Dự kiến gần 14.800 tỉ đồng phát triển kinh tế đêm tại Quảng Trị

Nguyễn Thuấn |

Đây là dự kiến kinh phí triển khai thực hiện Đề án Phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó, ngân sách nhà nước khoảng hơn 100 tỉ đồng, vốn xã hội hóa khoảng gần 14.700 tỉ đồng...


Ngày 8/11, UBND tỉnh Quảng Trị đã họp bàn về dự thảo Đề án “Phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. 

Theo thông tin tại cuộc họp, một số mô hình về kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được hình thành trong thời gian qua. Nhưng hầu hết chỉ phục vụ nhu cầu mua sắm, ẩm thực và đóng cửa trước 22 - 23h. Kinh tế đêm chưa được đầu tư bài bản và đồng bộ, chợ đêm, phố đi bộ hoạt động không thường xuyên và chưa tạo ra sản phẩm đủ sức hấp dẫn khách du lịch.

Đông đảo người dân tham gia tuyến Phố đêm Đông Hà vào tối Thứ 7 hàng tuần - Ảnh: M.L
Đông đảo người dân tham gia tuyến Phố đêm Đông Hà vào tối Thứ 7 hàng tuần - Ảnh: M.L

Tại thành phố Đông Hà có chợ đêm phường 3, chợ đêm phường 2 nhưng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn phải dừng hoạt động do buôn bán ế ẩm. Thị xã Quảng Trị có phố đi bộ Ngô Quyền, hoạt động vào các tối thứ bảy và chủ nhật. 

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Trị cũng thí điểm tour du lịch về đêm tại Thành cổ Quảng Trị, di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải... nhưng chưa hấp dẫn du khách. Các mô hình kinh tế đêm quy mô còn nhỏ, tự phát, tập trung vào dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí, ăn uống, làm đẹp, hầu như chưa tạo được dấu ấn.

Vì vậy, mục đích của Đề án trên nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh này để hình thành các mô hình, sản phẩm độc đáo, khác biệt vào ban đêm. Đồng thời nâng cao chất lượng ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, thu hút khách du lịch đến Quảng Trị tham quan và lưu trú dài ngày. Việc phát triển kinh tế ban đêm để bổ trợ cho các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn tỉnh.

Dự kiến kinh phí triển khai thực hiện Đề án khoảng 14.796 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. Trong đó, ngân sách nhà nước khoảng 101,4 tỉ đồng; vốn xã hội hóa khoảng 14.694,6 tỉ đồng.

Cụ thể, kêu gọi dự án Trung tâm thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí tại công viên sinh thái Cọ Dầu (thành phố Đông Hà) 2.000 tỉ đồng, Trung tâm dịch vụ biên mậu cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) 1.000 tỉ đồng, tổ hợp khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị biển Gio Linh (huyện Gio Linh) 4.000 tỉ đồng…

Từ nay đến năm 2025, Quảng Trị thí điểm 3 - 4 phố đi bộ với các dịch vụ vui chơi giải trí, trình diễn văn hóa nghệ thuật, ẩm thực vùng miền tại TP Đông Hà, thị xã Quảng Trị, thị trấn Lao Bảo; phát triển 2 - 3 cửa hàng, trung tâm mua sắm, phố ẩm thực… Các dịch vụ này hoạt động từ chiều tối hôm trước đến rạng sáng hôm sau.

Đến năm 2030, Quảng Trị phấn đấu thu hút 2 triệu lượt khách du lịch tham gia kinh tế đêm, mở rộng 4 - 5 phố đi bộ, chợ đêm, khu phố mua sắm ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí, trình diễn văn hóa nghệ thuật, hình thành và phát triển ít nhất 2 - 3 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa nghệ thuật đặc sắc mang tính biểu tượng về đêm.

Đông đảo người dân tham gia tuyến Phố đêm Đông Hà vào tối Thứ 7 hàng tuần - Ảnh: M.L
Đông đảo người dân tham gia tuyến Phố đêm Đông Hà vào tối Thứ 7 hàng tuần - Ảnh: M.L

Theo dự thảo Đề án, trong giai đoạn 2023-2025 phấn đấu tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 7-7,5%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 11,7%/năm. Triển khai thí điểm 3-4 khu vực tổ chức tuyến phố đi bộ.

Giai đoạn 2026-2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 8-8,5%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 14,3%.

Phát biểu tại cuộc họp trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam khẳng định phát triển kinh tế ban đêm là cần thiết, phù hợp với xu thế chung của xã hội. Quảng Trị cũng có nhiều tiềm năng, thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm .

Cũng theo ông Nam cần phải nghiên cứu, điều chỉnh về không gian, thời gian cho các hoạt động kinh tế ban đêm , gắn với những hoạt động cụ thể của từng địa phương. Xác định thời gian cụ thể thực hiện đề án, từ đó triển khai quy hoạch có trọng tâm, trọng điểm.

Bước đầu, cần tập trung triển khai thực hiện tại những địa điểm đã có hình ảnh, thương hiệu như thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa)... Sau đó, mỗi địa phương nghiên cứu triển khai các hoạt động đặc thù, phù hợp tình hình thực tế để đa dạng hóa loại hình du lịch.

(Nguồn: VNECONOMY)

TAGS

Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII: Thông qua 22 nghị quyết

Lê Minh |

Sáng 24/10, dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang và các phó Chủ tịch HĐND tỉnh, HĐND tỉnh khóa VIII tiến hành khai mạc kỳ họp thứ 20. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến; lãnh đạo các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang tham dự kỳ họp.

Khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

PV |

Kỳ họp thứ 6 có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng, yêu cầu cao về chất lượng và tiến độ hoàn thành.

Họp báo về Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê

Kim Quy |

Ngày 19/10, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức họp về hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê 29/10 (1923 - 2023) với chủ đề: “Đại tướng Đoàn Khuê – người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị”.

Khai mạc Phiên họp thứ 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

PV |

Ngày 11/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 27. Chủ trì, phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến thì kéo dài trong 5 ngày và tập trung vào 16 nhóm nội dung quan trọng.