Đảo Cồn Cỏ có vị trí thuận lợi về địa kinh tế, vừa gần đất liền, vừa mở hướng vươn khơi để phát triển kinh tế biển đảo, thuận lợi cho phát triển giao thông đường biển, hoạt động du lịch trong tam giác Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ nói riêng và Quảng Trị nói chung. Với đặc thù là huyện đảo, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển KT-XH.
Huyện đảo Cồn Cỏ có diện tích tự nhiên 230,39 ha, dân số dao động từ 400- 500 người. Nguồn thu nhập chủ yếu của người dân trên đảo nhờ đánh bắt thủy sản và kinh doanh dịch vụ du lịch. Đảo Cồn Cỏ cũng chính là điểm A11 làm căn cứ để xác định đường cơ sở và hoạch định biên giới quốc gia trên biển.
Để phục vụ phát triển kinh tế cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo, thời gian qua, Nhà nước đã đầu tư mạng lưới đường nội bộ trên đảo theo tiêu chuẩn đường cấp V với mặt đường được nhựa hóa. Năm 2010, Nhà nước đầu tư hệ thống cấp nước có công suất 281m3 /ngày đêm với mạng lưới đường ống và 3 bể chứa nước ngọt tổng dung tích 18.000m3. Ngoài ra, trên đảo Cồn Cỏ còn có các bể chứa nước mưa với dung tích từ 15-100m3 của các cơ quan, hộ dân để thu nước cho sinh hoạt. Hiện huyện đảo Cồn Cỏ đang sử dụng điện Diezel do tập đoàn điện lực quản lý.
Người dân trên đảo được Nhà nước quan tâm chăm lo, khuyến khích phát triển ngư lưới cụ, phương tiện đánh bắt thủy sản đáp ứng thực phẩm trên đảo và cung cấp cho thị trường với sản lượng hải sản khai thác bình quân hằng năm đạt 15 tấn. Để giúp người dân cải thiện kinh tế, huyện đảo đẩy mạnh phát triển trồng trọt, chăn nuôi nên sản lượng rau, củ hằng năm đạt khoảng 25 tấn, sản lượng thịt đạt khoảng 25 tấn đáp ứng nhu cầu thực phẩm của cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân và du khách trên đảo.
Đối với hệ sinh thái, đảo Cồn Cỏ không chỉ là đảo tiền tiêu mà còn là một trong những hòn đảo đẹp hiếm có của miền Trung. Theo đó, đảo Cồn Cỏ có hơn 70% diện tích rừng nguyên sinh, có hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Do đó, đến với Cồn Cỏ, du khách được tham quan khu rừng nguyên sinh giữa biển khơi, với bầu không khí trong lành và hệ động thực vật phong phú.
Ngoài ra, trên đảo còn có nhà truyền thống, đài tưởng niệm tôn vinh các chiến sĩ đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo, có cột cờ Tổ quốc cao gần 40 m, ngọn hải đăng đảo Cồn Cỏ cao 78,2 m...Với những nét đặc thù đó, đảo Cồn Cỏ còn được gọi là “viên ngọc xanh” của tỉnh Quảng Trị, là một trong những địa điểm thu hút đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Cùng với đó, để giúp cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo có cuộc sống tốt hơn, Nhà nước đầu tư xây dựng đài truyền thanh, trung tâm văn hóa, trạm bưu điện làm cầu nối thông tin liên lạc giữa đảo với đất liền. Nhiều năm nay, đảo đã có bưu điện, 3 trạm viễn thông của Vinaphone, Mobile phone và Viettel, trạm đèn biển, trạm khí tượng, trạm rada... để phục vụ cho công tác thông tin tuyên truyền. Từ năm 2014, trên đảo đã được trang bị máy vi tính công cộng kết nối internet nên người dân, cán bộ, chiến sĩ càng thuận lợi hơn để khai thác nắm bắt thông tin phục vụ cho sinh hoạt, học tập, lao động sản xuất.
Từ khi hạ tầng cơ sở được phát triển, huyện đảo Cồn Cỏ phát triển mạnh du lịch và dịch vụ. Hiện nay, Cồn Cỏ có 2 tàu phục vụ đi lại từ đất liền ra đảo gồm tàu ConCo Tourist với sức chở 80 khách, tần suất 4 chuyến/tuần, tàu Chính Nghĩa với sức chở 156 khách, tần suất 2 chuyến/tuần. Trên đảo đã phát triển dịch vụ cho thuê xe máy, xe ô tô điện đi tham quan và tàu đi quanh đảo kết hợp với câu cá, lặn ngắm san hô.
Nhiều đơn vị, cá nhân đã xây dựng cơ sở lưu trú với phong cách tiếp đón chu đáo, lịch thiệp, hài lòng du khách. Chỉ tính riêng trong năm 2023, vốn đầu tư cho lĩnh vực du lịch, dịch vụ đạt khoảng 700 triệu đồng, lượng khách du lịch ra đảo đạt gần 9.000 khách, doanh thu từ dịch vụ, du lịch đạt trên 13 tỉ đồng.
Đối với sự nghiệp giáo dục, y tế, tỉnh và huyện đảo không ngừng đầu tư, phát triển. Hiện nay, huyện đảo Cồn Cỏ có Trường Mầm non, Tiểu học Hoa Phong Ba với diện tích 500 m2, có 4 cán bộ, giáo viên quản lý, giảng dạy và 16 cháu đang theo học. Trung tâm Y tế quân, dân y đảo Cồn Cỏ đã triển khai chương trình khám bảo hiểm y tế, tiêm chủng cho trẻ em theo quy định, từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện đảo Cồn Cỏ tăng cường công tác đào tạo, cử cán bộ tham gia tập huấn, các khóa học về biển đảo cũng như đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong các ngành, lĩnh vực kinh tế biển. Huyện đảo cũng đã chủ động triển khai các đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển như nghiên cứu sản xuất và thương mại hóa sản phẩm trà thảo dược hòa tan Giảo Cổ Lam từ nguồn nguyên liệu tự nhiên trên đảo Cồn Cỏ; bảo tồn và quản lý bền vững loài hàu răng cưa khổng lồ tại Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ.
Thực hiện Nghị quyết số 36 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, ngày 31/12/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3997 phê duyệt Kế hoạch quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị giai đoạn từ năm 2021-2025. Ngày 21/3/2022, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 50 về triển khai thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý Khu bảo tồn biển trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm quản lý, bảo vệ, bảo tồn giá trị tài nguyên thiên nhiên, môi trường, đa dạng sinh học, giá trị di tích văn hóa, khai thác hợp lý, phát huy các giá trị trong Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ. Đồng thời, kế hoạch cũng nhằm cải thiện, nâng cao đời sống cho dân cư sống xung quanh và bên trong khu bảo tồn phục vụ phát triển du lịch tại huyện đảo bền vững...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)