Đông Hà đã được công nhận là đô thị loại II. Đó là tin vui không chỉ với những người sinh ra và lớn lên ở thành phố bên sông Hiếu này mà còn là một minh chứng cho sự phát triển không ngừng của mảnh đất xưa kia là chiến trường bom đạn. Nhưng cũng như bao cư dân của thành phố, ngoài những giá trị cụ thể được định lượng tôi vẫn mong còn một giá trị khác. Giá trị đó có được từ những giá trị tự thân và trách nhiệm công dân, đó là nguồn năng lượng riêng có của mỗi đô thị.
Tại sao đi đến các đô thị lớn, dường như ta luôn cảm thấy một nguồn năng lượng trẻ trung lan tỏa trong không gian thành phố. Ra Thủ đô Hà Nội hay vào Thành phố Hồ Chí Minh, tôi luôn dành thời gian để đến các công viên hay quảng trường để nhìn những bạn trẻ ở đó. Thường ở Hà Nội là các khu vực cạnh hồ Hoàn Kiếm hay quanh tượng đài Lý Thái Tổ. Ở Thành phố Hồ Chí Minh là khu vực trước Nhà hát Thành phố.
Dĩ nhiên thành phố rộng mênh mông, có hàng chục nơi chốn khác nhưng thời gian lưu lại thành phố có hạn nên tôi chỉ có thể chọn những nơi gần trung tâm và tôi đã thấy gì ở đó? Có rất nhiều nhóm bạn trẻ họ đang chơi nhạc hoặc nhảy hiphop, nhìn những gương mặt trẻ trung tươi tắn, những mái tóc tơ dính bết mồ hôi, những đôi mắt sáng ngời mộng ước, những điệu nhảy trẻ trung, những ca khúc quốc tế và ca khúc trong nước... tất cả những điều ấy quyện vào nhau, bùng nổ những thanh âm và giai điệu để truyền đi trong không gian nhịp điệu và năng lượng.
Có nhiều cách quan sát sức sống của một đô thị. Và với tôi, những sáng cuối tuần nếu có mặt ở những nơi đó khi việc không thể bỏ qua là quan sát chiêm ngưỡng và thưởng thức những màn trình diễn của tuổi trẻ để tiếp nhận từ đó một năng lượng tích cực cho bản thân để rồi liên tưởng về thành phố quê mình.
Những lần ngồi uống cà phê ở các quán xung quanh khu vực Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh, tôi vẫn thầm ao ước cả quảng trường rộng lớn và thoáng đãng ấy sẽ trở thành một không gian lan tỏa năng lượng cho đô thị, cho những thị dân mà không phải thành phố nào cũng có được một không gian như thế.
Tôi vẫn thường vào kênh Youtube để xem các clip của những bạn trẻ. Đơn giản chỉ vì tôi là một ông bố có con đang lứa tuổi ấy, muốn hiểu được tâm thế và tâm lý của giới trẻ hôm nay, thì có một cách tiếp cận là xem các bạn trẻ đang vui chơi, sinh hoạt như thế nào trên không gian internet. Và tôi thật sự bất ngờ khi thấy nhiều clip của các bạn học sinh trung học phổ thông, có khi là những nhóm học sinh trung học cơ sở đã chơi nhạc rất bài bản, rất trẻ và tràn đầy năng lượng.
Tôi lại nhớ đến các nhóm nhạc hát ở đường phố để nhận tiền của du khách thưởng thức và sau buổi hát, tất cả số tiền được mang đi làm từ thiện ở bệnh viện, hỗ trợ viện phí cho những người nghèo. Như vậy, không chỉ là năng lượng sống, đó còn là năng lượng yêu thương được hình thành từ chính hoạt động đường phố!
Những nhóm nhạc ấy, những ca khúc ấy, những nguồn năng lượng thanh xuân và nhiệt huyết ấy chúng ta chưa thấy xuất hiện ở những không gian công cộng và văn minh như ở quảng trường Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh, ở những không gian xanh như công viên Lê Duẩn, công viên Fidel hay Cọ Dầu...Trong khi với một đô thị trẻ và năng động những không gian công cộng ấy rất được khích lệ để trở thành một nơi để những bạn trẻ trình diễn.
Hãy tưởng tượng vào những sáng thứ Bảy, Chủ nhật, hàng ngàn cư dân đô thị sẽ tận hưởng buổi sáng cuối tuần ở khu vực quảng trường và cùng với ly cà phê thơm trên tay, họ sẽ được thưởng thức âm nhạc từ những nhóm nhạc học sinh, cũng có thể cả các nhóm thiếu niên hay những band nhạc trung niên đã ghi dấu ấn trong đời sống văn hóa của thị dân Đông Hà từ bao năm nay.
Nói về quá khứ của những hoạt động âm nhạc ở Đông Hà từ mấy chục năm trước, chắc chắn những công dân thế hệ 6x, 7x chưa thể quên những guitaris, những ca sĩ, những tay trống vô cùng tài hoa để lại dấu ấn của các nhóm ca khúc chính trị giai đoạn chiến tranh biên giới đã làm nên một đời sống âm nhạc Đông Hà không thua kém bất cứ thành phố nào trong khu vực.
Và ngay trong đời sống âm nhạc hiện đại, Đông Hà nói riêng và Quảng Trị nói chúng có không ít ngôi sao ca nhạc thành danh, nhiều người trong số họ đang là thần tượng của giới trẻ như ca sĩ Tùng Dương, Tăng Duy Tân...Nói như thế để thấy chúng ta có tiềm năng, có cơ sở để xây dựng một đời sống âm nhạc, nghệ thuật tạo ra năng lượng cho thành phố trẻ, nhất là vừa được “thăng hạng” như thế này!
Hãy tưởng tượng quanh những công viên, bên những khoảng xanh cây cỏ, tiếng ca và tiếng đàn của các nhóm nhạc trẻ vang lên, đó không còn là chuyện chơi nhạc, đó là năng lượng của đô thị, đó là thanh xuân và hy vọng. Thay cho những tiếng gầm rú nẹt pô inh ỏi phải là những thanh âm của tuổi trẻ. Những âm thanh yêu thương ấy sẽ vang dài trên phố, cùng với thời gian nó sẽ trở thành một tập quán, một thứ khí hậu tuổi trẻ, nhiệt lượng tuổi trẻ và lan tỏa năng lượng tích cực. Vậy để tổ chức cho những nhóm nhạc trẻ này được trình diễn trong những không gian như đã nói có khó không?
Chúng ta có Đoàn Thanh niên, Hội âm nhạc, Nhà văn hóa...những tổ chức, đơn vị này sẽ làm nhiệm vụ kết nối và tổ chức những “Sáng Chủ nhật tươi hồng”, thậm chí không chỉ trình diễn mà cả thi thố, chúng ta có mạng xã hội để post clip của các nhóm, để bình chọn và chấm điểm và một khi nó tạo được sự quan tâm thu hút, tạo được hiệu ứng trong cộng đồng thì không lo gì thiếu nhà tài trợ.
Một quần thể công trình như Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh không thể chỉ đêm đêm sáng đèn vài ba lần trong một năm mà cần biến không gian chung quanh đó thành một trung tâm văn hóa đường phố, thu hút và kích hoạt năng lượng của tuổi trẻ. Cũng như hàng chục hội thi, hội diễn văn hóa học đường không chỉ tập luyện rồi thi thố, chấm điểm trao giải trong khán phòng với một số ít giám khảo, khán giả xem cùng nhau và xếp hạng.
Tại sao chúng ta không thử nghiệm tổ chức các nhóm nhạc tại các trường trung học phổ thông, hay các cơ quan đơn vị có thể có điều kiện để lập nhóm nhạc. Rồi cứ mỗi cuối tuần mỗi nhóm sẽ đăng cai biểu diễn, các clip của buổi diễn sẽ được phát lên trang web của thành phố và có bình chọn cho nhóm xuất sắc nhất trong tháng, trong quý... Hoặc có thể để các bạn trẻ tự kết nối và lập ra các nhóm ca khúc đường phố để dự thi cùng các nhóm của các trường học, đơn vị...
Viết đến đây tôi lại nhớ đến các nhóm nhạc hát ở đường phố để nhận tiền của du khách thưởng thức và sau buổi hát, tất cả số tiền được mang đi làm từ thiện ở bệnh viện, hỗ trợ viện phí cho những người nghèo. Như vậy, không chỉ là năng lượng sống, đó còn là năng lượng yêu thương được hình thành từ chính hoạt động đường phố! Tất cả những niềm vui sống ngập tràn tình yêu quê hương đất nước ấy phải được lan tỏa tích cực và nồng nhiệt trên từng con đường, từng con phố, từng gương mặt người, từng thanh âm yêu thương và rộn rã. Từ đó ta sẽ nhìn ra được sức xuân của thành phố trẻ bên bờ sông Hiếu.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)