Định hướng giai đoạn tới, tỉnh Quảng Trị phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao; năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước. Hiện thực hóa mục tiêu trên, thời gian qua tỉnh đã kêu gọi, thu hút được nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước. Để có mặt bằng triển khai các dự án, công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng được đặt lên hàng đầu. Đây cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, áp lực cho nhiều địa phương trong bối cảnh đồng loạt triển khai nhiều dự án, ảnh hưởng trực tiếp đến các tổ chức, cá nhân. Làm gì để Nhân dân đồng thuận khi tỉnh thu hồi đất là vấn đề không mới nhưng trong giai đoạn hiện nay cần có những giải pháp linh hoạt, sáng tạo phù hợp hơn.
Mới đây, tại kỳ họp thứ 7, khóa VIII, HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương thu hồi gần 560 ha để thực hiện 86 dự án; chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích 81,66 ha (trong đó có 41,76 ha đất trồng lúa và 39,9 ha đất rừng phòng hộ) để thực hiện 32 dự án trong năm 2022. Đặc biệt, năm nay tỉnh Quảng Trị khởi công nhiều dự án trọng điểm như: Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 -1.500 MW tại xã Hải An và Hải Ba với quy mô diện tích đất sử dụng hơn 120 ha, tổng vốn đầu tư của dự án hơn 53.600 tỉ đồng; Khu công nghiệp Quảng Trị tại thị trấn Diên Sanh, xã Hải Trường và xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng giai đoạn 1 có diện tích sử dụng đất 97,4 ha, vốn đầu tư 504 tỉ đồng.
Ngoài ra, các dự án trọng điểm như Cảng hàng không Quảng Trị; cao tốc Bắc - Nam phía Đông tỉnh Quảng Trị; Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh; Khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú, huyện Triệu Phong… cũng đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện thủ tục đầu tư. Để các dự án thực hiện đúng tiến độ, sớm đi vào hoạt động, bên cạnh giải quyết các thủ tục hành chính theo quy định thì một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay là thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao quỹ đất sạch cho nhà đầu tư. Đây là nhiệm vụ quan trọng, phải đi trước một bước.
Muốn phát triển công nghiệp, lẽ tất yếu phải thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để có mặt bằng giao nhà đầu tư triển khai dự án. Thực tế cũng cho thấy, phần lớn các dự án khó khăn, chậm tiến độ nguyên nhân chủ yếu do quá trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng không tạo được sự đồng thuận, các bên liên quan chưa tìm được tiếng nói chung. Điển hình như năm 2021, một số dự án điện gió trên địa bàn tỉnh xây dựng phương án, cách tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng chưa tốt, thiếu công khai, minh bạch và không thống nhất khiến một số người dân bất hợp tác.
Rút kinh nghiệm từ công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trong thời gian qua, mới đây, huyện Cam Lộ tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông tỉnh Quảng Trị, dự án thành phần Vạn Ninh - Cam Lộ. Cuộc họp dân ngay sau khi có chủ trương về dự án trên địa bàn của huyện Cam Lộ vừa qua được dư luận đánh giá cao vì chính quyền địa phương, đơn vị quản lý đã khéo léo, linh hoạt lồng ghép thông tin đầy đủ, kịp thời về dự án để tuyên truyền, trong khi người dân vẫn được trình bày nguyện vọng, giải đáp thắc mắc để đảm bảo quyền lợi chính đáng. Dù chưa triển khai thực tế nhưng sự tương tác thông tin ngay từ đầu đã tạo niềm tin trong Nhân dân về dự án này.
Có thể thấy, tuyên truyền là giải pháp quan trọng để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân. Việc tuyên truyền cần thực hiện từ sớm, từ xa như cuộc lấy ý kiến cộng đồng trên là một ví dụ.
Tại buổi kiểm tra thực tế công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Khu công nghiệp Quảng Trị tại Hải Lăng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng nhấn mạnh, tuyên truyền cần đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung để mọi người dân có liên quan đều thông tường về đường lối phát triển của tỉnh, về quy mô, mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của việc thu hồi đất. Muốn làm được điều này cần có sự vào cuộc tập trung quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị để cung cấp thông tin, làm tốt công tác tư tưởng cho Nhân dân. Người dân cần được biết tất cả thông tin liên quan dự án như: diện tích đất bị thu hồi, phương án bồi thường, phương án tái định cư, quy trình đấu giá đất dôi dư cũng như cơ chế sử dụng số tiền thu được từ đất đấu giá...
Không chỉ công khai, minh bạch thông tin mà việc tuyên truyền cần kiên trì, bền bỉ, mềm dẻo để người dân thấy được việc triển khai dự án sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quê hương, cộng đồng và thậm chí là con cháu họ sau này. Đặc biệt, xu hướng hiện nay là xây dựng các khu công nghiệp xanh gắn với đô thị công nghiệp, phát triển hạ tầng thương mại dịch vụ, vì thế cũng cần thay đổi tư duy về tạo việc làm, chuyển đổi sinh kế cho người dân khi bị thu hồi đất. Cần rà soát, tính toán số lượng, trình độ, lứa tuổi của người dân nằm trong vùng triển khai dự án, từ đó lên phương án tạo việc làm khả thi nhất cho nhóm từng đối tượng.
Chúng ta tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhưng cần có điều khoản để yêu cầu doanh nghiệp phải ưu tiên tuyển dụng lao động bị thu hồi đất; tạo cho người dân trong vùng ảnh hưởng dự án những công việc phù hợp, tạo điều kiện người dân mở các dịch vụ “vệ tinh” như xây nhà trọ công nhân, hàng quán ăn uống, dịch vụ phục vụ cho công nhân khu công nghiệp...
Việc thu hồi đất của tỉnh trong những năm qua là phù hợp quy hoạch sử dụng đất và chiến lược phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư, tạo tiền đề cho phát triển KT-XH trong tình hình mới cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà đầu tư và Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.
Vì thế, bên cạnh hình thức tuyên truyền phổ thông, các địa phương có thể thành lập các đội tuyên truyền lưu động theo từng thôn, xóm với người đứng đầu là cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng để “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” vận động, thuyết phục. Ngành liên quan cần chủ động xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ người dân và tổ chức công khai lấy ý kiến cộng đồng dân cư để tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các quyết định thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường thiệt hại… bảo đảm lợi ích và hợp lòng dân nhất.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)