Đại biểu Hà Sỹ Đồng kiến nghị hoàn thiện cơ chế đầu tư, quy hoạch và an toàn giao thông đường sắt

Nguyễn Lý – Cẩm Nhung |

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 16/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đã có một số ý kiến đề xuất nhằm hoàn thiện dự thảo luật, nhằm hoàn thiện dự thảo luật, phục vụ mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của ngành đường sắt.

 
 Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Ảnh: NL 

Đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng dự thảo lần này có nhiều đổi mới theo hướng hiện đại, hội nhập, phù hợp với chiến lược phát triển hạ tầng đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Tuy nhiên, để luật thực sự là động lực cho mô hình tăng trưởng mới, đại biểu đề nghị cần tiếp tục làm rõ và bổ sung một số nội dung quan trọng.

Hoàn thiện cơ chế, huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển đường sắt

Đại biểu đề xuất bổ sung cơ chế rõ ràng về hợp tác công tư (PPP), trong đó cần làm rõ việc chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư, bảo đảm lợi nhuận hợp lý và chính sách ổn định trong suốt vòng đời dự án.

Đặc biệt, cần cho phép khai thác quỹ đất quanh ga và trạm dừng để tái đầu tư cho hạ tầng đường sắt theo mô hình phát triển tích hợp đô thị – giao thông – dịch vụ; ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho các dự án chiến lược, sửa đổi các luật liên quan để tránh xung đột pháp lý, và đầu tư vào những vùng có vai trò kết nối liên vùng, xuyên biên giới, điển hình như tuyến đường sắt Đông Hà – Lao Bảo, thuộc hành lang kinh tế Đông – Tây.

Về quy hoạch đường sắt, đại biểu đề xuất bổ sung quy định rõ ràng trong dự thảo: việc quy hoạch tuyến, ga đường sắt phải bảo đảm kết nối hiệu quả với các hành lang kinh tế quốc tế đã được xác định trong các hiệp định, đặc biệt là các tuyến ven biển và Đông – Tây nối từ cảng biển Việt Nam sang Lào, Thái Lan.

Phân cấp, điều phối rõ ràng, tránh chồng chéo

Đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh sự cần thiết rà soát các quy định để tránh tình trạng “vừa xây dựng, vừa vận hành” giữa các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng. Đồng thời, cần làm rõ cơ chế phối hợp giữa Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương trong quản lý hành lang an toàn đường sắt, bảo trì hạ tầng, tích hợp quy hoạch vào phát triển đô thị, nông thôn. Đề xuất thiết lập đầu mối chuyên trách về đường sắt trong cơ cấu Bộ Xây dựng để bảo đảm hiệu quả quản lý.

Theo đại biểu, Luật cần có lộ trình cụ thể về nội địa hóa với từng loại hình đường sắt, nhất là đường sắt tốc độ cao và đô thị. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất đầu máy, toa xe, linh kiện; khuyến khích chuyển giao công nghệ và quy định tỉ lệ nội địa hóa trong các dự án sử dụng vốn đầu tư công. Đề nghị hình thành các trung tâm nghiên cứu- đào tạo – ứng dụng công nghệ đường sắt, liên kết chặt chẽ với các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và đối tác quốc tế.

Bảo đảm an toàn đường sắt bằng công nghệ hiện đại

Về an toàn giao thông, đại biểu đề nghị quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm hành lang đường sắt, kể cả bằng biện pháp cưỡng chế. Cần sớm ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo để giám sát, điều hành giao thông đường sắt và đẩy nhanh việc xóa bỏ lối đi tự mở, xây dựng cảnh báo thông minh tại các đường ngang dân sinh.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng đề xuất cần xác định rõ trách nhiệm giải trình của các cơ quan trong toàn bộ chuỗi: từ lập quy hoạch, thẩm định, đầu tư đến khai thác. Bên cạnh đó, cần có cơ chế giám sát độc lập, sự tham gia của cộng đồng, chuyên gia và hệ thống thông tin thống nhất về kế hoạch, tiến độ và hiệu quả vận hành.

Cuối cùng, đại biểu Hà Sỹ Đồng khẳng định: “Phát triển đường sắt không chỉ là nhu cầu bức thiết về giao thông, mà còn là chiến lược lâu dài để đảm bảo quốc phòng – an ninh, kết nối vùng, bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.” Kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo với chất lượng cao nhất, trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp này.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

P.V |

Sáng nay 24/5, tại Nhà tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và gia đình tổ chức trọng thể Lễ viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tham gia thảo luận tại tổ

Trường Sơn – Thanh Tuân |

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, hôm nay 23/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tham gia ý kiến thảo luận tại tổ

Trường Sơn – Thanh Tuân |

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều nay 22/5, đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành phiên thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dung đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội đã được sửa đổi, bổ sung mốt số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tham gia ý kiến vào các dự án luật

Trường Sơn – Thanh Tuân |

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng nay 21/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Thực hiện dân chủ cơ sở; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng.