Tại Chương trình “Kết nối Quảng Trị - Thái Lan” được tổ chức tuần qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị thể hiện tâm thế chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại và du lịch.
Đây là dịp để Quảng Trị giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh, cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch đến các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp đến từ Thái Lan; đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ quan, doanh nghiệp, nhà đầu tư tại tỉnh Quảng Trị, các nhà đầu tư đang quan tâm đến Quảng Trị cũng như các địa phương, doanh nghiệp Thái Lan có cơ hội tìm hiểu, hợp tác, giao thương, góp phần thúc đẩy và tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch giữa các bên.
Tỉnh Quảng Trị thuộc vùng Bắc Trung Bộ, với diện tích tự nhiên trên 4.700 km2 và dân số gần 650.000 người; có vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng, vừa nằm trên Hành lang kinh tế Bắc - Nam của Việt Nam, đồng thời nằm trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), con đường ngắn nhất, thuận lợi nhất của ASEAN kết nối Thái Lan, Myanmar, Lào với Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo ra Biển Đông.
Đồng thời là con đường ngắn nhất, thuận lợi nhất kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Những năm qua, phát huy vai trò, vị thế là tỉnh “đầu cầu” về phía Đông của Việt Nam trên EWEC, Quảng Trị đã và đang huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông mới, trong đó có cảng hàng không, cảng biển, đường cao tốc, tạo điều kiện để thu hút đầu tư.
Đây là tiền đề quan trọng để phát huy, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế mà EWEC có thể mang lại cho sự phát triển vùng và khu vực nói chung, trong đó có sự phát triển của tỉnh Quảng Trị. Thu hút đầu tư vào Quảng Trị những năm qua có xu hướng tăng nhanh, được nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm, quy mô các dự án ngày càng lớn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT-XH của tỉnh. Đồng thời đây cũng là tín hiệu thể hiện sự tin tưởng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư và sự nỗ lực của tỉnh Quảng Trị.
Đến nay, Quảng Trị có 19 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,5 tỉ USD, trong đó, có 7 dự án FDI của nhà đầu tư Thái Lan với tổng nguồn vốn đăng ký trên 109 triệu USD. Tuy nhiên, số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư tại Quảng Trị của Thái Lan hiện chưa tương xứng với dư địa phát triển của tỉnh, tiềm năng các doanh nghiệp Thái Lan và mong muốn của hai bên.
Vì thế, tỉnh Quảng Trị tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại và du lịch; như đã quy hoạch chiến lược, quy hoạch tổng thể và mặt bằng để thu hút đầu tư; xác định trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ; phấn đấu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của khu vực Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và cả nước.
Sản phẩm năng lượng sạch của tỉnh sẽ được thương mại hóa để cung ứng cho toàn quốc cũng như cho các quốc gia khác thuộc tiểu vùng sông Mê Kông (GMS); tham gia tích cực và chủ động vào các hoạt động giao thương, liên kết trên EWEC và là hạt nhân quan trọng trong chuỗi cung ứng thương mại, du lịch, vận tải và logistics giữa Quảng Trị với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và các nước Đông Nam Á, Tây Á.
Về phát triển hạ tầng công nghiệp, Quảng Trị có 2 khu kinh tế. Khu kinh tế Đông Nam là nơi có hạ tầng và các chính sách tốt để phát triển đô thị và những ngành kinh tế khác gắn với EWEC. Còn Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo nằm trên Hành lang kinh tế Đông - Tây là một trong những khu kinh tế cửa khẩu quan trọng nhất của Việt Nam với cơ sở hạ tầng khá đồng bộ và có cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội.
Đây là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được Chính phủ Việt Nam lựa chọn tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Đối diện với khu kinh tế này là Khu thương mại biên giới Densavanh, tỉnh Savannakhet, Lào. Hai khu này là một điểm nút quan trọng trên EWEC đang trong quá trình nghiên cứu, lập đề án để xây dựng khu thương mại chung giữa hai nước Việt Nam - Lào.
Bên cạnh đó, Quảng Trị có 5 khu công nghiệp đã và đang được đầu tư hạ tầng cơ bản hoàn thiện, đồng bộ, khá hiện đại với quy mô sử dụng đất trên 1.700 ha phù hợp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư Thái Lan. Công nghiệp năng lượng được Quảng Trị xác định là khâu đột phá trong phát triển KT-XH nhằm phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung và cả nước. Trong tương lai, những khu vực có tiềm năng tài nguyên lớn như mỏ Báo Vàng, Kèn Bầu với trữ lượng dự báo lớn nhất trong lịch sử dầu khí Việt Nam sẽ là nền tảng bổ sung vững chắc cho nỗ lực này.
Mặt khác, Chính phủ và tỉnh Quảng Trị đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng quan trọng, thiết yếu như: Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy, Cảng hàng không Quảng Trị, cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Quảng Trị, Quốc lộ 15D từ Cửa khẩu quốc tế La Lay về Cảng biển Mỹ Thủy, cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo; đường ven biển kết nối với EWEC…
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng và dịch vụ xã hội; cơ sở giáo dục, dạy nghề và y tế chất lượng cao; cơ sở thương mại, dịch vụ, khách sạn và du lịch nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Quảng Trị cũng đang tiếp tục tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng “một đầu mối”, xây dựng chính quyền kiến tạo và phục vụ; lấy thước đo niềm tin, sự hài lòng của doanh nghiệp là mục tiêu cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Quan tâm, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khi nghiên cứu khảo sát, cấp phép, triển khai đầu tư đi vào hoạt động và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh; luôn lắng nghe, đồng hành, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
“Với phương châm “Doanh nghiệp phát triển, Quảng Trị phát triển” và “Quảng Trị phát triển, doanh nghiệp phát triển”, tỉnh hoan nghênh chào đón, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ Thái Lan đến với tỉnh Quảng Trị nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm kinh doanh, đầu tư, triển khai thực hiện dự án hợp tác kinh doanh và đầu tư.
Quảng Trị là điểm đến phù hợp cho các nhà đầu tư nói chung và doanh nghiệp, nhà đầu tư Thái Lan nói riêng, góp phần tối ưu hóa những dư địa, tiềm năng và lợi thế của các bên, hình thành sợi dây kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây giữa Quảng Trị với Thái Lan trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS)” - Đó là thông điệp được phát đi từ Chương trình “Kết nối Quảng Trị - Thái Lan”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)