Huyện Gio Linh quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024

Hoài Diễm Chi |

Quán triệt chủ đề hành động năm 2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gio Linh: “Hành động quyết liệt trong giải phóng mặt bằng, tăng tốc hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII”, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Trị, Kết luận của Huyện ủy, Nghị quyết của HĐND huyện; tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra; cùng với sự ủng hộ, tin tưởng và đồng hành của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) trong 6 tháng đầu năm 2024 của huyện đạt được nhiều kết quả nổi bật.


Về tình hình sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2024, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh Nguyễn Văn Thức cho biết, năng suất, sản lượng hầu hết các loại cây trồng đều tăng so với vụ đông xuân năm trước, trong đó, năng suất lúa ước đạt 60,6 tạ/ha, sản lượng lúa đạt 29.465,54 tấn. Cây công nghiệp lâu năm có tổng diện tích 6.817,8 ha.

Chăn nuôi tiếp tục phát triển, chất lượng đàn được nâng lên; đàn trâu 2.652 con, đàn bò 8.395 con, đàn lợn 23.568 con, đàn gia cầm 472.000 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 3.800,47 tấn, trong đó thịt lợn đạt 2.356 tấn.

Người dân xã Linh Trường, huyện Gio Linh chú trọng phát triển diện tích cây ăn quả - Ảnh: D.C
Người dân xã Linh Trường, huyện Gio Linh chú trọng phát triển diện tích cây ăn quả - Ảnh: D.C

Huyện tập trung chỉ đạo chăm sóc diện tích rừng trồng tập trung và cây phân tán các năm trước; duy trì ổn định diện tích rừng FSC, đã trồng lại rừng sau khai thác và trồng mới 111,97 ha, gieo ươm 2.170.000 cây giống lâm nghiệp; khai thác 134,22 ha rừng trồng tập trung, ước tính giá trị khai thác khoảng 12,8 tỉ đồng.

Huyện quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và ngư dân thực hiện nghiêm túc các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); tổ chức lễ ra quân đánh cá vụ Nam và khởi động mùa du lịch biển năm 2024.

Hiện nay, toàn huyện có 862 tàu thuyền cơ giới khai thác thủy sản và dịch vụ, tổng công suất 101.590 CV, trong đó 168 chiếc có chiều dài trên 15m đánh bắt xa bờ, công suất 92.192 CV, với 1.589 lao động thường xuyên tham gia đánh bắt.

Diện tích nuôi thủy sản 601,5 ha; tổng sản lượng thủy sản đạt 8.657,99 tấn. Huyện tiếp tục triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; đã từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: rau sạch, cây cao su, cây hồ tiêu, cây ăn quả; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới về giống, áp dụng bộ giống ngắn ngày có năng suất và chất lượng cao.

Đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ; quan tâm, khuyến khích phát triển các sản phẩm OCOP. Hiện đã có 12 sản phẩm OCOP của 5 chủ thể đã được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó, có 5 sản phẩm đạt 4 sao, 7 sản phẩm đạt 3 sao.

Sản xuất công nghiệp được duy trì ổn định. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư thực hiện các công trình, dự án được triển khai quyết liệt theo chủ đề hành động năm 2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện.

Các dự án trọng điểm của trung ương, của tỉnh, huyện đầu tư trên địa bàn được Ban chỉ đạo huyện, các Tổ chỉ đạo GPMB của Ban Thường vụ Huyện ủy bám sát, đôn đốc giải quyết. Lãnh đạo UBND huyện đã trực tiếp chỉ đạo các hội đồng GPMB và các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc để bàn giao mặt bằng thi công các dự án đảm tiến độ.

Các hoạt động trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển khá đa dạng. Hoạt động bán buôn, bán lẻ, hàng hóa lưu thông phong phú, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Hoạt động vận tải tăng cả về vận tải hành khách và hàng hoá, doanh thu vận tải đạt 35.185,1 triệu đồng.

Hoạt động dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển, khởi sắc, đặc biệt dịch vụ tắm biển nghỉ dưỡng thu hút khoảng 100.000 lượt du khách. Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả; hiện có 14/15 xã đạt chuẩn NTM; huyện đạt 3/9 tiêu chí, phấn đấu huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2025.

Trên lĩnh vực văn hóa, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng văn hóa cơ sở, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; có 96/97 khu dân cư được công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa, 83/83 cơ quan, đơn vị duy trì danh hiệu đơn vị văn hóa, 93,8% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa. Công tác giáo dục và đào tạo, y tế tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả.

Những kết quả đạt được đã tạo nên diện mạo mới, nhiều khởi sắc cho huyện Gio Linh, đồng thời cũng là đòn bẩy để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong cả năm 2024.

Theo Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Võ Đức Hóa, trên tinh thần đó, UBND huyện yêu cầu các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở bám sát các nội dung nhiệm vụ của huyện đề ra và tình hình thực tiễn của đơn vị, địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện; đồng thời tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, huy động và sử dụng tốt nhất mọi nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ năm 2024.

UBND huyện tập trung rà soát các nhiệm vụ trong Kết luận của Huyện ủy, Nghị quyết của HĐND huyện về kế hoạch phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN năm 2024 để điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, tổ chức sản xuất các loại cây trồng gắn với xây dựng nhãn hiệu, nhãn mác, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, xây dựng chuỗi liên kết để tiêu thụ sản phẩm, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả.

Tích cực động viên ngư dân vươn khơi bám biển, tìm kiếm ngư trường mới nhằm nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản của đội tàu xa bờ; phấn đấu đến cuối năm, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 17.000 tấn. Tập trung chỉ đạo với sự nỗ lực và quyết tâm cao thực hiện hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2024, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ GPMB, tái định cư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển mạnh dịch vụ tắm biển, nghỉ dưỡng; nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn.

Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; huy động các nguồn lực để đầu tư tôn tạo, trùng tu các di tích lịch sử văn hóa; xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; cơ sở hạ tầng phát triển du lịch. Phối hợp tham gia tốt các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024..., tạo thế và lực vững chắc đưa Gio Linh phát triển nhanh, bền vững.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đi tìm “cây trội” giữa rừng thường xanh

Sỹ Hoàng |

“Cây trội” hiểu đơn giản là cây có các đặc điểm vượt trội so với các cây cùng loài còn lại trong một quần thể về chỉ tiêu theo yêu cầu của từng mục tiêu chọn giống. Với các thành viên tham gia nhóm tìm kiếm “cây trội”, chỉ cần nhìn thấy ngọn cây cao đột khởi giữa rừng già thâm u là họ nhen nhóm lên bao niềm hy vọng. Qua nhiều chuyến băng rừng, lội suối, nhóm cũng chỉ tìm được 6 “cây trội” gụ lau giữa 43.000 ha rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông.

Cây phượng trắng duy nhất ở Việt Nam

Hà Hữu Nết |

Mỗi lần có dịp ngang qua biệt thự 75 Phù Đổng Thiên Vương, Đà Lạt tôi đều dừng lại xem Phượng trắng thế nào. Đây là cây Phượng trắng duy nhất ở Việt Nam nở hoa. Cây này, do nữ tiến sĩ Hà Ngọc Mai mang từ Úc về trồng năm 1998, sau 10 năm thì nở hoa tuyệt đẹp. Phượng trắng nở giữa đại ngàn thông xanh, luôn làm ngất ngây người dân và du khách, bởi sức hút kỳ lạ, vẻ đẹp tinh khôi, sang trọng và độc đáo.

Tập trung chăm sóc cây trồng vụ đông xuân

Lê An |

Ngay từ ngày mồng 3 tết Nguyên đán, khi không khí xuân vẫn đang còn tràn ngập ở khắp mọi nơi thì nhiều nông dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tranh thủ thời tiết thuận lợi ra đồng chăm sóc cây trồng vụ đông xuân với tinh thần phấn khởi, hứa hẹn một năm mới thắng lợi.

Trồng cây Osaka vàng trên tuyến đường vào Di tích thành Tân Sở

Phan Bảo Phú |

Trong đợt này, các đơn vị đã tổ chức trồng hơn 100 cây Osaka vàng trên tỉnh lộ 585, đoạn từ ngã tư Cùa đến thôn Phan Xá Phường, xã Cam Thành. Đây là cung đường đầu tiên để vào thành Tân Sở trước khi vượt đèo Cùa.