Hỗ trợ nông dân xây dựng nông thôn mới

Trần Cát Linh |

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), công tác khuyến nông đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao tiến bộ KHKT, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Với vai trò là cầu nối thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh; chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học đến với nông dân và thông tin thị trường, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã hỗ trợ nhiều địa phương xây dựng mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất nông nghiệp hữu cơ... mang lại hiệu quả tích cực, tạo thu nhập tốt cho nông dân.

Xã Mò Ó, huyện Đakrông là địa bàn vùng núi, điều kiện sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Nhằm hỗ trợ người dân địa phương xây dựng các mô hình sản xuất mới, với tư cách đơn vị đỡ đầu xã Mò Ó trong quá trình xây dựng NTM, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã dựa trên thế mạnh của địa phương như: mô hình nuôi gà thịt bản địa an toàn sinh học trên nền đệm lót sinhh học; mô hình nông lâm kết hợp; vườn cây ăn quả; tập huấn nâng cao năng lực tổ khuyến nông cộng đồng.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ giống cây trồng xây dựng vườn cây sinh kế tại xã Mò Ó, huyện Đakrông -Ảnh: T.C.L
Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ giống cây trồng xây dựng vườn cây sinh kế tại xã Mò Ó, huyện Đakrông -Ảnh: T.C.L

Trung tâm đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư phân bón, thức ăn để nông dân thực hiện các mô hình như: hỗ trợ 2 vườn cây sinh kế với các giống mít Thái da xanh, ổi Rubi ruột đỏ, chanh tứ quý; triển khai mô hình nông lâm kết hợp với quy mô 2,1 ha. Đối với mô hình nuôi gà thịt bản địa, trung tâm hỗ trợ 900 con giống gà Ri bản địa cho 10 hộ nuôi. Hiện nay sau 5 tháng nuôi, trọng lượng của đàn gà đạt bình quân 1,7 kg/con, với giá bán 100.000 đồng/kg, sau khi trừ toàn bộ chi phí, mỗi hộ dân thu lãi 5 triệu đồng.

Việc triển khai mô hình sản xuất, chuyển giao tiến bộ KHKT trên địa bàn xã Mò Ó góp phần thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất thâm canh sử dụng giống bản địa cho hiệu quả kinh tế cao. Việc sử dụng giống vật nuôi bản địa có lợi thế là tận dụng tối đa nguồn thức ăn tại chỗ, đất đai hiện có để phát triển, tăng tỉ trọng chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững.

Thông qua thực hiện mô hình, các hộ sản xuất trong xã học tập và nhân rộng, từ đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu để xây dựng NTM của địa phương. Tại huyện Đakrông, ngoài xã Mò Ó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn hỗ trợ các xã Triệu Nguyên, Ba Lòng các mô hình sản xuất nông nghiệp, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho thành viên các tổ khuyến nông cộng đồng, nông dân chủ chốt. Hiện cán bộ kỹ thuật trung tâm tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật cho người dân để các mô hình hỗ trợ của trung tâm đạt hiệu quả cao và có tính nhân rộng tốt.

Việc Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ các xã xây dựng NTM về các mô hình sản xuất là nhằm thực hiện tốt tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, trung tâm đã bám sát các chương trình, mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp trọng điểm, tranh thủ các chương trình, dự án của trung ương, chuyển giao thành công nhiều tiến bộ kỹ thuật mới, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Nổi bật như các chương trình, mô hình: nuôi lợn thịt an toàn sinh học theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; chăn nuôi bò thâm canh, chương trình cải tạo đàn bò; sản xuất lúa hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm; trồng thâm canh cây ăn quả theo hướng VietGap, trồng chuối lùn bản địa; chuyển đổi đất lúa thiếu nước sang trồng màu; nuôi cá leo trong lồng, nuôi tôm thẻ thâm canh 2 giai đoạn, nuôi cá kình trong ao; trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn; xây dựng vườn ươm lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cải tiến; mô hình sinh kế vùng ven biển... đem lại hiệu quả cao, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, bảo vệ môi trường.

Cùng với việc xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, trung tâm tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ khuyến nông cơ sở và nông dân chủ chốt; tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền để người dân hiểu và làm theo. Nhờ đó, trình độ sản xuất của người dân được nâng lên một bước, hiệu quả sản xuất theo đó cũng đạt cao và bền vững hơn.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị Trần Cẩn cho biết: Hoạt động khuyến nông đã góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao đời sống cho nông dân, ngư dân ở các vùng ven biển, đồng bằng, trung du, miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống khuyến nông từ cấp tỉnh đến cơ sở hoạt động ổn định mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả góp phần làm thay đổi đời sống kinh tế của người dân. Từ đó, góp phần giúp các địa phương hoàn thành tốt chỉ tiêu về thu nhập và tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM.

Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động khuyến nông, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các chương trình MTQG, trọng tâm là chương trình NTM.

Trong đó, chú trọng đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông tin tuyên truyền, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; triển khai các chương trình, dự án khuyến nông công nghệ tiên tiến, hiện đại; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, kết nối thị trường tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thực hiện chương trình thâm canh và cải tạo cây ăn quả vùng núi, trung du gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; tiếp tục triển khai các chương trình trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; đẩy mạnh các mô hình nuôi mới, nuôi các đối tượng thủy sản đặc sản, nuôi theo hướng VietGAP. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các TBKT, nâng cao nhận thức cho người dân, giúp thay đổi tư duy trong sản xuất.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Sẽ trồng thêm 250 cây Osaka vàng dọc hai bên đường vào Thành Tân Sở

Xanh EWEC |

Ngày 18/9/2024, Nhà máy chế biến mủ Cao su Cam Lộ (xã Cam Chính, Cam Lộ, Quảng Trị) cho biết, sẽ phối hợp với Quỹ Phát triển con đường hoa tỉnh Quảng Trị trồng 250 cây Osaka vàng (muồng Hoàng yến) tại khu vực đường vào Di tích Thành Tân Sở.

Hướng Hóa tiếp tục triển khai tái canh cây cà phê

Nguyễn Đình Phục |

Với lợi thế đất đỏ ba dan dồi dào, màu mỡ, độ cao và khí hậu thích hợp nên cây cà phê được xem là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), với diện tích gần 4.000 ha, chủ yếu là giống cà phê cartimor, bình quân mỗi năm toàn huyện đạt sản lượng trên 50.000 tấn quả tươi. Sản xuất cây cà phê có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tạo ra sản phẩm xuất khẩu, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ gia đình, trong đó có không ít gia đình là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở các xã đặc biệt khó khăn.

Triển vọng từ mô hình trồng cây dược liệu dây thìa canh

Thanh Hải |

Từ nhu cầu sử dụng cây dây thìa canh hỗ trợ chữa bệnh tiểu đường tăng cao trong thời gian qua, Cơ sở sản xuất và kinh doanh cao dược liệu Minh Nhi, thôn Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), đưa vào trồng thử nghiệm cây dây thìa canh ở vùng Cùa. Loại cây dược liệu này mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra triển vọng phát triển thêm loại cây dược liệu mới, góp phần xây dựng Cam Lộ trở thành trung tâm cây dược liệu của tỉnh.

Hỗ trợ 5.000 cây xanh thực hiện Dự án Phủ xanh Việt Nam tại huyện Vĩnh Linh

Nguyên Đồng |

Ngày 28/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Linh phối hợp với hệ thống thời trang FM Style tổ chức ngày hội trồng cây. Đây là nội dung thuộc chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh 2/9 (1945 - 2024) và tiếp nối Dự án Phủ xanh Việt Nam, FM Style - Triệu cây xanh, triệu ước mơ.