Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 29/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI về xây dựng và phát triển Khu kinh tế (KKT) Đông Nam Quảng Trị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Quảng Trị đã thu hút được 68 dự án đăng ký đầu tư vào KKT này với tổng vốn đăng ký trên 296.364 tỉ đồng, trong đó có 16 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn trên 2.052 tỉ đồng; 28 dự án đang làm thủ tục cho thuê đất, xây dựng và triển khai xây dựng với tổng vốn đăng ký trên 141.817 tỉ đồng; 24 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 152.494 tỉ đồng.
Để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện xúc tiến, thu hút đầu tư vào KKT Đông Nam Quảng Trị, thời gian qua tỉnh đã tranh thủ các nguồn vốn từ ngân sách trung ương và các tổ chức khác để xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu. Giai đoạn 2016 - 2021 tổng vốn huy động đầu tư hạ tầng KKT Đông Nam đạt trên 3.445 tỉ đồng. Nguồn vốn này được sử dụng để xây dựng 41 km đường giao thông, 22 km đường dây điện, rà phá bom mìn, vật liệu nổ cho 722 ha đất, xây dựng hạ tầng các khu tái định cư với diện tích 66 ha.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị cũng ưu tiên bố trí ngân sách địa phương thực hiện quy hoạch phân khu xây dựng KKT Đông Nam giai đoạn 2; cắm mốc phân định ranh giới nghĩa địa các xã theo quy hoạch phân khu xây dựng KKT Đông Nam giai đoạn 1 và giai đoạn 2; quy hoạch chi tiết khu tái định cư phục vụ Khu công nghiệp đô thị Việt Nam - Singapore (VSIP); cắm mốc đồ án điều chỉnh và mở rộng quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt…
UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phối hợp Ban Quản lý KKT tỉnh và chủ đầu tư tổ chức thu hồi, giải phóng mặt bằng (GPMB) 484,6 ha, tạo quỹ đất sạch để triển khai xây dựng các công trình. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, áp dụng linh hoạt, đầy đủ các chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB nên Nhân dân đồng tình ủng hộ, cơ bản đáp ứng tiến độ đầu tư xây dựng các công trình, dự án được phê duyệt; từng bước hình thành các điểm dân cư đô thị, khu đô thị.
Có thể thấy, sau hơn 5 năm triển khai Nghị quyết 03-NQ/TU, chủ trương của tỉnh về huy động các nguồn lực đầu tư vào KKT Đông Nam đạt được một số kết quả. Tuy vậy, thực tế việc xây dựng, phát triển KKT Đông Nam Quảng Trị vẫn chưa đạt kỳ vọng cũng như chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, hạn chế cần được giải quyết.
Đó là KKT Đông Nam chưa có cơ chế đặc thù, ưu đãi riêng để tạo sức hấp dẫn nhà đầu tư (ngoài được hưởng cơ chế chính sách ưu đãi cao nhất đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định chung của Nhà nước và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh được quy định tại Nghị quyết 105/2021/ NQ-HĐND ngày 30/8/2021 của HĐND tỉnh đối với doanh nghiệp đầu tư vào Quảng Trị). Nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu hoàn thiện kết cấu hạ tầng của KKT. Nhiều dự án sau khi khởi công còn chậm triển khai đầu tư xây dựng, vốn thực hiện giải ngân đạt tỉ lệ thấp so với tổng vốn đầu tư đăng ký. Công tác thu hồi đất, giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, nhất là rừng phòng hộ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thực hiện mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai một số dự án.
Bên cạnh đó, thời gian qua có một số nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án nhưng năng lực hạn chế, thiếu quyết liệt dẫn đến thủ tục đầu tư chậm hoàn thành, trong đó có những dự án động lực làm ảnh hưởng đến sức lan tỏa, hiệu quả thu hút đầu tư vào KKT như: Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy của Công ty Cổ phần liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy; dự án Nhà máy sản xuất inox và thép hợp kim của Công ty Cổ phần thép hợp kim Tân Việt Quang…
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, các dự án đầu tư sản xuất - kinh doanh lấp đầy các khu công nghiệp, khu chế xuất theo quy hoạch, hình thành cơ bản KKT Đông Nam Quảng Trị để trở thành KKT tổng hợp, đa ngành, năng động, hiệu quả và phát triển bền vững, tỉnh Quảng Trị đang tập trung các giải pháp, tích cực phối hợp, đôn đốc nhà đầu tư hoàn thành và đưa vào hoạt động các dự án động lực đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo thuận lợi thu hút đầu tư.
Tỉnh đang kiến nghị Chính phủ bổ sung dự án Hệ thống đường ống dẫn khí mỏ Kèn Bầu về Quảng Trị và nâng công suất Nhà máy xử lý khí tại Quảng Trị vào Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; bổ sung các dự án nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí từ mở Kèn Bầu vào Quy hoạch điện VIII để kêu gọi đầu tư, đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Đồng thời, tích cực phối hợp với các bộ, ngành trung ương xây dựng và tiếp tục đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho KKT Đông Nam trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Bên cạnh việc đề xuất cơ chế và tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ trung ương, tỉnh cần nghiên cứu ban hành một số chính sách địa phương đối với KKT này như: Hỗ trợ đền bù, GPMB, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật bằng cách ưu tiên một phần vốn từ quỹ đất, thuế tài nguyên trong KKT để đầu tư hoàn thiện những công trình hạ tầng mà nguồn vốn tư nhân không thể đầu tư; hoặc có thể xây dựng cơ chế linh hoạt cho từng dự án, nhóm dự án cụ thể; ban hành danh mục các chương trình, dự án cần kêu gọi đầu tư phù hợp với khả năng, tiềm năng và điều kiện của tỉnh.
Đồng thời, cần có tiêu chí về chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường đối với các dự án đăng ký đầu tư vào KKT Đông Nam làm cơ sở rà soát, lựa chọn dự án trước khi cấp chủ trương cho nhà đầu tư. Để hiện thực hóa KKT Đông Nam Quảng Trị, cùng sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội ở những địa phương nằm trong KTT Đông Nam cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương xây dựng và phát triển KKT Đông Nam Quảng Trị trong những năm tiếp theo nhằm tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)