Ngày 6/6, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở lại phiên xét xử phúc thẩm với cựu phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang và các đồng phạm theo đơn kháng cáo của 10 bị cáo và Công ty SADECO.
Trước đó, ngày 5/5, ngày trong phần làm thủ tục bị cáo Nguyễn Trường Bảo Khánh (cựu thành viên HĐTV IPC) có đơn xin hoãn phiên toà do bị nhiễm Covid-19.
Ngoài ra, Công ty Nguyễn Kim vắng mặt (Nguyễn Kim là đơn vị có liên quan đến phần kháng cáo của Công ty TNHH MTV Xây dựng Tân Thuận – IPC) nên sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo Khánh và các cá nhân, tập thể có liên quan.
Theo nội dung vụ án, Sadeco là công ty con của Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC - thuộc UBND TPHCM), với tỉ lệ góp vốn của IPC là 74,8%.
Ngày 26.3.2015, IPC bán đấu giá vốn góp tại Sadeco. Công ty Eximland là nhà đầu tư mua trúng đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phần (chiếm 30,8% vốn điều lệ của Sadeco), với giá 26.100 đồng/cổ phần.
Tháng 9.2016, Công ty Nguyễn Kim mua lại toàn bộ cổ phần của Eximland tại Sadeco với giá 55.000 đồng/cổ phần.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 8.1.2022, TAND TPHCM tuyên bị cáo Tất Thành Cang 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Bị cáo Tề Trí Dũng bị phạt 11 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; 9 năm tù về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt cho cả 2 tội là 20 năm tù.
Bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc (cựu Tổng Giám đốc Sadeco) lĩnh 9 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; 7 năm tù về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt cho cả 2 tội là 16 năm tù.
17 bị cáo khác là đồng phạm của Tề Trí Dũng, Tất Thành Cang bị phạt mức án từ 2 năm tù treo đến 13 năm tù.
Sau bản án sơ thẩm, 10 trong số 20 bị cáo kháng cáo.
(Nguồn: Phụ nữ mới)