Đưa nông sản vượt thung sâu

Cẩm Nhung |

Xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông (Quảng Trị) nằm trong thung lũng giữa trập trùng núi vây bọc.

 

Giữa lòng thung có con sông lớn chảy qua, đến mùa lũ thì dòng nước ngập tràn, miệt mài bồi đắp phù sa làm nên một thung lũng mỡ màu. Trong dãy Trường Sơn đồi và núi cao hiểm trở hiếm nơi nào có diện tích đất màu mỡ nhiều như ở đây. Thung lũng mỡ màu nên sinh ra những sản vật ngon, và suốt 5 năm qua Triệu Nguyên gây dựng hợp tác xã để phát triển, quảng bá các loại nông sản đặc sản để đem về sinh kế cho cộng đồng, rộng hơn là đẩy được giá trị của nông sản địa phương đi xa hơn.

Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi theo chân Trần Huy, thành viên của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Triệu Nguyên trong một chuyến kiểm nghiệm chất lượng hạt đậu trên cánh đồng trong thung lũng. Thế mạnh nhất của Triệu Nguyên chính là trồng trọt. Một vùng bãi bồi màu mỡ hàng trăm hecta, vô cùng thuận lợi để tạo nên những vùng trồng trọt những đặc sản mà người dân ở đây đã quen trồng bấy lâu như bắp, lạc, đậu...

 

Chúng tôi cố bước theo những bước chân thoăn thoắt của Huy trên cánh đồng đậu bạt ngàn đang vào mùa thu hoạch. Đặt chân đến vạt đậu nào, anh đều xắn tay áo lao nhanh đến rồi tự tay hái những trái đậu đã chín, tách vỏ lấy hạt cho vào miệng ăn ngon lành. “Đất của Triệu Nguyên chủ yếu phù sa là điều kiện để người dân phát triển vùng này trở thành một cánh đồng rộng lớn. Cuối tháng 12 khi mùa lũ kết thúc thì vỡ đất trồng xen canh bắp và lạc, tháng 4 trồng đậu. Thổ nhưỡng, khí hậu và chất nước trong thung rất hợp với cây đậu, có những loại như đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen trồng ở đây phát triển tốt, hàm lượng dưỡng chất cao” - Huy cho biết.

Lội giữa những bãi đậu xanh mướt, sục bàn chân vào lớp đất mỡ màng, nghe Huy kể thời kháng chiến chống Pháp, xã Triệu Nguyên nằm trong chiến khu Ba Lòng là căn cứ cách mạng của toàn vùng Bình Trị Thiên. Các đơn vị đóng quân trong thung vừa sản xuất vừa kháng chiến. Bộ đội và dân vỡ đất gieo trỉa xuống bãi bồi màu mỡ hai bên bờ sông củ sắn, củ khoai, hạt bắp, hạt đậu để có lương thực phục vụ tốt cho công cuộc kháng chiến.

 

Những hạt đậu được gieo xuống Triệu Nguyên thuở ấy nay đã thành cây kinh tế chủ lực của 350 hộ dân. Huy nói Triệu Nguyên trước đây là một trong những xã đặc biệt khó khăn, do giao thông đi lại cách trở nên người dân phải chịu cảnh sống tự cung tự cấp. Thiên nhiên phú cho đất đai màu mỡ, xã đã nhìn như một cứu cánh. Chưa có điều kiện khảo sát nhưng diện tích đất trồng đậu ước khoảng 115 ha. Người dân hoàn toàn có thể sống bằng nghề trồng đậu, bởi thực tế cho thấy xã Triệu Nguyên trồng đậu là xã đầu tiên của huyện miền núi Đakrông đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngắm nhìn vẻ đẹp của cánh đồng mươn mướt màu xanh giữa hai triền núi thẳm mây mù mờ ảo ở Triệu Nguyên mới hay chính nhờ cánh đồng lớn này mà hạt đậu sinh ra từ đây mang một chất lượng và sản lượng hiếm nơi nào có được. Thấy chúng tôi cứ trầm trồ với cái cánh đồng trải dài tít tắp giữa bốn bề là núi, anh Huy cho biết đây là vùng nguyên liệu giá trị giúp Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Triệu Nguyên tạo nên sản phẩm trà đậu đen xanh lòng hoa nhài đạt OCOP 4 sao. Và để có được vùng nguyên liệu giá trị này, anh và các hộ dân đã bỏ công sức trồng rồi chăm bón, để tạo ra những hạt đậu tốt nhất cho sản xuất trà.

 

  Năm năm trước, một nhóm 10 người trẻ ở Triệu Nguyên, trong đó có Huy, đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Triệu Nguyên để phát triển và mở rộng quy mô thị trường cho các đặc sản địa phương. “Sản lượng đậu ở thung lũng rất dồi dào, nhưng tiếc là chưa có một ai đủ sức để khai thác hết giá trị của nó. Thế là anh em hợp tác xã bàn nhau vẫn trồng đậu, nhưng hợp đồng liên kết với dân trồng loại đậu đen xanh lòng theo tiêu chuẩn sạch để chế biến thành trà, vậy là triển khai”, Huy nói, và thế là giữa năm 2019 hợp tác xã tập trung phát triển sản phẩm trà đậu đen xanh lòng hoa nhài. Tại vùng trồng đậu đen xanh lòng, hợp tác xã chuyển giao giống, kỹ thuật canh tác cho bà con và rồi thu mua. Giống đậu được sử dụng hoàn toàn là giống bản địa, không lai căng. Trồng cây đậu thì bà con ở đây đã quá quen rồi, nhưng việc tưởng không khó mà lại rất khó vì hợp tác xã rất chặt chẽ về chất lượng. Bởi không chuẩn thì nguy cơ ảnh hưởng uy tín sản phẩm. Bởi vậy, hợp tác xã yêu cầu người dân không sử dụng thuốc diệt cỏ mà sử dụng phân chuồng ủ hoai, các loại phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, tăng cường làm cỏ bằng tay. “Chúng tôi trồng đậu đen xanh lòng theo hướng thuận tự nhiên, hợp tác xã đến hướng dẫn kỹ thuật về chuẩn trồng đậu để chủ động kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào. Mùa thu hoạch, anh em hợp tác xã lại tỏa đi khắp thung lũng len lỏi vào những nương đậu cùng bà con thu hoạch những chùm quả chín. Đậu thu hoạch về bà con phơi khô, tách vỏ lấy hạt và tiếp tục phơi 3 - 4 nắng, rồi chuyển cho hợp tác xã chế biến thành trà” - anh Huy kể.

 

Ở xưởng chế biến trà, hạt đậu đen xanh lòng được chọn kỹ lưỡng, sau đó được sấy khô, rang chín và sấy lạnh. Hợp tác xã dành toàn bộ vốn liếng mua một máy sấy và một máy rang hạt công suất lớn, hạt đậu đen xanh lòng được chế biến sâu qua từng công đoạn, chậm rãi từng bước đưa ra thị trường. Ban đầu trà chỉ bán được cho một số đầu mối ở xã, huyện và một số cửa hàng nông sản trong tỉnh. Xác định muốn tham gia thị trường lớn hơn phải có đối tác uy tín, các thành viên hợp tác xã mang trà của mình đi các hội chợ thương mại, hội chợ đặc sản vùng miền ở trong và ngoại tỉnh để giới thiệu với các khách hàng từ khắp các tỉnh thành. Đồng thời qua các hội nghị xúc tiến thương mại gửi doanh nghiệp và các đơn vị bán lẻ, qua các tour du lịch trong và ngoài tỉnh để quảng bá, bán sản phẩm.

Đầu năm 2022, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Triệu Nguyên đón nhận tin vui sản phẩm trà đậu đen xanh lòng hoa nhài được cấp giấy chứng nhận OCOP đạt chuẩn 4 sao của Quảng Trị. Tiếp tục cuối năm 2022, sản phẩm đã vượt qua nhiều ứng cử viên và được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Chưa hết, việc chọn cách đồng hành cùng nông dân xây dựng nông sản sạch của hợp tác xã đã giúp sản phẩm trà đậu đen xanh lòng được Trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng TQC thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam chứng nhận phù hợp Tiêu chuẩn quốc tế HACCP. Đó là những bước tiến lớn để trà đậu đen Triệu Nguyên có được ghi nhận từ phía chính quyền và người tiêu dùng.

 

  Trần Huy cho biết gói trà đậu đen xanh lòng hoa nhài của hợp tác xã khi đến tay người tiêu dùng nhận được những phản hồi tích cực về nguồn nguyên liệu, cả hương lẫn vị trà. Anh lý giải đất trồng đậu màu mỡ và khí hậu phù hợp nên cây đậu trồng phát triển tốt, hoàn toàn không dùng thuốc trừ sâu phân bón hóa học, do đó mức độ đậu sạch hợp tác xã đảm bảo tuyệt đối. Hợp tác xã cũng là đơn vị duy nhất thu mua, sản xuất trà đậu đen xanh lòng ở Triệu Nguyên nên các khách hàng tin tưởng, sản phẩm làm ra bao nhiêu là được tiêu thụ hết.

 

Cầm trên tay sản phẩm OCOP trà đậu đen xanh lòng Triệu Nguyên, căn cứ xếp hạng 4 sao khó mà diễn tả hết tâm huyết của các thành viên hợp tác xã đã chăm chút từng gói trà. Mỗi nương đậu đen xanh lòng trồng theo hướng thuận tự nhiên, mỗi hạt đậu đen được chọn kỹ lưỡng giàu dinh dưỡng, hay mỗi dòng chữ giới thiệu trên bao bì sản phẩm… tất cả đều nói lên một tình yêu và sự trân trọng sản vật quê hương của những người tạo dựng nên sản phẩm này. Huy chia sẻ: “Thật ra việc biến một đặc sản địa phương thành một sản phẩm OCOP 4 sao, tạo ra thu nhập cũng là điều đáng tự hào, nhưng chúng tôi còn tự hào hơn khi sản phẩm này làm ra đã được nhiều người biết đến, giá trị hạt đậu đã tăng lên, sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương đã vượt ra khỏi thung sâu núi cao.

 

 Đến Triệu Nguyên mùa đậu, không khí thu hái thật rộn ràng, tấp nập, từ nương đậu đến tận xưởng chế biến của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Triệu Nguyên. Suốt 5 năm qua, Hợp tác xã Triệu Nguyên thực hiện một sứ mệnh: xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương và đưa nông sản của địa phương đi xa hơn với giá trị và chất lượng tốt nhất. Đấy cũng là mục đích để hợp tác xã đề ra chương trình OCOP khởi động với sản phẩm trà đậu đen xanh lòng hoa nhài và thành công. Từ đây mở ra cơ hội cho những sản phẩm nông nghiệp khác của địa phương gia tăng giá trị. Đến nay, ngoài sản phẩm trà đậu đen xanh lòng hoa nhài đã được công nhận OCOP 4 sao, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Triệu Nguyên đã nghiên cứu sản xuất thêm sản phẩm trà đậu đen xanh lòng lá dứa và đang chuẩn bị hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP. Năm ngoái, hợp tác xã cung cấp ra thị trường hơn 4.000 hộp trà đậu đen xanh lòng khối lượng 450 gam/hộp. Con số không lớn nhưng ổn định. Nhờ chủ trương tự chủ nguyên liệu từ những ngày đầu, đến nay hợp tác xã cũng đã có vùng trồng rộng hơn 6 ha, với 15 hộ cùng tham gia trồng đậu đen xanh lòng theo hướng thuận tự nhiên, tiến dần đến xây dựng vùng trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Dù nhỏ nhoi so với diện tích trồng đậu của cả xã, nhưng lại là cả hành trình nỗ lực không mệt mỏi của những người biết quý trọng đặc sản quê mình. Trong hồ sơ gửi Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Trị, Hợp tác xã Triệu Nguyên có ghi rõ: “Hợp tác xã Triệu Nguyên luôn tâm niệm nâng cao vị thế và khẳng định giá trị nông sản đặc trưng của địa phương, bằng tất cả chân tình và tấm lòng của người Triệu Nguyên”. Bởi vậy, bất kỳ sản phẩm gì đều in hằn tâm huyết của những người tạo dựng nên sản phẩm đó. Trần Huy chia sẻ đằng sau mỗi sản phẩm đều có những câu chuyện đầy ý nghĩa. Và hợp tác xã giúp người tiêu dùng hiểu hơn về nông sản ở thung lũng Triệu Nguyên, từ đó xây dựng nên một bệ phóng vững chắc giúp nông sản ở trong thung phát triển xa hơn.

 

  Hiện tại hợp tác xã đã đưa hạt đậu trong thung lên sàn thương mại điện tử Shopper và các website Sinh Thái Việt, Quảng Trị Mart, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam,... Chưa kể tất cả 10 thành viên của hợp tác xã đều sử dụng các mạng xã hội facebook, zalo để bán hàng. Cũng nhờ quảng bá qua mạng, khách liên hệ mua nông sản mỗi ngày một nhiều hơn. Trong số sản lượng đậu thu hằng năm thì có khoảng 1/3 là bán lẻ cho khách qua facebook, zalo, các website, sàn thương mại điện tử. Còn lại là bán cho khách quen nhiều năm và phân phối đến các cửa hàng nông sản trong tỉnh. Cũng mùa hè này, Huy cùng những người bạn mở cửa hàng nông sản sạch ở thành phố Đông Hà để có một nơi bày bán những sản phẩm mình làm ra với slogan “gùi quê xuống phố”. Anh cho biết khi các sản phẩm địa phương được phát triển và thương mại hóa thành công sẽ giúp giảm các chi phí cũng như nhanh chóng tiếp cận được với khách hàng hơn.

 

Giờ đây, Huy với chiếc điện thoại smartphone trong tay đang làm đồng trong thung lũng cách miền xuôi vài rặng núi hằng ngày vẫn tự mình livestream, quay phim, chụp ảnh, viết bài ngắn quảng bá các nông sản địa phương đến bạn bè, khách hàng gần xa. Anh kết nối trực tuyến, hợp đồng gián tiếp với các đầu mối thu mua qua điện thoại để chốt số lượng, giá cả mua vào để xuất đi. “Công nghệ sẽ giúp cắt các khâu trung gian, tiết kiệm chi phí và đẩy được giá trị của nông đặc sản Triệu Nguyên đi xa hơn”, Huy nói và anh hi vọng một ngày không xa, phong vị hấp dẫn của hạt đậu Triệu Nguyên sẽ tiếp tục vượt qua thung sâu núi cao đi xa hơn nữa đến khắp miền đất nước.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

Đẩy mạnh kết nối cung cầu để tiêu thụ nông sản

Lê An |

Cùng với các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia các hội chợ, chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thời gian qua, Sở Công thương đã đẩy mạnh triển khai hợp tác, kết nối cung cầu với giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), nông dân. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản địa phương.

Đề xuất dự án trồng, chế biến nông sản và khu thủy hải sản hữu cơ trị giá 170 triệu Euro

Lê An |

Ngày 2/10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chủ trì buổi làm việc với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ (TM&DV) Nguyễn Chí công nghệ về đề xuất dự án nông trường trồng cây hữu cơ và khu thủy hải sản hữu cơ.

20 tỉ đồng thực hiện dự án nhà máy thu mua và chế biến nông sản ở Cam Lộ

Hà Trang |

Ngày 19/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng ký ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty TNHH MTV Lao Bảo Electronics (địa chỉ tại khóm Tây Chín, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa) thực hiện dự án Nhà máy thu mua và chế biến nông sản Huy Long.

Lào đàm phán xuất khẩu nhiều loại nông sản vào Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan

Tổng hợp |

Theo ông Phet Phomphiphak Bộ trưởng Nông lâm Lào, hiện Lào đang tập trung thúc đẩy đàm phán về tiêu chuẩn vệ sinh đối với nhiều loại nông sản nhằm xuất khẩu vào ba nước láng giềng chiến lược là Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan.