Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch nông thôn ở Quảng Trị

Thanh Trúc |

Thời gian qua, song song với việc xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đã xuất hiện tại nhiều địa phương. Bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống, các loại hình du lịch nông thôn đã và đang phát triển nhanh, bước đầu được du khách đón nhận. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế phát triển, các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, chưa chuyên nghiệp để thu hút lượng lớn du khách.

 

Năm 2011, anh Lê Văn Thắng, ở xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh được UBND xã cho thuê diện tích 4 ha để phát triển trang trại tổng hợp nuôi cá, bò, heo bản và kết hợp với kinh doanh dịch vụ ăn uống, câu cá thư giãn. Anh Thắng nhớ lại, khi mới nhận, khu vực này còn rất hoang sơ, nhưng với niềm đam mê và quyết tâm phát triển thành khu du lịch sinh thái, anh đã đầu tư để gây dựng cơ ngơi thành trang trại tổng hợp kết hợp làm du lịch. Tận dụng lợi thế khu vực phát triển trang trại tổng hợp cận kề diện tích 17 ha Rú Đưng với rừng nguyên sinh có cảnh quan đẹp, sát bờ biển, anh Thắng định hướng phát triển du lịch nông thôn để du khách vừa có nơi tham quan, vừa kết hợp nghỉ ngơi giải trí. Anh Thắng cho biết, đến nay tổng vốn đầu tư cho trang trại tổng hợp đã hơn 1,5 tỉ đồng, doanh thu bình quân hằng năm từ 1,5- 1,7 tỉ đồng, lợi nhuận 300-400 triệu đồng/năm. “Đặc điểm của khu vực này là mùa hè thiếu nước, do đó để trang trại phát huy hiệu quả kinh tế, nhất là phục vụ cho việc nuôi cá lòng hồ thì phải bỏ chi phí đầu tư máy móc để bơm nước ngầm. Qua thực tế hoạt động hơn mười năm, tôi nhận thấy hướng phát triển du lịch nông thôn đối với địa điểm này rất khả thi. Lượng khách tìm đến ngày càng nhiều, nhất là về mùa hè. Tuy vậy, để phát huy hiệu quả hơn nữa mô hình này thì cần phải có thêm nguồn lực đầu tư”, anh Thắng chia sẻ.

Một góc Khu sinh thái Rú Đưng ở xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: T.T​
Một góc Khu sinh thái Rú Đưng ở xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: T.T​

Trên địa bàn huyện Vĩnh Linh còn có mô hình trang trại của ông Lê Hữu Bằng, xã Vĩnh Tú với diện tích 12 ha, nuôi cá nước ngọt, vịt trời, gà, heo bản kết hợp kinh doanh nhà hàng ăn uống và dịch vụ câu cá thư giãn. Doanh thu bình quân hằng năm từ 2-2,2 tỉ đồng, lợi nhuận khoảng 500-600 triệu đồng/ năm. Có thể thấy, các mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp kinh doanh dịch vụ du lịch tại địa phương mang lại hiệu quả tích cực. Việc phát triển loại hình trang trại có hoạt động du lịch sẽ thúc đẩy nông nghiệp sạch phát triển, đồng thời thu hút và tạo công ăn việc làm tại chỗ cho con em địa phương. Tuy nhiên, số lượng mô hình này vẫn còn ít, quy mô nhỏ, các hoạt động dịch vụ du lịch còn đơn điệu, chưa đa dạng, vì vậy hạn chế trong việc thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, chưa đầu tư để quảng bá sản phẩm trang trại du lịch kết hợp với sản xuất nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng như hệ thống đường giao thông, hệ thống điện lưới còn thiếu nên người dân chưa mạnh dạn phát triển loại hình dịch vụ du lịch kèm theo...

Quảng Trị có nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ như Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy, Hải Khê, Triệu Lăng, Vĩnh Kim, Vĩnh Thái..., đảo Cồn Cỏ là địa chỉ nghỉ dưỡng lý tưởng. Rừng Quảng Trị có nhiều cảnh đẹp với hệ động, thực vật đa dạng, phong phú và quý hiếm như Rú Lịnh, Trằm Trà Lộc, Khu danh thắng Đakrông, Rào Quán, Khe Sanh, Khe Gió, Thác Ồ Ồ, Động Brai... là địa điểm lý tưởng để hình thành những khu du lịch sinh thái. Cùng với đó là các sản phẩm ẩm thực đặc trưng phục vụ cho các tuyến du lịch. Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo chú trọng phát triển các làng nghề truyền thống, các nghề tiểu thủ công nghiệp như: Làng nghề cao dược liệu Định Sơn, nón lá Trà Lộc, mứt gừng Mỹ Chánh... để sản xuất các mặt hàng lưu niệm, đặc sản nông nghiệp phục vụ khách du lịch; quan tâm bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống. Đây là những tiền đề quan trọng để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.

Thực tế cho thấy, để kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, cần sớm ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực du lịch, trong đó chú trọng vào các hoạt động du lịch nông nghiệp. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh hoạt động phát triển du lịch nông thôn trong thời gian tới, phải xác định phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn chính là một giải pháp căn cơ để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân nông thôn. Phát triển du lịch nông thôn phải coi trọng lợi ích của người dân, chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, lấy lợi ích của cộng đồng dân cư địa phương là trên hết, lấy văn hóa đặc trưng từng vùng, miền là nền tảng và thế mạnh để tạo sự khác biệt, thương hiệu riêng cho du lịch nông thôn ở địa phương.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Du lịch nội địa trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu tăng mạnh

Đinh Thuận |

Đánh giá của các công ty lữ hành cho thấy, lượng khách nội địa dịp Tết Nguyên đán tăng trưởng đột biến so với năm ngoái trong bối cảnh các tuyến du lịch nước ngoài tạm thời gián đoạn do dịch.

Quảng Trị: Nhiều lao động, viên chức ngành du lịch vẫn chưa thể trở lại làm việc

Tiến Nhất |

Năm 2020, dịch Covid-19 khiến khách tham quan các điểm du lịch, di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giảm sút, nguồn thu từ bán vé các điểm di tích của Trung tâm quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh này chỉ đạt 30% so với năm 2019.

Gợi ý du lịch tiết kiệm dịp Tết

Hải Nam |

Những bí quyết dưới đây sẽ giúp bạn lên kế hoạch cho một chuyến du lịch Tết tiết kiệm, không lo "cháy túi" mà vẫn thỏa sức tận hưởng kỳ nghỉ.

Du lịch miền Trung thắp một ngọn nến...

Trung Hiếu |

Ngành du lịch Đà Nẵng và Hội An đang cố khởi động nhiều hoạt động nhằm thu hút du khách trở lại... Điều đó như "thắp một ngọn nến, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng đêm".