Đông Hà chiều sâu của đất

Phạm Xuân Dũng |

Nhớ lại 95 năm trước, ngày 5/9/1929, Khâm sứ Trung Kỳ đã ký quyết định thành lập thị trấn Đông Hà thuộc phủ Triệu Phong. Cho đến nay trong 63 tỉnh thành chỉ có thành phố Đông Hà, tỉnh lỵ của một tỉnh là mang tên gọi của một làng quê, từ một làng cùng với nhiều làng đã tạo nên tên tuổi một thành phố, từ làng Đông Hà đến thành phố Đông Hà cũng là chuyện hy hữu.


Lịch sử của một vùng đất dưới góc nhìn địa danh trong rất nhiều trường hợp lại là những câu chuyện lý thú. Ví như thành phố Đông Hà ngày nay lại có nguồn gốc sâu xa từ một làng quê đã hàng trăm năm tồn tại nơi đây với tên gọi Đông Hà. Quá trình phát triển của một vùng quê từ một làng biến đổi thành một đô thị tỉnh lỵ mà vẫn giữ nguyên tên chứa đựng bao điều cần khám phá. Chi ít cũng là sức sống vững bền của chính tên gọi Đông Hà.

Nói đến thành phố Đông Hà, là nhắc đến trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Quảng Trị. Nhưng còn một Đông Hà nữa, có vẻ ít ồn ào hơn nằm ở phía Tây thành phố cũng đã và đang tạo nên những điểm nhấn của một thành phố trẻ. Nếu làng Tây Trì thuộc Phường 1, làng Điếu Ngao thuộc Phường 2 được coi là làng cổ giờ thành trung tâm của Đông Hà thì Phường 3 cũng lại có một trí đặc biệt trong sự ra đời và phát triển của thành phố tỉnh lỵ.

Chợ Đông Hà nằm bên bờ sông Hiếu -Ảnh: VÕ MINH HOÀN
Chợ Đông Hà nằm bên bờ sông Hiếu -Ảnh: VÕ MINH HOÀN

Bởi phường 3 mà hạt nhân là làng cổ Đông Hà đã có quá trình hình thành hằng mấy trăm năm từ thuở đất này mới khai thiên lập địa. Hơn nữa, danh xưng làng Đông Hà đã thành tên gọi của thành phố trẻ hôm nay, một vinh dự không phải làng quê nào trên mảnh đất Việt Nam cũng có được, nếu không nói là một vinh dự hiếm hoi.

Theo Lê Quý Đôn thì làng Đông Hà xưa kia thuộc tổng An Lạc, huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong. Đơn vị hành chính này tồn tại cho đến thời Pháp thuộc, nay thuộc Phường 3, thành phố Đông Hà. Làng Đông Hà với vị trí địa lý thuận lợi như gần sông, gần chợ, về sau gần đường tàu Bắc-Nam nên bà con dễ sinh cơ lập nghiệp. Người dân nơi đây có thể trồng lúa, trồng rau, lại cũng có thể nuôi cá, tôm và buôn bán chạy chợ. Chính vì “đất lành chim đậu” nên theo thời gian, từ mấy hộ ban đầu nay đã quần cư 11 họ tộc cùng nhau cố kết trong tình nghĩa xóm làng xây đắp quê hương trải qua nhiều biến cố long trời lở đất, những đổi thay tận gốc rễ thôn trang.

Tôi có dịp theo chân người dân địa phương về với các làng/phố Đông Hà. Có lần đến thăm di tích thành lập chi bộ đảng ở làng Đông Hà. Cán bộ và người dân kể rằng trong đêm trường nô lệ, đồng chí Nguyễn Đức Kỳ cùng với những người yêu nước đã giác ngộ cách mạng, thành lập chi bộ đảng đầu tiên với những thành viên từ làng Đông Hà, làng Tây Trì, làng Thiết Tràng để quyết tâm cùng đồng bào giành lại độc lập, tự do. Ông Nguyễn Đức Kỳ chính là thân sinh đồng chí Nguyễn Đức Hoan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đã có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.

Theo tác phẩm “Ô Châu cận lục” của tác giả Dương Văn An ra đời giữa thế kỷ 16 thì đã có một số làng như Điếu Ngao, Trung Chỉ, Tây Trì và Thiên Áng, Tiểu Áng về sau đổi thành Đại Áng và giữ nguyên cho đến hôm nay qua nhiều thế kỷ.

Một điều thú vị là tên làng cũng là tên của khu phố, khu phố Đại Áng thuộc phường Đông Lương. Một ngôi làng địa hình bằng phẳng, phong cảnh hữu tình, dân cư thuần hậu lại tọa lạc gần sông Thạch Hãn và các trục đường giao thông nên xưa nay thường được coi hội đủ 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Đông Hà, thành phố bên sông Hiếu -Ảnh: KHÁNH TOÀN
Đông Hà, thành phố bên sông Hiếu -Ảnh: KHÁNH TOÀN

Ông Lê Lành, một bậc cao niên ở đây không giấu vẻ tự hào về quê hương bản quán: “Làng Đại Áng chúng tôi có truyền thống lâu đời với nhiều mỹ tục tốt đẹp, như đạo lý uống nước nhớ nguồn, khuyến học, khuyến tài, thực hiện đám cưới, đám ma văn minh nhưng rất tình nghĩa và trách nhiệm. Từ làng lên phố, chúng tôi cũng rất đồng tình, vì đó là xu thế văn minh. Nhưng dù hiện đại, tân tiến đến đâu, cũng phải giữ lấy bản sắc của quê hương mình.”

Có một câu chuyện rất nhân văn và thú vị khác nữa liên quan đến làng Đại Áng mà có lẽ nhiều người chưa rõ. Cách đây không xa lại có thêm một ngôi làng xuất xứ từ quê hương Đại Áng, đó là làng Đại An, tên hành chính là Khu phố 10, Phường 5, Đông Hà. Làng Đại An có tuổi đời hơn một thế kỷ, gốc rễ từ một ông quan người làng Đại Áng, thấy dân tình phiêu tán, ngụ cư bèn gom về ngược lên phía Tây Đông Hà chừng một cây số lập nên làng Đại An, tồn tại và phát triển cho đến ngày nay, cũng là nơi “đất lành chim đậu”.

Làng cổ Trung Chỉ theo truyền tụng ra đời đúng vào năm Chúa Tiên Nguyễn Hoàng lúc bấy giờ tước Đoan Quận Công được cử vào châu Ô, châu Lý. Như vậy đến nay làng đã có tuổi đời tròn 470 năm. Theo sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An vào giữa thế kỷ 16, trong 59 làng cổ ở huyện Võ Xương thì đã có 13 làng thuộc đất Đông Hà, trong đó có làng Trung Chỉ. Làng Trung Chỉ ngày trước thuộc xã Triệu Lương, huyện Triệu Phong.

Nay tên làng vẫn giữ nguyên và tên khu phố tương ứng cũng là Trung Chỉ, một may mắn mà không phải làng nào cũng có được, khu phố này thuộc Phường Đông Lương, thành phố Đông Hà. Ông Lê Văn Việt, Trưởng làng Trung Chỉ nói, Trung Chỉ là một làng có truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời, mà điều đáng nói nhất trong các công trình tâm linh là đình làng nơi đây. Đình làng thuở ban sơ mới lập làng thì cũng tranh tre nứa lá, sau khi ổn định cuộc sống, dân làng mới có điều kiện dựng đình vững vàng hơn. Còn ngôi đình hiện tại thì ngót nghét hai thế kỷ, được xây dựng vào thời nhà Nguyễn. Đây là một ngôi đình cổ khá đặc biệt, còn lại khá ít ỏi trên mảnh đất Quảng Trị.

Dù qua nhiều tao loạn nhưng vị trí đình làng hầu như không thay đổi, đó cũng là một nét riêng không phải làng nào cũng có. Kiến trúc kiểu nhà rường cổ ba gian hai chái, mái lợp ngói, cột và cửa làm bằng gỗ quý hiếm, vững vàng qua bão tố và bom đạn cùng với nét trang trí hoa văn, những hình chạm trổ tinh xảo đã tạo cho đình làng một vẻ riêng đặc sắc không dễ lẫn lộn.

Chính tại ngôi đình này vào Cách mạng tháng Tám 1945, cán bộ và quần chúng cách mạng đã nhất tề vùng lên hưởng ứng Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay Nhân dân. Cũng tại nơi này, đã diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946. Chính nhờ những giá trị lịch sử hào hùng, kiến trúc độc đáo giàu chất truyền thống mà ngôi đình này đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa của địa phương.

Ngôi đình qua hàng trăm năm đã trở thành chốn linh thiêng mà gần gũi, hun đúc linh khí của làng trao truyền cho người dân từ đời này qua đời khác. Ông Lê Văn Việt dẫn tôi đi thăm quanh làng đã tâm tình: “Tự hào về quê hương mình, nhất là khi Đông Hà đã lên thành phố nhưng cũng phải thấy rằng phải giữ gìn những điều tốt đẹp của gia đình, họ tộc, làng quê, nhất là phải đồng tâm hiệp lực, trên dưới một lòng và giáo dục cho lớp trẻ biết yêu quý truyền thống, yêu quý lao động và sống tử tế, có ích cho bản thân và cho xã hội”.

Đông Hà còn làng Điếu Ngao, Phường 2 giàu truyền thống và bản sắc văn hóa có làng trong phố, phố trong làng, rồi Phường 5 năng động, Phường 4 trẻ trung và những phường với làng phố ven đô ẩn chứa những bề sâu không dễ gì nói hết.

Trong một lần trò chuyện với đồng chí Hồ Sỹ Trung, Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà đã chia sẻ: “Lên đô thị loại II đương nhiên là cả một quá trình phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương, là niềm vui chung của bao người nhưng mọi người, nhất là cán bộ các cấp của thành phố cần phải thấy đó là trách nhiệm để chung sức xây dựng thành phố. Chúng tôi cũng luôn trăn trở về đường hướng phát triển của thành phố. Tất nhiên định hướng thì đã có nhưng vận dụng vào thực tế đòi hỏi sự đồng bộ của quyết tâm, giải pháp và cả cơ chế nữa.”

Hy vọng nhiều vào tương lai phía trước của thành phố Đông Hà.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đô thị Đông Hà, 95 năm một chặng đường phát triển

Minh Tuấn |

Những ngày này, đất trời Đông Hà (Quảng Trị) đang chuyển mình trong một tâm thế mới, một tầm vóc mới và sức mạnh mới. Người dân Đông Hà đang hân hoan mừng vui khi thành phố được “nâng cấp” lên đô loại II. Đây là thành quả của quá trình phấn đấu không ngừng, là kết tinh sức mạnh đoàn kết, ý chí vươn lên của Đảng bộ, quân và dân thành phố Đông Hà.

Tự hào là công dân tiêu biểu của thành phố Đông Hà

Quang Hiệp |

Thời gian qua, danh hiệu công dân tiêu biểu thành phố Đông Hà đã trở thành ước mơ, mục tiêu phấn đấu và là động lực của nhiều người. Từng vinh dự được trao tặng danh hiệu này, những công dân tiêu biểu của thành phố đang từng ngày vươn lên hoàn thiện bản thân, cống hiến nhiều hơn. Họ cũng chính là nguồn cảm hứng cho nhiều người khác.

Góp sức đưa Đông Hà lên tầm cao mới

Kô Kăn Sương |

Trong quá trình xây dựng thành phố Đông Hà trở thành đô thị loại II, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên ở địa phương là cầu nối quan trọng chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến Nhân dân. Đặc biệt, thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các phong trào thi đua của Mặt trận và các đoàn thể có nhiều cách làm hay, thiết thực gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống cho người dân và xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Đông Hà khai thác lợi thế để phát triển toàn diện lĩnh vực thương mại - dịch vụ

Hà Trang |

Xác định thương mại, dịch vụ, du lịch là thế mạnh của địa phương, những năm qua, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, nhằm thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển ngang tầm với vị trí đô thị trung tâm, trở thành ngành mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của thành phố.