát tối cao. Hai nội dung còn lại có thể giám sát chuyên đề.
Ngoài ra, đại biểu Ngân cũng nhấn mạnh, dịch bệnh vẫn rất khốc liệt, có thể và sẽ tiếp tục tái đi tái lại đến năm 2022. Vì vậy, ngoài vấn đề vaccine, vấn đề an sinh xã hội cũng rất quan trọng. Vì vậy, đại biểu kiến nghị cần giám sát gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng và 26.000 tỷ đồng.
Cũng quan tâm đến tác động của đại dịch COVID-19, đại biểu Lê Hoài Trung (Thừa Thiên-Huế) cho rằng, những vấn đề đưa ra để giám sát chuyên đề năm 2022 và những năm tới cần phản ánh thêm diễn biến rất lớn của đại dịch đối với tình hình đất nước.
Đại biểu phân tích, năm 2022 gần như mới bắt đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, vì năm 2021 là năm khởi đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội nhưng đang bị tác động rất lớn của đại dịch. Do đó, năm 2022 cần giám sát để từ đó đưa ra những biện pháp để khắc phục hậu quả và nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế, phát triển đất nước.
“Qua giám sát thấy được cái gì còn khó khăn để hỗ trợ các cơ quan của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân,” đại biểu Lê Hoài Trung chỉ rõ.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chủ trì xây dựng Đề án đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội và thực hiện ngay ở năm đầu nhiệm kỳ.
“Đề án cần định hướng, xác định nội dung tổng quan cho cả nhiệm kỳ khóa XV. Trên cơ sở đó, hàng năm, Quốc hội sẽ xem xét, lựa chọn, quyết định những nội dung chuyên đề giám sát cụ thể, có lộ trình, đảm bảo tầm nhìn toàn diện và căn bản hơn. Trong tình hình phát sinh đột xuất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo với Quốc hội để điều chỉnh bổ sung nội dung giám sát phù hợp hơn," đại biểu Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh.
(Nguồn: TTXVN)