Để người tiêu dùng biết đến sản phẩm OCOP ngày càng nhiều hơn, thời gian qua, các ngành chức năng đã có nhiều giải pháp cũng như kế hoạch về phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Dù chưa chính thức khai trương gian hàng nhưng thời gian qua, cửa hàng nông sản, đặc sản Quảng Trị mang tên Gùi của Công ty TNHH MTV Bảo An Khôi, ở địa chỉ số 1, Hùng Vương, TP. Đông Hà đã thu hút rất đông người đến tham quan, mua sắm. Với phương châm “gùi quê xuống phố”, chủ cửa hàng lựa chọn trưng bày, kinh doanh nông sản đặc trưng của các địa phương trong tỉnh như cá suối, tôm, ếch, măng rừng, ớt bản, nếp than của vùng miền núi Hướng Hóa, Đakrông, các nhãn hàng nước mắm của Hải Lăng, Gio Linh...
Đặc biệt, cửa hàng là nơi giới thiệu, bày bán sản phẩm của 10 chủ thể OCOP đã được chứng nhận trong tỉnh với đa dạng các mặt hàng như tinh dầu, hồ tiêu, cà phê, nước mắm, dầu gội, cam K4, gạo, trà thảo dược... Ngoài ra, còn có các sản phẩm OCOP của các địa phương khác trong nước.
Anh Trương Văn Hoài, chủ cửa hàng cho biết, từ việc hưởng ứng hoạt động hỗ trợ kết nối sản phẩm đặc trưng, OCOP của tỉnh vào các siêu thị và cửa hàng nông sản trên địa bàn tỉnh năm 2023 do Sở Công thương phát động, anh cùng một số anh em đã nảy ra ý tưởng mở một gian hàng để bày bán các sản phẩm OCOP của Quảng Trị, của các tỉnh, thành phố và các mặt hàng nông sản của địa phương với tiêu chí hàng tươi ngon, sạch, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
“Rất nhiều bạn bè tôi khi đến Quảng Trị muốn lựa chọn những mặt hàng nông sản của địa phương đã được chứng nhận OCOP về làm quà nhưng không biết phải tìm mua ở đâu. Từ thực tế này, tôi nghĩ cần có một gian hàng tập hợp các sản phẩm OCOP của tỉnh để phục vụ khách du lịch, người tiêu dùng. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn đem đến cho người tiêu dùng những đặc sản vùng miền khác nhau để có thể dễ dàng lựa chọn những thực phẩm tươi ngon của miền núi, miền biển ngay ở trung tâm thành phố. Cửa hàng Gùi ra đời với mong muốn đáp ứng các tiêu chí này”, anh Hoài cho biết.
Toàn tỉnh hiện có 115 sản phẩm OCOP, trong đó có 42 sản phẩm đạt 4 sao, 73 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh, khu vực Trung Bộ và xuất khẩu đi các nước Lào, Trung Quốc ...
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm OCOP, ngoài tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thì việc xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, kết nối tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng nông sản trên địa bàn tỉnh cần được quan tâm.
Sở Công thương hiện đang đẩy mạnh việc hỗ trợ kết nối, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, đặc trưng, chủ lực của tỉnh vào kênh phân phối tại siêu thị, các cửa hàng nông sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong tháng 10/2023 sẽ tổ chức trưng bày giới thiệu và kết nối sản phẩm OCOP, đặc trưng, chủ lực của tỉnh tại siêu thị Coopmart Đông Hà.
Lựa chọn sản phẩm kết nối vào siêu thị, hỗ trợ sản phẩm hoàn thiện các tiêu chí kết nối vào siêu thị, cửa hàng nông sản. Tiêu chí lựa chọn là các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh, sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh.
Các chủ thể phải đáp ứng yêu cầu như giới thiệu các mặt hàng nông sản có nguồn gốc, nhãn hiệu hàng hóa hoặc chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh; thông tin sản phẩm rõ ràng; chất lượng đạt tiêu chuẩn; được kiểm tra, đánh giá chứng nhận về an toàn thực phẩm.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Hữu Hưng, đây là chuỗi hoạt động hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh đến người tiêu dùng.
Từ đó, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất, kinh doanh tìm được đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm trong thời gian tới. Thông qua hoạt động, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tìm hiểu nhu cầu thị hiếu của khách hàng để điều chỉnh, thay đổi nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Thực hiện chương trình OCOP năm 2023 của tỉnh, thời gian qua, ngành chức năng đã triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ cho các chủ thể OCOP tạo gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, tham gia chương trình giới thiệu, bán sản phẩm thông qua hoạt động thương mại điện tử.
Tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia hội chợ OCOP, đặc sản vùng miền, làng nghề trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP.
Tổ chức tuần lễ sản phẩm OCOP nhằm hưởng ứng các sự kiện lễ hội lớn của tỉnh. Xây dựng hệ thống hỗ trợ xúc tiến và quảng bá các sản phẩm OCOP như các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại trung tâm tỉnh, huyện, các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, khu du lịch...
Qua đó nhằm góp phần giúp các chủ thể OCOP trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình đến với nhiều người tiêu dùng hơn, từng bước hoàn thiện việc xây dựng một hệ sinh thái về sản phẩm OCOP đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)