Chủ động nguồn nhân lực trong bối cảnh khan hiếm lao động nghề biển

Minh Thảo |

Hoạt động đánh bắt chưa hiệu quả dẫn đến nhiều chủ tàu không đủ sức để giữ chân lao động. Bên cạnh đó, nguồn lao động tại địa phương đang “già hóa” do người trẻ không mặn mà bám biển hoặc đi làm việc ở nước ngoài... là những nguyên nhân khiến nhiều xã biển đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Do vậy, để đảm bảo hoạt động đánh bắt, sản xuất, kinh doanh, ngư dân và các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá đã phải thuê nhân lực từ các địa phương khác.


Cơ sở thu mua đầu cá của ông Trần Ngọc Huy, thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh thường xuyên giải quyết việc làm cho 5-7 người. Tiền công của một lao động được trả theo ngày, từ 250-300 ngàn đồng, chủ cơ sở bao ăn trưa.

Theo ông Huy, mỗi năm ông thu mua khoảng 500 tấn đầu cá để cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi trong và ngoài nước. Ngoài thu mua đầu cá tại chỗ, ông còn mở rộng thị trường thu mua tại các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận với số lượng lớn về trữ đông nên người lao động tại cơ sở ông gần như có việc làm quanh năm. “Do nguồn lao động tại địa phương khan hiếm nên tôi phải tuyển từ các địa phương lân cận để đảm bảo việc sản xuất không bị gián đoạn”, ông Huy cho hay.

Cơ sở thu mua đầu cá của ông Trần Ngọc Huy giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động -Ảnh: M.T
Cơ sở thu mua đầu cá của ông Trần Ngọc Huy giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động -Ảnh: M.T

Cũng như nhiều địa phương khác trong xã, thôn Xuân Lộc nhiều năm nay đối diện với tình trạng khan hiếm lao động biển. Toàn thôn có 33 tàu đánh bắt, trong đó có 13 chiếc trên 12 m đánh bắt xa bờ, mỗi tàu cần từ 8-10 lao động cho một chuyến biển. Các tàu đánh bắt gần bờ thì cần ít lao động hơn, chỉ từ 2-3 người.

Trên địa bàn có 7 lò hấp cá, 2 kho đông lạnh, 1 cơ sở sản xuất mặt hàng OCOP... giải quyết việc làm cho khoảng 150 lao động. “Lao động tại địa phương chỉ đáp ứng được 50%, trong khi đó, với sản lượng đánh bắt toàn thôn 1 năm khoảng 1.500 tấn, chế biến 10.000 tấn thủy hải sản, nhu cầu việc làm ở địa phương khá cao”, ông Huy nói.

Toàn xã Gio Việt có 134 tàu thuyền, trong đó tàu có chiều dài trên 15 m là 39 chiếc, giải quyết việc làm cho 680 lao động trực tiếp khai thác trên biển. 152 cơ sở sản xuất hậu cần nghề cá của xã giải quyết việc làm cho 629 lao động địa phương.

Theo ông Lê Ánh Hùng, Chủ tịch UBND xã Gio Việt, những năm gần đây, lực lượng lao động theo nghề biển trên địa bàn ngày càng ít do thanh niên trong xã hầu hết đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng... Để đủ lực lượng lao động, nhiều chủ tàu tuyển lao động phổ thông ở các địa phương lân cận cho đủ người đi biển.

“Việc tuyển lao động ở các địa phương khác nhằm đảm bảo cho hoạt động đánh bắt không bị gián đoạn. Tuy nhiên, thường những lao động này chưa có kinh nghiệm đi biển, chưa am hiểu ngư trường đánh bắt nên gặp khó khăn trong hoạt động. Trên thực tế, lao động trên biển là một nghề đặc thù, ngoài sức khỏe cũng cần có những kiến thức cơ bản về kỹ năng nghề nghiệp khác”, ông Hùng chia sẻ.

Như vậy, không chỉ thiếu nhân lực mà lao động biển còn thiếu kinh nghiệm. Đó là thực trạng chung mà nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh phải đối mặt từ nhiều năm nay. Về nhân lực, thanh niên các xã biển không mấy mặn mà với nghề của cha ông mà chọn đi làm việc ở nước ngoài hoặc các công ty trong nước.

Về kinh nghiệm, do phải thuê nhân lực từ nơi khác đến nên không phải ai trong số đó cũng có kinh nghiệm đi biển. Theo các chủ tàu, đặc thù nghề biển không trả lương theo tháng mà tính theo công sức, chia phần trăm lợi nhuận qua từng chuyến biển. Để tìm bạn đồng hành, giải pháp của nhiều chủ tàu là tăng tiền công cho bạn thuyền.

Thậm chí, các chủ tàu còn cho bạn thuyền ứng tiền trước để lo cho gia đình mà yên tâm bám biển. Thêm một lý do khiến việc tìm lao động đi biển khó khăn là vì nhiều chuyến vươn khơi không hiệu quả nên thu nhập của các tàu bị ảnh hưởng; giữa chủ tàu và người lao động không có ràng buộc nên lao động dễ nhảy việc sang tàu khác.

“Hoạt động đánh bắt đa phần do những người theo nghề lâu năm thực hiện. Nếu không có chiến lược phát triển, đào tạo phù hợp, chúng tôi sợ rằng nguồn nhân lực sẽ càng khó khăn và hạn chế”, ông Hùng trăn trở.

Quảng Trị là tỉnh có tiềm năng, lợi thế về biển, với 75 km chiều dài bờ biển trải dài trên 12 xã, thị trấn giáp biển và 4 xã có cửa lạch từ huyện Vĩnh Linh đến Hải Lăng; ngư trường rộng gần 8.400 km2.

Để thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển trong giai đoạn trước mắt và lâu dài, những năm qua tỉnh đã chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch, các chính sách về kinh tế biển theo hướng liên kết, phát triển bền vững. Tỉnh cũng đã thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới tàu có công suất cao, đánh bắt xa bờ.

Đầu tư nâng cấp các cảng cá, các bến cá, khu neo đậu tàu thuyền và tổ chức tốt các dịch vụ hậu cần nghề cá. Tình trạng khan hiếm lao động biển như hiện nay đặt ra yêu cầu tỉnh cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng cả số lượng và chất lượng. Hiện nay đa phần người theo nghề biển trên địa bàn chủ yếu “cha truyền con nối”...

Theo ông Phan Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân kiêm Chủ tịch nghiệp đoàn cơ sở nghề cá thị trấn Cửa Việt, thiếu nhân lực biển là khó khăn chung, vì vậy ngư dân phải linh động trong việc gọi lao động theo thuyền. Ở thị trấn Cửa Việt, mùa hè ngư dân đánh bắt lưới vây, mùa đông đánh bắt bằng lưới rê. Ngư dân tùy theo tính chất công việc cũng như thời gian đánh bắt trên biển để chủ động gọi lao động theo thuyền.

Ông Hùng nhìn nhận, nghề khai thác, đánh bắt thủy sản phải được xem là ngành công nghiệp hiện đại để phát triển kinh tế. Lâu dài cần có chính sách hợp lý về đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng phương tiện, kỹ thuật khai thác, đánh bắt hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.

“Vì vậy, ngành chức năng cần có các lớp tập huấn, đào tạo, huấn luyện các kỹ năng nghề biển cho lao động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả nghề khai thác biển. Kỹ năng nghề biển được nâng cao còn góp phần đáp ứng các quy định về chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Ủy ban châu Âu”, ông Hùng đưa ra ý kiến.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Vĩnh Linh: Cứu hộ và thả cá thể đồi mồi dứa về môi trường biển

Nguyên Đồng |

Ngày 5/12, Đội tình nguyện viên bảo tồn rùa biển xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã tổ chức thả cá thể đồi mồi dứa về với môi trường tự nhiên. Đây là lần đầu tiên sau 10 năm, ngư dân xã Vĩnh Thái mới phát hiện đồi mồi dứa ở vùng biển của địa phương.

Thời tiết ngày 2/12: Mưa dông, gió giật mạnh trên biển

Lê Phú |

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 2/12, ở khu vực từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển Trường Sa) có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.

Hỗ trợ kịp thời 5 thuyền viên tàu cá QB-88991-TS gặp nạn trên biển

Đình Tiến |

Trung tá Nguyễn Đình Cường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng đảo Cồn Cỏ vừa cho biết, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã điều động tàu CN09 của đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ tại âu đảo Cồn Cỏ kịp thời hỗ trợ, đưa 5 thuyên viên tàu cá QB-88991-TS gặp nạn trên biển vào bờ an toàn.

Quan tâm nâng cao chất lượng dân số ở thị trấn vùng biển

Minh Long |

Thời gian qua, thị trấn Cửa Tùng huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng dân số. Nhờ vậy, nhiều người dân địa phương được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ), nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên, thúc đẩy phát triển KT-XH ở vùng biển.