Lâu nay, khi xảy ra tình trạng “sốt giá” bất động sản, người ta thường nghĩ đến ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thì nay giá nhà, đất đang “nóng” lên ở nhiều địa phương trong cả nước.
Do COVID-19 diễn biến phức tạp nên một số người dân không sản xuất, kinh doanh được những ngành nghề truyền thống chuyển sang đầu tư kinh doanh bất động sản, làm cho giới kinh doanh lĩnh vực này càng thêm đông đảo. Có thời điểm sau những đợt COVID-19 tạm lắng xuống đã xảy ra những “cơn sốt” đất ảo ở một số địa phương, do những nhà đầu cơ đất đai “thổi giá”, tạo hệ lụy xấu trong giao dịch của thị trường bất động sản, làm cho công tác quản lý, điều tiết thị trường bất động sản của Nhà nước gặp khó khăn; trong khi đó người dân có nhu cầu mua nhà, đất thực sự không có điều kiện giao dịch, sở hữu, sử dụng tài sản.
Hiện nay, ở nhiều đô thị, hệ thống hạ tầng giao thông, các dự án kinh tế, công trình phúc lợi xã hội ngày càng được đầu tư, hoàn thiện làm gia tăng việc làm, nâng cao chất lượng sống đã làm cho giá bất động sản ở những địa phương này tăng lên là điều dễ hiểu. Người dân trong quá trình tích lũy có nhu cầu mua thêm đất ở, đầu tư sản xuất kinh doanh, tách hộ… là một nhu cầu thực tế luôn tồn tại. Chính quyền ở các địa phương trong chiến lược phát triển đều có quy hoạch quỹ đất phát triển các dự án kinh tế, xây dựng khu dân cư, nhà ở xã hội, do đó đáp ứng được một phần nhu cầu mua nhà, đất của người dân.
Tuy nhiên thời gian qua, nhất là từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021 đã xảy ra những cơn “sốt giá” bất động sản, giá đất tại hầu hết các địa phương trong cả nước tăng nhanh, trung bình tăng từ 20-30% chỉ trong một vài tháng. Như ở Quảng Trị, thông tin về việc xây dựng sân bay ở huyện Gio Linh; về xây dựng trung tâm thương mại của một tập đoàn lớn ở khu đô thị phía Nam thành phố Đông Hà… đã đẩy giá đất ở các khu vực này lên cao.
Tương tự ở các tỉnh Quảng Nam, Bình Phước, Yên Bái… cũng vậy, khi báo chí đưa tin về các dự án lớn sắp triển khai ở nơi này, nơi kia, hay sắp mở rộng quy hoạch đô thị… lập tức xuất hiện đội quân môi giới, đầu cơ đất tấp nập. Họ dùng chiêu thức gây nhiễu loạn thông tin để “thổi giá” nhằm thu lợi bất chính. Ngoài ra còn xuất hiện thêm những hành vi chủ những khu đất rừng, đất nông nghiệp chưa được cơ quan có thẩm quyền cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã tự ý cho san ủi mặt bằng, làm đường giao thông, phân lô rồi rao bán đất nền trái phép.
Tìm hiểu thực tế, việc giá nhà đất tăng đột biến ở một số địa phương thời gian qua không phải là do có nhiều người có nhu cầu mua đất làm nhà ở mà chủ yếu là những nhà đầu cơ vốn ham thu lợi nhuận nhanh nên đầu tư vốn mua đất, rồi mua đi bán lại với nhau. Khi những “cò đất” ra đi, thị trường yên lặng trở lại, nhà đầu tư đến sau lỡ mua đất rồi không biết bán cho ai, vì khi mua thì dễ nhưng bán ra thì khó, chẳng thấy có ai có nhu cầu mua thực sự, thậm chí bán lỗ cũng không được.
Từ thực tế trên, đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp cần có biện pháp để ngăn chặn hoạt động đầu cơ, thổi giá tạo “sốt đất” ảo; siết chặt quản lý đất đai, minh bạch hóa thị trường, đưa thị trường bất động sản trở về đúng với giá trị thực. Đó cũng chính là mong mỏi của những người dân có nhu cầu mua nhà, đất phục vụ đời sống gia đình cũng như mở rộng sản xuất, kinh doanh. Chính quyền, cơ quan chức năng cần minh bạch thông tin về quy hoạch, lộ trình đầu tư về kết cấu hạ tầng để nhà đầu tư, người dân biết, tránh chạy theo phong trào, tâm lý đám đông và rơi vào bẫy của các “cò đất” để rồi tiền mất, nợ mang. Đồng thời làm tốt công tác dự báo cung- cầu trên cơ sở nghiên cứu quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển đất đai, xây dựng nhà ở xã hội để cung cấp cho nhu cầu phát triển nhà ở, đô thị, mở rộng sản xuất, kinh doanh của người dân.
Mặt khác, chính quyền, các ngành chức năng phải nắm chắc tình hình, diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra tình trạng “sốt giá” bất động sản như thời gian qua; đưa giá đất ở các địa phương trở về đúng giá trị thực để người dân có thể tiếp cận, thỏa mãn nhu cầu đất đai, nhà ở. Tăng cường giám sát thị trường đất đai, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin về quy hoạch, chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn, về xây dựng hệ thống giao thông… để “thổi giá”, đưa giá đất lên cao nhằm thu lợi bất chính. Thường xuyên cung cấp thông tin chính xác cho người dân về tình hình đất đai ở địa phương, cảnh giác với những thông tin sai trái của những nhà đầu cơ, “cò đất” nhằm tạo “sốt đất” ảo để thu lợi bất chính, từ đó góp phần làm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)